Feeds:
Posts
Comments

HAPPY LUNAR NEW YEAR 2023
CHÚC MỪNG NĂM MỚI QUÝ MÃO 2023

Kính chúc anh chị em và gia đình
một năm mới đầy may mắn
dồi dào sức khỏe, an vui hạnh phúc.

Văn Nghệ Boston

Văn Cao

VĂN CAO
Sóng ngàn kháng chiến

Đặng Tiến

Từ Suối Mơ đến Bến Xuân

Từ những tình khúc đầu mùa như Thu cô liêu, Buồn tàn thu (1939), Cung đàn xưa, Bến xuân (1942), Suối mơ (1943), Văn Cao đã ghi lại những thành công trong thời kỳ phôi thai của nhạc mới, mà bây giờ vẫn còn người hát; và nghe lại, ta vẫn thấy hay, trong khi một số ca khúc đồng thời của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước… đã trở thành lạc lõng. Giải thích hiện tượng này, Phạm Duy đã có một loạt bài hay, và anh là người có nhiều thẩm quyền để phê phán: anh sống, sáng tác và ca diễn vào thời đó, anh nắm vững lịch sử tân nhạc và tâm lý quần chúng; về nhạc thuật, Phạm Duy là vua. Vậy chúng ta nghe Phạm Duy:

“Phải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn, … tung ra (…). Tuy nhiên loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bậc nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao”.

[Tạp chí Văn Học số 15, 1987, đăng lại trên Hợp Lưu số 8, 1992]

Cái mới, điểm tiến bộ đầu tiên Văn Cao đưa vào nhạc mới là người đàn bà đẹp, kiều diễm, trang trọng, cao quý, khác với Cô hái mơ, Cô lái đò, Cô lái thuyền, Cô hàng bán hoa, Cô hàng cà phê, Cô láng giềng trong những bài hát thịnh hành thời đó. Xã hội Việt Nam ngày xưa không tạo cơ hội cho trai gái gặp nhau, ngoài sinh hoạt nơi đồng áng hay hội hè – vốn hiếm. Nơi công cộng, nếu không gặp cô thôn nữ tát nước bên đàng, thì cũng là cô sơn nữ, cô hái hoa gì đó, vì trai gái không có quy chế (statut) gặp gỡ. Phải đợi đến Văn Cao, cô gái mới đi thẳng đến nhà người yêu bên chiếc cầu soi nước. Người con gái khuê các, có thể ngồi trong nhà mà nhớ người yêu: ôi vừa thoáng nghe, em mơ ngay bước chân chàng. Đặc biệt là chữ “ngay” như một phản xạ, một tự do. Phải rồi. Cô gái trong tình khúc Văn Cao là cô gái tự do, báo hiệu cho một nền văn hoá mới, trong vẻ đẹp tuyệt vời, huyền diệu:

Chiều năm xưa

Gót hài khai hoa

Mắt huyền lưu xuân

Dáng hồng thơm hương

Người đẹp kiêu sa này, đi vào kháng chiến sẽ để lại những lối mòn thơm mãi dấu chân em trong thơ Nguyễn Đình Thi, ra khỏi kháng chiến thì:

Em đài các lòng cũng thoa son phấn

Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ

trong Mê hồn ca của Đinh Hùng. Nhất Linh đã bảo vệ người phụ nữ, Dương Thiệu Tước đã mơn trớn, và Văn Cao đã kính trọng người phụ nữ.

Một đặc điểm khác trong tình khúc Văn Cao là toàn bài hát được cấu trúc như một tác phẩm hài hoà và toàn bích, như một bài thơ độc lập, có giá trị nhất quán và tự tại. Phạm Duy công nhận “ Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của thời đó thì bài Suối mơ với Bến xuân là các điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc. Lúc đó các nhạc sĩ còn đang lẩn quẩn trong cách xếp đặt chữ nghĩa trong ca khúc thì Văn Cao đã viết hẳn ra một Bài thơ bên suối” (sđd).

Cung đàn xưa kết hợp nhuần nhuyễn những lời thơ thiết tha da diết, xoắn sâu vào nỗi đau thương:

Cung thương là tiếng đ àn

Cung nam là tiếng người

Ai oán khúc ca cầm châu rơi

Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi

Cung đàn ngân

Buồn xa vắng trong tiếng thầm

Buồn tê tái trong tiếng ngân

Buồn như lúc xuân sắp tàn

(…) Giờ còn mong chi người hát theo đàn.

Trong thơ mới có lẽ ngoài Hàn Mặc Tử ra, chúng ta cũng ít khi thấy ngôn ngữ thê thiết dồn nén đến mức ấy. Ngôn ngữ Văn Cao thật mới: trong khi các nhạc sĩ khác còn vân vê hình ảnh hoa rụng thuyền trôi, thì Văn Cao đã có những sáng tạo:

Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn

… Hồn cầm lắng tiếng đời

.. . Cánh nhạn vào mây thiết tha

… Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…

Đó là đặc sắc trong lời ca. Về nhạc lý, chúng ta nghe Phạm Duy phê phán nhạc tình thời này: “Về phần nhạc thuật ta thấy rằng tất cả những bài hát đó chỉ được coi như là phó sản của những nhạc phẩm đã được sản xuất trước đây. Tất cả đều được nằm trong một khuôn khổ có sẵn (thể nhạc khiêu vũ tango hay rumba) với những âm hình (dessins mélodiques) mà ta có thể gọi được là tiếng gọi cái của những thanh niên thất tình” (Văn Học, tháng 12.1986).

Theo Phạm Duy, phải đợi đến Cung đàn xưa, Văn Cao mới “đưa nhạc tình trong năm 1943 này lên tới đỉnh cao nhất của những bài ca ái tình” (Văn Học, số 15, 1987).

Từ Bạch Đằng Giang đến Sông Lô

Song song với những tình khúc đầu mùa, thời kỳ mà Phạm Duy gọi bằng tiếng Pháp là le temps de l’innocence – thời thơ ngây, vào những năm đầu thập niên 1940, một nhạc trào khác phát triển mạnh là nhạc hùng, những bài hát khoẻ, vui của hướng đạo, học sinh, đề cao lịch sử, đất nước, sức khoẻ, bắt đầu từ nhóm Đồng vọng của Hoàng Quý tại Hải Phòng đến Hùng Lân, Lưu Hữu Phước. Những hành khúc này có những động cơ xã hội hay chính trị, hoặc tự phát hoặc có lãnh đạo.

Văn Cao là tư tưởng tự do và tiến bộ, trong thể loại nào cũng giữ hai nét đặc biệt ấy. Văn Cao yêu lịch sử nhưng không nô lệ: tự hào về quá khứ đất nước, anh vẫn xem như là một kỷ niệm đã qua – cần phải được vượt qua để tồn tại và tiến hoá.

Trận Đống Đa là chiến thắng thần tốc oanh liệt nhất của chiến thuật Việt Nam, của chiến tranh nhân dân và phong kiến, của bạo lực và chính nghĩa, của chiến lược thuần tuý. Nhưng Văn Cao không hề bị choá ngợp trước đỉnh cao lịch sử đó ngược lại, trong Gò Đống Đa, anh khẳng định:

Thề quyết phấn đấu

Đồng tâm hy sinh

Làm sao cho hơn thời xưa

Rồi cất sức sống ngày mai…

Thăng Long hành khúc ca cũng nhắc lại chiến công Tây Sơn; Văn Cao nhìn về toàn bộ lịch sử dân tộc qua hình ảnh cố đô:

Thăng Long thành xưa

Thăng Long ngày nào

Cờ khoe sắc phất phới.

Nhưng hiện tại thì khác. Việt Nam, lúc đó, là một nước nô lệ lầm than, lạc hậu. Hà Nội là một thủ phủ thuộc địa: bao năm qua khắp chốn cũ cũng đã mất hết tinh anh. Muốn dân chúng yên vui, thậm chí sống oai hùng, tiếp nối với truyền thống thì phải biết đổi mới, tiếp thu khoa học và dân chủ, phải mở tim mở óc chờ gió mới bay về… bao ánh sáng phương tây từ khắp chốn bay về.

Sông Bạch Đằng là một chủ đề khác. Chiến công hiển hách này được nhiều người đưa ra như một tiêu chuẩn, một giá trị miên viễn. Hoàng Quý, đồng hương, bạn và thầy nhạc Văn Cao, viết:

Đến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Đằng

Thì anh em ta vui ca rằng:

Trên sông Bạch Đằng dân Nam hò reo.

Lưu Hữu Phước cũng cho rằng Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giong soi chung. Trong khi đó Văn Cao trên con sông quê hương thì buồn thiu:

Bạch Đằng giang sầu mơ b ên lau xanh

Với bến nước x a xôi

… Buồn ai đứng nhìn con sông xanh biếc ngày xưa

Mà nước mắt mờ rơi…

[Chiều buồn trên Bạch Đằng Giang]

Đã đành, ở đây lãng đãng nét u buồn lãng mạn vẫn cố hữu trong nhạc Văn Cao, nhưng không thể phủ nhận tư tưởng cầu tiến và duy tân của anh. Lưu Hữu Phước thường nói đến nòi giống. Có khi rất hào hùng. Hào hùng lắm thì kỳ thị:

Đây Bạch Đằng giang sông hùng dũng

Của nòi giống anh hùng, giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, v. v…

trong khi, về nòi giống, trong một đề tài khác, Văn Cao thực tế và tha thiết mong:

Đoàn quân Việt Nam đi

Sao vàng phấp phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than

Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới…

[Tiến Quân Ca]

Thời đó, Văn Cao đã có cái nhìn rất thoáng, rất rộng về dân tộc trong một cộng đồng nhân loại lớn lao: trong Công nhân Việt Nam (1944), bài hát chính thức của Tổng công đoàn Việt Nam hiện nay, anh viết:

Ngoài kia lời non nước đang nhắc ta

Mau nhấc cao giống nòi

Yêu mến muôn giống người

Tranh đầu cuối cùng

Là đời sống mới dâng xa.

Một tình cảm tiến bộ, lành mạnh. Nói rằng những tư tưởng kia có lãnh đạo, cũng không giảm giá cá nhân Văn Cao. Tố Hữu cũng được lãnh đạo – và lãnh đạo kẻ khác – tuổi đời và tuổi đảng nhiều hơn Văn Cao, mà tư duy chính trị, ở thời điểm này, còn hạn chế. Tư tưởng Văn Cao một lúc nào đó đã từng lưu luyến mấy cung u huyền trong tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung. Tâm hồn hoài cổ ấy bây giờ lao vào những kỷ niệm vang vang hùng khí: Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca ra nơi biên cương. Bao chiến mã lên đường… Nhưng cái bất ngờ là Văn Cao không dừng lại ở những “dư âm mênh mông”, anh còn đòi

Lập quyền dân tiến lên Việt Nam

Đòi hạnh phúc đắp xây tự do

Những yêu cầu thiết yếu mà ngày nay, sau nửa thế kỷ xương máu và lầm than, dân tộc ta vẫn chưa đạt tới. Và ngày nay vẫn còn có thể hát đắng cay: Tiếng than nơi nơi… Tháng năm dần trôi. Về nhạc thuật, Phạm Duy đánh giá cao bài Chiến sĩ Việt Nam: “ Với tài năng tuyệt vời của một hoạ sĩ, Văn Cao vẽ ra cảnh chiến sĩ Việt Nam phi ngựa trên đường xa (…). Tài soạn nhạc của anh tới lúc này đã bỏ xa những nhạc sĩ chuyên nghiệp khác, đừng nói gì tới những tay soạn nhạc tài tử như Nguyễn Đình Thi hay Đỗ Nhuận. Trong khi nhạc hùng của Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước dù hay đến mấy cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ của những ca khúc rất chân phương, rất cân đối, rất sách vở… thì Văn Cao trổ tài soạn hành khúc như bài Chiến sĩ Việt Nam này. Câu nhạc thứ hai dài dằng dặc, với nhịp điệu dồn dập, thay đổi hơi thở luôn luôn khiến cho câu ca có sức sống mãnh liệt: Ngựa phi nơi xa xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng. Tiếp tới là sự nhắc lại nhạc đề (…). Cái hay của tác giả là đã chuẩn bị để vào cuối câu nhạc sẽ chuyển qua một nhạc đề khác, để chứng tỏ sự phong phú của bàn tay sáng tác” (Văn Học, số tháng 10, 1986).

[Tư liệu: 1944, Văn Cao làm xong Tiến quân ca thì Nguyễn Đình Thi là người xướng âm đầu tiên. Sau đó cao hứng, Thi rủ Văn Cao làm một bài khác, và làm xong Diệt phát xít trước bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao].

Dân quân du kích cách mạng b ừng mùa thu

Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu…

Đây là những hình ảnh đẹp đầu tiên của cách mạng Việt Nam, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Con người sống thực tại như một giấc mơ, sống lịch sử như một nghệ thuật, sống đất nước như một bích hoạ: ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió… Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng . Bài hát Bắc Sơn, nguyên uỷ là sáng tạo cho vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng vượt khỏi đề tài, trở thành bài hát của người du kích. Cũng như Tiến quân ca, lúc đầu là bài hát làm cho một khoá quân sự kháng Nhật, sau trở thành quốc ca. Văn Cao năm 1977 đã viết một đoạn hồi ký hai ngàn chữ về bài này; quốc ca là sở hữu của dân tộc và lịch sử, chúng tôi không bàn tới trong bài này – vì không phải nơi, không phải phép.

Cách mạng tháng Tám 1945 đưa dân tộc vào một khúc quanh. Văn Cao làm bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc đăng trên báo Tiền phong, bài thơ quan trọng đầu tiên của anh, sau đó là Ngoại ô mùa đông 1946 đăng trên báo Văn nghệ thời kháng chiến, 1948. Bài thơ mới mẻ, mạnh bạo đã có nhiều nét báo hiệu phong cách thơ Văn Cao về sau.

Toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chiến đấu. Mùa xuân về, giữa chiến hào xa. Văn Cao ra đi, rạo rực phơi phới với hai mối tình lớn: đất nước và người yêu. Xuân kháng chiến cũng là Xuân trăng mật. Bài hát Làng tôi mang những âm hưởng đằm thắm, dịu dàng, phấn khởi chưa từng thấy trong những ca khúc trước đó. Văn Cao vốn tiết kiệm tâm sự, kín đáo về đời tư, nên mãi đến năm 1974, anh mới có bài thơ về chị ấy, Khuôn mặt em, nhưng cũng không lấy gì làm rõ nét. Chúng tôi chỉ phỏng đoán vì hai câu cuối

Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng

Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng

Làng tôi là tình khúc thiết tha dịu mát. Trăng mật của lứa đôi soi óng ánh vào quê hương yêu dấu

Làng tôi xanh bóng tre

Từng tiếng chuông ban chiều

Tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu

Bóng cau với con thuyền một dòng sông.

Tuy là một bài ca chiến đấu, Làng tôi theo đoàn quân du kích… nhưng âm hưởng lưu lại một nguồn ánh sáng lung linh dịu mát trong niềm nhớ mông mênh, như rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa… Đồng quê có lúc rộn lên với Ngày mùa nhanh nhẹn tươi vui:

Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng.

Hình tượng lý tưởng súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang, có thể không phản ánh lại gian lao của những năm chống Pháp nhưng diễn tả ước mơ của người nghệ sĩ trong kháng chiến.

Tuy nhiên phải đợi đến trường ca Sông Lô, Văn Cao mới nói lên được trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương, hoang sơ nhưng thân mật, đơn giản mà hùng tráng, đẹp như một bức tranh. Sông Lô là một bức tranh

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu.

Những nét đạm thanh ẩn hiện trên nền màu mờ nhạt, khi nhịp câu ca loang dần ra xa; những hình ảnh liên tiếp tạo ra không gian mênh mông, hoang dã và huyền bí. Khí hậu lặng lẽ và lạnh lẽo bỗng bừng lên ánh sáng ngọn lửa chiến đấu

Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lao thưa

Tiếp theo là ánh bình minh: thiên nhiên như hồi quang ý chí con người. Bài hát lấp lánh lời đối đáp giữa ánh sáng và hơi ấm

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô

Rồi vũ trụ bỗng chan hoà âm thanh, bao la, rộn rã trong tiếng sóng reo vi vu…gió lá vi vu:

Sông mênh mông như bát ngát hát

Bao rừng thu như bát ngát cười.

Lời hát say sưa ngợi ca đất nước và con người nhắc chúng ta khí thế lúc đó, như trong thơ Nguyễn Đình Thi: gíó thổi rừng tre phất phới. Trong biếc nói cười thiết tha, hay trong tuỳ bút kháng chiến của Nguyễn Tuân: chúng tôi đang mơ chung một cơn hoả mộng…

Văn Cao vẫn bám vào hiện thực; trong chiến thắng hân hoan, anh nghĩ ngay đến đời sống thường nhật của người dân buông lưới. Phan Lương vui bóng thuyền, lều dựng lên ven sông . Phút vẻ vang, phút hùng tráng là chuyện phải làm, để bảo vệ cuộc sống tầm thường, trong trần gian êm ả

Dòng sông Lô trôi

Mùa xuân tới

Nước băng qua ngàn

Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre

Trận Sông Lô, 1947, là chiến công đầu tiên của quân đội Việt Nam non trẻ (thời đó còn mang tên Quân đội Quốc gia), đặc biệt ngành pháo binh mới phôi thai: thời đó, khi sử dụng đại bác bắn vào tàu địch trên sông, ta chưa biết tính đạn đạo vòng cung, phải kê ngang nòng súng mà bắn như súng trường. Chiến thắng sông Lô, ngoài tầm quan trọng quân sự, còn có tác dụng tâm lý lớn lao và gợi cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ.

Về nhạc thuật, Sông Lô được xem như là đỉnh cao trong sự nghiệp Văn Cao. Anh đã vượt lên khỏi những tiết tấu đơn giản của ca khúc, đi tới một hợp tấu dài hơi, với nhiều tầng lớp nhịp độ khác nhau, lôi cuốn chúng ta theo điệu nhạc, lời thơ, màu sắc, như một dòng sông lớn.

Niềm hăng say có lúc chủ quan và lạc quan quá mức; như Nguyễn Tuân mơ những khải hoàn môn kết toàn bằng bích đào, Văn Cao trong giai đoạn kháng chiến gian lao, 1949 đã đòi Tiến về Hà Nội:

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân trở về

Như đài hoa đón mừng

Nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

những bông hoa ngày mai

Đón tương lai vào tay.

Giọng ca đã khác với bóng xưa ngàn năm, hồ phai khi tàn mơ. Nhưng vẫn sắt đá một niềm tin ôi Thăng Long ngày mai, xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng.

Từ nhận xét này, chúng ta có thể nới rộng tầm nhìn vào tác phẩm Văn Cao, về nhạc, hoạ cũng như thơ. Một toàn bộ phong phú, đa dạng, lúc nào cũng đặc sắc, thuỷ chung với vài ba ý chính và một phong cách riêng. Gắn bó với thời dại, Văn Cao thường xuyên tra vấn thân phận làm người trong và ngoài lịch sử.

Thơ, nhạc, hoạ Văn Cao là những triều sóng triền miên lớp lớp xô buồn vui của đại dương vào với đất liền. Tác phẩm của Văn Cao là hơi thở cuộc sống, ngất ngây giông bão và đằm thắm trăng sao. Nó chắt lọc nhân phẩm con người để dựng lên tinh hoa của thời đại.

Tác phẩm Văn Cao, còn lại là đốm lửa Văn Cao. Đốm lửa đâu đây: trong bếp nghèo bến Cảng, trong núi rừng Việt Bắc hay trong cõi biển rộng trời xa. Một ngọn lửa không quay đầu theo gió.

Văn Cao, ngọn lửa bập bùng trong ý thức chúng ta.

Đặng Tiến

15.11.1992

Viết cho ngày sinh nhật Văn Cao 70 tuổi

(sửa lại ngày 21.12.1992)



Chiều hạnh ngộ MÂY BAY VỀ NGÀN 2022

Một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật lấy chủ đề: Chiều hạnh ngộ MÂY BAY VỀ NGÀN do nhóm vận Động Đức Tin và Công Lý cho Việt Nam tổ chức tại  St Ignatius College Preparatory ( Dự bị Đại Học) vào lúc 18h chiều ngày 25 tháng 6 năm 2022. Có gần 100 khách đã tham dự.
Trong phần giới thiệu về ngôi trường, ông hiệu trưởng Nguyễn Đức Thắng đã nhấn mạnh chủ trương của trường là hỗ trợ, duy trì và nâng cao văn hóa của học sinh Việt Nam, noi gương thánh Ignatius không ngừng nghỉ, vượt khó khăn vận động mọi nỗ lực trong việc tạo ra các trường học, cao đẳng và chủng viện.
Tiếp theo là phần giới thiệu của nhà thơ Trần Thu Miên về các thân hữu đến tham dự, đặc biệt là nhà văn Linh Mục Lã Mộng Thường đã không quản ngại đường xa, lái xe từ Mississippi đến Texas mang theo các tác phẩm văn xuôi đã xuất bản của ông đến cho người đọc.
Anh Phạm Dương cũng đã giới thiệu tiểu sử nhà văn Linh Mục Lã Mộng Thường, cho thấy cuộc đời của ông cũng gặp không ít trở ngại trên đường trở thành Linh Mục.
Một số bài nhận định về tác phẩm của nhà văn Linh Mục Lã Mộng Thường đã được cô Tuyết Mai và anh Trần Trọng Long phát biểu. Tiến Sĩ  Phan Quang Trọng, đại diện Nhóm Vận Động Đức Tin và Công Lý cho Việt Nam, dù không tham dự được, nhưng đã gửi bài nhận xét về tác phẩm của Lã Mộng Thường để chia sẻ với khách tham dự.
Trong phần phát biểu của mình, Linh Mục nhà văn Lã Mộng Thường ngỏ lời cám ơn ban tổ chức đã tạo cơ hội cho mình được giới thiệu tác phẩm đến với người đọc. Ông cũng hát cho mọi người nghe một ca khúc mà ông đã sáng tác.
Không khí buổi sinh hoạt thân mật và tươi vui cũng nhờ vào đa phần là sự có mặt của các cựu sinh viên trường UTA (University of Texas Arlington ) và các cựu nữ sinh viên này không hẹn mà cùng mặc toàn áo dài.
Một chương trình văn nghệ xen kẽ cũng làm cho buổi sinh hoạt thêm linh hoạt vui vẻ, với các giọng hát khu vực không kém phần chuyên nghiệp sự có mặt của hai nhạc sĩ Trần Quỳnh Lưu và Hà Nhật Linh đã hỗ trợ nâng cao thêm những giọng hát như: Vũ Đức Duy, Thanh Thu, Hữu Minh, Vân Vũ, Mộng Thu,  Đặng Dức Chính, Chi Long, Thanh Huyền, Quyên, Anh Tý, Anh Hòa, Thúy Cư, Tam Quỳnh…
Đặc biệt một bài hát mà toàn thể hội trường cùng hát đã gây nhiều xúc động là bài Kinh Hòa Bình sáng tác của Kim Long.

Buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật MÂY BAY VỀ NGÀN được kể là thành công khi mà nhiều nơi khác những sinh hoạt thế này đã có phần nguội lạnh.

Vài hình ảnh trong buổi sinh hoạt

SINH HOẠT

Phân Ưu

Làm Thơ Như Hít Thở Khí Trời:
Nhà Thơ Như Nguyệt


Trần Thu Miên

Hôm ấy là buổi chiều đầu mùa Xuân, bầu trời quang đãng và khí trời tươi mát. Đại hiền triết Socrates và đệ tử quý của ông là Plato đi dạo ven bờ biển, ngoại ô cổ thành Athens, nước xanh như ngọc và sóng bạc đầu chen chúc đổ xô lên bãi cát. Bầy hải âu trắng nhào lộn trên không gian theo vũ điệu mây trời lãng đãng.  Hai thầy trò vừa đi vừa thảo luận về những câu hỏi triết lý để tìm giải đáp cho các vấn nạn nhân sinh.

“Sư phụ nghĩ gì về những nhà thơ?” Plato kính cẩn nhìn Socrates hỏi.

“Họ không phải là triết gia.” Socrates buột miệng trả lời không suy nghĩ.

“Vâng, con cũng nghĩ vậy.  Nhưng bọn này nguy hiểm lắm.” Plato nhấn mạnh.

“Tại sao?” Socrates nhíu mày hỏi.

“Thưa sư phụ, bọn nhà thơ coi thường thần linh, chế nhạo nhà cầm quyền. Họ có thể mê hoặc quần chúng dễ dàng. Những điều họ viết ra chẳng thể giải quyết được gì cụ thể mà còn có mầm gây tai hại cho xã hội. Chúng ta phải đuổi bọn nhà thơ ra khỏi thành phố lý tưởng của chúng ta. Nếu để bọn này ở lại, cư dân sẽ bị đầu độc vì tác phẩm của họ.” Plato nói một cách rất hùng hồn cho sư phụ nghe.

“Dù sao thì ta cũng phải công nhận rằng có những nhà thơ được linh ứng khi họ sáng tác thi ca. Sáng tác của họ khơi dậy niềm hạnh phúc hay nỗi buồn vô vọng.” Socrates tính nói gì thêm nhưng ông khựng lại, rồi vội vã kéo Plato chạy tránh đợt sóng lớn bất ngờ ào lên bờ như muốn cuốn lôi hai thầy trò ra lòng biển.

    Cuộc đàm thoại trên là do tôi tưởng tượng ra từ trí nhớ về quan niệm thơ của Plato và Socrates, hai đại hiền triết văn minh Hy Lạp và Tây Phương.  Quan niệm về thơ của Plato có lẽ chỉ thích hợp cho các nhà thơ làm thơ để ca ngợi chủ nghĩa hay lãnh tụ. Với tôi, những nhà thơ hay nhà văn làm thơ viết văn ca ngợi lãnh tụ, vinh danh chủ nghĩa chẳng có gì đáng để ý, thơ và văn của họ chỉ nên quăng vào thùng rác.  Chỉ có thơ văn vinh danh vẻ đẹp, ca ngợi tình yêu, tình người mới đáng cho ta chú ý.

     Bàn về thơ là việc làm cũ như lịch sử nhân loại, nhưng lại mới như những khám phá tình cờ. Mời bạn đọc bài thơ ngắn sau đây.

Tại sao

Tại sao mặt trời chọn tôi để rực rỡ

Tại sao mặt trăng chọn tôi để sáng

Tại sao những bông hoa chọn tôi để nở

Những vì sao chọn tôi để long lanh 

Chim chóc chọn tôi để hát vang

Cây cối, cỏ non chọn tôi để có mãi mầu xanh…

Và tại sao

Ở mãi cuối trời kia…

Cả anh cũng chọn tôi để nhớ? 

     Sau khi nhận và đọc bài thơ “Tại Sao,” tôi chuyển ngay đến vài người bạn và hỏi họ nghĩ gì? Có người bảo bài thơ rất trong sáng cả từ lẫn ý.  Người lại bảo bài thơ có chất thiền. Nhưng không ai đoán được tuổi của người làm bài thơ này. Thật ra thì chính tôi cũng không đoán được tác giả đã sáng tác bài thơ này năm bao nhiêu tuổi nếu không được cho biết. Đây là bài thơ của cô học trò Trưng Vương, Sài Gòn, sáng tác năm cô mới 14 tuổi. Tuổi 14 là tuổi các thiếu niên, thiếu nữ bắt đầu tìm hiểu về mình và những người chung quanh. Đây là giai đoạn phát triển sinh lý và tâm lý rất quan trọng cho các thiếu niên cả nam lẫn nữ. Các em tập làm người lớn qua những liên hệ gia đình, học đường và bạn bè. Tuổi dậy thì, 14, cũng là giai đoạn các em bắt đầu mơ mộng về tình yêu và tương lai.  Bài thơ “Tại Sao” là một trong những bài thơ cô học trò Như Nguyệt sáng tác lúc còn ở  Sài Gòn. Theo tôi, bài thơ biểu lộ bản chất và cá tính của thiếu nữ ôm nhiều ước vọng, rất lãng mạn, thích phiêu lưu trong tình yêu và rất tự tin về mình.  Bài thơ có lẽ đã là lời tiên đoán về  một định mệnh nhiều nổi trôi trong đời.

Trong bài này tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc và thân hữu về nữ thi sĩ Như Nguyệt, người rời Việt Nam năm 16 tuổi và đã lớn lên ở Hoa Kỳ gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn say mê thi ca Việt Nam và đã sáng tác gần 2,000 bài thơ và nhiều tuỳ bút bằng tiếng Việt. Tôi đã gặp nhiều người gốc Việt lúc rời Việt Nam lớn hơn Như Nguyệt, nhưng không còn giữ được vốn liếng tiếng Việt như cô gái đang học lớp 10 khi bỏ quê nhà đi biệt xứ.  Tính theo tuổi đời thì dù Như Nguyệt sống chưa hết tuổi thiếu niên ở Việt Nam, nhưng tâm hồn cô gắn bó với tiếng Việt không thua gì những người Việt chưa từng xa quê hay khu phố đã sống cả đời người ở Việt Nam. Tôi viết về Như Nguyệt không phải vì cô là nhân vật đã nổi tiếng trong thế giới thi ca nghệ thuật của người Việt Hải Ngoại, nhưng vì sự gắn bó với ngôn ngữ Việt và trái tim rất Việt Nam của cô.  Đã từ nhiều thập niên qua, trong những sinh hoạt cộng đồng dù rất giới hạn, tôi luôn luôn nhấn mạnh về sự quan trọng của việc phát triển tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt Tha Hương.  Chúng ta không nói tiếng Việt hay viết Tiếng Việt như người Việt ở Việt Nam vì văn hoá không cứng ngắc, ngưng đọng, nhưng thay đổi liên tục để thích ứng với những môi trường xã hội mới. Người Anh nói và Viết tiếng Anh có rất nhiều khác biệt với người Mỹ, Úc, Gia Nã Đại hay Singapore. Người Việt ở Hoa Kỳ hay các miền đất khác trên thế giới cũng đang, hay sẽ nói và viết tiếng Việt khác với người Việt ở Việt Nam. Tôi không còn nhớ nhà văn nào đã nói rằng đối với những di dân, quê hương chính của họ là tiếng mẹ đẻ của mình. Người Việt Hải Ngoại tìm đến nhau cũng vì tiếng Việt. Tiếng Việt là sợi dây linh thiêng nối buộc người Việt tha hương lại với nhau.

     Như Nguyệt là ai? Tôi chưa hề gặp nhà thơ này nhưng qua những bài thơ và tuỳ bút của cô, tôi sẽ giới thiệu về cô như người tình phiêu lưu với nhiều mâu thuẫn và người có nhiều hệ luỵ về tình yêu.  Như Nguyệt làm thơ viết văn rất bộc trực vội vàng. Ngôn ngữ trong thơ và tuỳ bút của cô không chải chuốt, gạn lọc, nhưng là những tâm sự, nhận xét và ghi nhận rất đời thường. Dường như cô làm thơ như đang hít thở khí trời.  Tôi mời quý độc giả và thân hữu của tôi tham dự vào mạn đàm với Như Nguyệt sau khi tôi giới thiệu đôi điều về nữ thi sĩ này. 

     Người Tình Phiêu Lưu Với Nhiều Mâu Thuẫn.  Nhà thơ Như Nguyệt, thiếu nữ, chưa hết tuổi dậy thì đã lao đầu vào những cuộc tình lãng mạn. Mới 14 tuổi mà trái tim đã đầy ắp trí tưởng tượng về những cuộc tình mông lông vô định.

Và tại sao

Ở mãi cuối trời kia…

Cả anh cũng chọn tôi để nhớ? 

(Tại sao)

Sau tháng Tư, năm 1975, Khoảng từ 125 đến 130 ngàn  người Việt chạy trốn quê nhà được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận và cho tạm dung trong 4 trại  trại lính. Fort Indiantown Gap thuộc bang Pennsylvania là trại lính rất lớn có khoảng 1400 toà nhà bao gồm các khu chung cư, tiệm  tạp hoá, nhà thờ và bệnh viện. Vào cuối tháng Năm, 1975, nhóm người Việt đầu tiên được đưa đến trại rồi con số này tăng dần lên đến 20 ngàn người và trại lính đột nhiên trở nên một khu phố đông đảo dân Việt. Dường như hầu hết những người lớn đều hoang mang về tương lai vô định ở Hoa Kỳ.  Ai cũng mong có bảo trợ tốt (Sponsor) và chờ ngày rời trại. Lúc ấy chưa có những cộng đồng Việt và những  trung tâm thương mại Việt như bây giờ nên ai cũng như ai đều mù tịt về nơi sẽ đến. Thế nhưng, nơi đây đã có những cuộc tình vội vàng và những chia lìa ướt lệ. Trong những cuộc tình vội ấy, ta thấy có bóng dáng một thiếu nữ mang tên Như Nguyệt. 

Cô đã nhắc lại một chuyện tình thuở còn ngây thơ ở Indiantown Gap. Dù bảo mình còn ngây thơ chưa muốn thật sự yêu ai, nhưng có lẽ cô đã ôm trong lòng nhiều mơ mộng về tình yêu.

Mười sáu tuổi, tuổi đời còn đẹp quá!

Em dại gì mà đi nói yêu thương?

(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Và Như Nguyệt đã nhởn nhơ trong những liên hệ tình cảm một cách rất hồn nhiên.

Một phần đời của em ở Indiantown Gap

Được nhiều người tương tư, trong số đó có anh

(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em) 

Như Nguyệt kể lại buổi tối trước ngày đám cưới của cô, một người bạn trai gọi cho cô.  Người đó nói: “Chắc có nhiều người cuộn mình trong chăn vì N.” Và người thanh niên ấy đã tỏ tình với cô ngay lúc đó. Quá trễ!  

Dĩ nhiên là không phải chỉ phái nữ mới gặp trường hợp như Như Nguyệt, nhưng dù nam hay nữ khi được một người khác phái (hay cùng phái) tỏ tình trước ngày đám cưới đương nhiên là điều khó quên.  Nhà thơ vẫn giữ kỷ niệm trong hồn và sau này khi nhớ lại người xưa ấy cô đã tâm sự: 

Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân

Em sắp sang sông bây giờ mới nói

Sao anh không nói thương em lâu rồi?

Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi! 

(Mai Em Lấy Chồng)

Đọc thơ Như Nguyệt rồi nghe cô kể về chuyện chồng con tôi tự hỏi nếu cô lấy chồng trễ thì có làm được thơ như cô đang làm không? Nếu Như Nguyệt đã sống thời làm cô sinh viên độc thân thì thơ sẽ ra sao? Thật ra thì câu hỏi này không đáng hỏi vì ở bất cứ không gian hay thời điểm nào nhà thơ vẫn yêu và vẫn lao đầu vào trò chơi tình ái như là chuyện rất tự nhiên.

Lần đầu được hôn…

Nụ hôn ngọt ngào, thơm lừng mùi rượu 

Ôi! ngất ngây, ngây ngất nụ hôn đầu

 …………….

Những nụ hôn đầu đời

Không ngờ -tuyệt vời- vượt qua ngòai tưởng tượng

Ôi, những nụ hôn đầu đời!

Có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời em

(Những Nụ Hôn Đầu)

Nhà thơ vẫn trân trọng khi nhắc về  một người tình đã qua đời. Trong tim cô dường như mỗi cuộc tình đều đã để lại những dấu ấn tuyệt vời.  Và khi bất chợt nhớ về hay nghĩ đến người xưa cô vẫn nâng niu trìu mến.  

Tối hôm nay, em nhớ anh xiết bao

Anh trở về, cuồng phong mãnh liệt!

Anh trở về, thiết tha nhắc nhở 

Anh trở về … gió bão, cuồng điên

(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Không cần biết lý do gì đã cách ly hai người nhưng cô vẫn một lòng trân quý người ngày cũ.

Anh cho em cảm thấy

Em là người hạnh phúc nhất

(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Nếu người ấy mang đến hạnh phúc tuyệt vời thì cũng làm nhà thơ tan tác khổ đau.

Nhưng cũng cho em biết 

Thế nào là người đàn bà đau khổ nhất dương gian

(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Hay:

Đêm thở dài thao thức

Chợt thấy đời hư hao

Còn bao nhiêu năm nữa

Mới thoát khỏi cõi tình

Còn bao nhiêu ngày nữa

Mới thoáng thấy bình yên

*Giờ này anh đang ngủ

Lòng đất chắc lạnh lùng

Vĩnh biệt anh yêu dấu
Tình vài năm mà thôi!
(Chợt Thấy Đời Hư Hao)

“Tình vài năm mà thôi.” Đấy là mới yêu có vài năm mà thi sĩ đã  viết lên những dòng thơ thống thiết như vậy, còn yêu cả đời thì sao?

Với tôi, nhà thơ chân chính phải có tâm hồn rộng lượng, không ôm thù trách oán ai, không đay nghiến ai và sẵn sàng nhận ra được sai lầm hay lỗi do mình gây ra. Trái tim nhà thơ này quá lớn để chỉ chứa đựng một cuộc tình hay để chỉ yêu một người tình.  Như Nguyệt chia tay chồng nhưng không hề đổ lỗi mà còn nhận hết lỗi về mình:

Cũng tại em không còn duyên, hết phước

Nên đành lòng bước ra khỏi đời anh

Cũng tại em thích gió giông, sóng nổi

Cũng tại em, chán cuộc sống an bình

Cũng tại em ngu si chê hạnh phúc

Cũng tại em, lỗi tất cả tại em

(Lỗi Tại Em)

Thường thì ta nhận thức rõ ràng hơn về

 trời nắng đẹp khi đang phải đi dưới mưa.  Đôi lúc Như Nguyệt cũng có chút tiếc nuối:

Chẳng có ai chìu em như anh chìu chuộng em

Chẳng một ai yêu em như anh từng yêu em….

(Không Có Anh Trong Đời) 

Điều đáng quý là nhà thơ sẵn sàng chấp nhận hậu quả của những việc mình làm và luôn luôn biết được mình là ai? Biết mình là ai là điều quan trong cho một nghệ sĩ sáng tác bởi vì khi ta biết được ta là ai thì ta không sáng tác như một văn nô hay như người bị lệ thuộc vào một quyền lực bên ngoài. Khi chia tay với chồng cũ, nhà thơ khẳng định rằng cô vẫn là cô và sự chia tay là do chính cô quyết định.

Số phận cho hai ta gặp nhau

Khi hết duyên thì tình mình tan vỡ

Anh là anh và em vẫn là em

Không còn nợ đành chia tay vui vẻ

(Những Nụ Hôn Đầu)

Nếu viết hết về những bài thơ hay tuỳ bút của Như Nguyệt thì bài viết quá dài. Bạn đọc hãy cùng tôi tham dự vào mạn đàm với nhà thơ.

TTM.Chào nhà thơ Như Nguyệt.  Xin cô cho tôi và đọc giả biết cô bắt đầu sáng tác thơ, văn từ khi nào?

Như Nguyệt.  N thích đọc thơ từ năm lớp 7 (đệ Lục); thích thơ của các nhà thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Đinh Hùng..v.v.. Tập tành làm thơ vào năm 13 tuổi.  N còn nhớ mình đứng sát cửa trong phòng có máy lạnh của mẹ N ở trên lầu, mơ mộng nhìn ra cửa sổ và làm bài thơ đầu tiên về mây bay, mây bay…

Về viết văn, N viết Nhật Ký từ năm 14 tuổi, viết Lưu Bút cho các bạn trước khi nghĩ hè, vậy mà cũng có nhiều bạn “ái mộ” cách viết văn của N.  

Khi viết thật nhanh một bài viết để đọc cho bố trước khi di quan; ngồi trên xe, trên đường từ nhà đến nhà quàn khoảng 10 phút, N nghĩ rằng nên viết, cho dù viết vội còn hơn là không có; vì gia đình N, các anh chị em của N, N nghĩ chắc sẽ không có ai đứng lên đọc bài điếu văn cho bố N.  

Khá lâu sau, nhờ bài viết đó; N mới “khám phá” ra là mình có khiếu viết văn vì thấy mình viết quá nhanh, quá dễ! Thương bố mà nên N viết được khá nhiều trong một thời gian rất ngắn. Khi đọc, có nhiều đoạn N đã nghẹn ngào và có nhiều thân quyến đã cảm động rơi nước mắt!

     N có thơ được đăng trong Giai Phẩm Xuân Mê Linh của trường Trưng Vương. Tuổi mới lớn mơ mộng ngất trời!  Khi qua Mỹ, N viết thư, trả lời thư cho nhiều người (mấy anh thích đọc thư N ziết quá chời, hihihi).  Thỉnh thoảng N có viết vớ vẩn, có làm thơ lai rai cho đến năm 2009; từ năm đó trở đi, N dùng computer để làm thơ, viết lách, mới bắt đầu “sáng tác” nhiều.

TTM. Theo cô, những gì thôi thúc cô sáng tác?

Như Nguyệt. Năm 2009, sau khi bị thua Stock đậm, buồn quá N mới lên mạng.  N làm thơ bằng cách gỏ trên phím lóc cóc, nhìn trên screen, chữ nhìn rõ ràng, dễ bôi xóa để viết lại; giúp ý tưởng của N mạch lạc hơn! N nhận ra làm thơ bằng cách này -đánh máy trên keyboard, chữ hiện lên trên big screen- dễ hơn là viết tay nhiều, nhiều lắm! Từ đó N “mê” làm thơ, mê viết tự truyện, đến nay cũng được gần 11 năm.

     Mỗi lần buồn bã, thơ hay đến với N hơn thì phải nhưng không nhất thiết là như thế.  Rất tự nhiên, từ một chữ hoặc từ một câu, thơ hiện ra từng hàng, từng hàng trong đầu N.  Nhiều khi thơ đến khi N đang đi bộ, đang rửa chén, khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng, nửa đêm thức giấc .vv…Vào nửa đêm, khi còn đang nằm trên giường hoặc đang lúc đi du lịch, khi thơ bất chợt đến, N làm thơ trong đầu nhưng nếu lười không viết xuống hoặc ra bàn gỏ phím (keyboard) ngay; N sẽ quên!!

TTM. Thưa cô, tính đến hôm nay đã có bao tác phẩm gồm những thể loại nào?

Như Nguyệt. N không đếm -cho đến bây giờ- mình đã làm tất cả bao nhiêu bài thơ, viết bao nhiêu bài viết ngắn….(có thể lên đến gần 2,000 bài).  Riêng năm 2010; N có ngồi đếm sơ sơ vì năm đó là một năm rất đặc biệt!  N đã làm đến gần 700 bài thơ.  Năm đó, không hiểu sao N mê thơ lắm!  Thơ đeo đuổi N ngày đêm! Thơ cứ đến tới tấp không cần biết lúc nào, đôi khi làm N bực mình nhưng hầu hết thì N rất vui, chấp nhận thơ!  Có những khi N ngồi gỏ đến 4,5,6 bài thơ một lúc trong gần 1 tiếng đồng hồ, mấy ngón tay nhức mỏi!  Nghĩ đến đâu đánh máy đến đó, may quá N gỏ lóc cóc (typing) trên keyboard nhanh như gió! 

Khi làm thơ, viết bài N cứ làm, cứ viết thôi chứ cũng không biết là thơ, bài viết của mình thuộc vào thể loại nào?  N làm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát.  N có thử làm thơ 2 chữ, 3 chữ nữa, hihi…

N không chú ý đến phần kỷ thuật, vần điệu cho lắm.  Nghĩ gì cứ viết ra, nhiều lúc còn không đọc lại trước khi gửi đi nữa.  Bây giờ thì N đọc lại 2 lần trước khi gửi đi hoặc cứ để ở Draft, từ từ gửi sau. N thích làm thơ hơn vì một bài thơ làm không mất thì giờ nhiều, 5, 7, 15 phút; đôi khi lâu hơn nhưng vẫn nhanh hơn là viết.  Mỗi khi viết, N nghĩ gì viết đó, nhưng phải đọc lại mà bài viết thường dài hơn thơ nên mỗi lần đọc lại để sửa, xem lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy…  mất rất nhiều thời gian.  Có mấy người bạn Trưng Vương thích đọc bài N viết (văn xuôi) hơn là thơ của N.

TTM. Theo tôi, tất cả những sáng tác đều chứa đựng một thông điệp dù khi ta viết, có thể ta không đặt vấn đề làm thơ hay viết văn để làm gì? Xin cô cho biết các tác phẩm của cô chuyển đạt những ý tưởng gì?

Như Nguyệt. N nhớ về quá khứ, đến vài mối tình đã qua.  N có biết thiền chút chút, có từng đọc nhiều bài giảng, nghe giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Niệm, Cận Tử Nghiệp, biết chút chút về Phật Pháp nên thỉnh thoảng, N có làm thơ về đời sống, về cách xử thế, vô thường, vô ngã, tham sân si..v.v.. để tự nhắc nhở mình. Đang buồn thật buồn, thơ làm giảm buồn, thơ giúp N vui.  Có nhiều bài thơ N làm, khúc đầu buồn bã, than vãn nhưng khúc sau tươi vui, “bất cần đời” trở lại. Cũng chẳng mong chuyển đạt ý tưởng gì đến ai đâu anh ạ vì N làm thơ…thường là làm cho N.  Gửi đi là để chia sẻ, để mọi người có vài phút phù du giải trí.  Ngoài ra N chẳng có mong cầu gì khác cả.

TTM. Cô vừa bảo cô làm thơ cho cô, nhưng lại thích gửi đến bạn bè để chia sẻ. Khi ta muốn chia sẻ thì ta phải biết mình có gì để chia sẻ. Xin cô cho biết vài tác phẩm tiêu biểu của mình và cho độc giả biết đôi điều về tiến trình sáng tác các ca bài thơ hay văn như tuỳ bút, thí dụ như hoàn cảnh hay lý do cho mình cảm hứng để sáng tác các tác phẩm này.

Như Nguyệt. Thơ là thơ tình, thơ về đời sống.v…vv.. Văn là bài viết ngắn, tùy bút, kể về những chuyến đi chơi. Nhiều người cũng thích những tấm hình N chụp… N cứ gửi đi chia sẻ, “hobby” của N mà, để “thiên hạ” nếu thích, họ đọc giải trí dăm ba phút phù du. Có nhiều người đã viết cho N nói là N viết thay cho họ, N nói lên được nỗi lòng của họ.  Có nhiều người đang thất tình, đọc thơ thất tình của N… chịu quá! Họ viết cho N biết…sao thấy giống tâm trạng của họ ghê. Những bài thơ như “Dẹp tan bản ngã”, “Vô thường sẽ đến”, “Hãy thức tỉnh”, “Nếu biết đời phù vân” .v.v.. dù N không có ý “chuyển đạt” ý tưởng ý tiếc gì cả, nhưng nếu ai thích về đề tài này; N mong sẽ giúp người đọc ôn lại, biết thêm một chút về vô thường, sự chết, vô ngã, vô minh.. 

Sao “cái tôi” tôi còn to lớn quá chừng?

Được ngợi khen vẫn sung sướng, vội mừng!

Bị chê bai vẫn vô chừng buồn bã
Xin dẹp bỏ, dẹp tan tành bản ngã!

——-

Đúng với ta nhưng chẳng đúng với người

Cố gắng nhớ, đừng dính vào tranh luận

Càng buông bỏ càng tự do, hòa thuận

Cười hiền từ, “thế à”, tránh thị phi
(Dẹp tan bản ngã)

Đời vô thường lẽ ra em nên hiểu

Sao cắm đầu vào ái dục mà chi?

Cõi ta bà, vòng luân hồi bi lụy                  

Loay hoay hoài một kiếp sống hư hao

Vì vô minh em đón mời phiền não

Vì vô minh dục ái tưởng thiên đàng

Vì vô minh lo thân mình ích kỷ

Vì vô minh nên cứ mãi mê si
(Hãy Thức Tỉnh)

N cũng có làm một số bài thơ nói lên lòng yêu nước. Hai bài điển hình: 

Ít khi làm thơ về quê hương
Không có nghĩa tôi không còn nhớ
Không còn thương, còn yêu dấu quê hương

Độc giả có thể bấm vào các đường giây nối sau để nghe ca khúc đã được nhạc sĩ Ngô Bảo Quốc soạn từ thơ Như Nguyệt và một bài thơ của cô được nghệ sĩ Bích Vương diễn ngâm.

Ca sĩ Tâm Thư (nhạc Ngô Bảo Quốc)


Nghệ sĩ Bích Vương ngâm thơ:

TTM. Tôi nghĩ câu trả lời trên của cô có chút mâu thuẫn đấy. Việc in ấn sách ở thế kỷ 21 không còn là phương tiện duy nhất để tác giả phổ biến tác phẩm của mình. Khi cô gửi bài thơ mới cho bạn bè đọc hay cho lên Face Book cũng là hình thức xuất bản tác phẩm. Bây giờ xin cô cho độc giả biết thơ hay văn của tác giả nào cô thích và tại sao?

Như Nguyệt.  Hiện tại, N không có Face Book Account, cũng không làm Website riêng cho mình.  Đối với nhiều người (và cả N nữa), phải có những quyển sách, những CD thì mới gọi là có “tác phẩm” anh Miên ạ. Nếu những Youtube nhạc phổ thơ của N là “tác phẩm”, thì N có mâu thuẫn thật, vì N có khá nhiều Youtube nhạc phổ thơ. Nhưng so với nhiều người, họ thích tổ chức những buổi ra mắt sách, ra mắt CD rình rang; thì những Youtube của N chả thấm vào đâu.

Từ hồi nhỏ, N đã thích bài thơ “Kỳ Nữ” của thi sĩ Đinh Hùng nhất! N thấy bài thơ này thống thiết quá chừng!

“Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc”

…..

“Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ”

Văn sĩ thì N thích đọc văn của ông Mai Thảo.

TTM. Nếu được, xin cô chia sẻ đôi điều về mình (tên khai sinh, bút hiệu), và lịch sử đời mình kể từ ngày thơ ấu đến hôm nay.

Như Nguyệt.  Quách Như Nguyệt là tên khai sinh, không có tên “bút hiệu”.  Nếu đọc những bài viết N viết về bố, về mẹ, 2 con của N, bạn bè của N, thì sẽ hiểu ngay về N, vì N là “open book” mà.  Khi viết, N viết rất thật thà, chả dấu diếm gì.

TTM. Dĩ vãng và hồi ức là kho tàng cho nhà thơ nhà văn sáng tác. Cô có kỷ niệm nào vui nhất đời?

Như Nguyệt. N viết về hiện tại rất nhiều, kể chuyện hằng ngày, làm thơ về những chuyện tình vớ vẩn, tưởng tượng, những cảm xúc khi gặp người này, người nọ, tình bạn, tình yêu, gặp lại người xưa, làm thơ cho con gái, thơ tặng cháu ngoại khi con bé mới 2 tuổi; viết, làm thơ cho cả con chó cưng; viết về chuyện chưởng, xi nê, khi đi concert nghe nhạc; viết về cả lúc bị cảnh sát bắt ngừng trên xa lộ (Đừng lạng qua, lạng lại)..v.v. Không nhất thiết N luôn quay về quá khứ, luôn thích hoài niệm đâu anh Miên ạ. Có khá nhiều kỷ niệm vui nên chắc phải mất một thời gian ngồi nghĩ ngợi, tìm xem, cân nhắc xem kỷ niệm nào vui nhất?! Một trong những niềm vui lớn: sau khi sanh ra đứa con gái, niềm vui quá lớn làm cho N không thấy mệt, không thể ngủ nguyên đêm.

TTM. Đấy là bản năng làm mẹ cho cô niềm hạnh phúc ấy.  Cô có kinh nghiệm nào bi tráng nhất đời?

Như Nguyệt. N nghĩ mình có khá nhiều kinh nghiệm bi tráng, nhưng bù qua sớt lại; kết cục N vẫn thấy mình là một người rất may mắn so với nhiều người!  Mỗi lần đau khổ, đau khổ tận cùng; N đều tìm cách vượt qua và học hỏi được rất nhiều.

Một trong những lúc buồn nhất, nhớ lại, N đã làm bài thơ: 

Lâu lắm rồi… tôi không nhớ đến anh
Một mối tình mong manh hơn sương khói
Tối hôm nay tự nhiên tôi lại nhớ
Môi anh mềm, những nụ hôn bốc khói… 

Lòng trầm buồn, tôi nghĩ về quá khứ
Nhớ lại ngày anh làm tôi khóc ngất
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế
Tình đắm lụy nên tình buồn quá thể

Khóc một lần…  vĩnh biệt những nụ hôn!
(Vĩnh Biệt Những Nụ Hôn)

TTM. Cô có những kỷ niệm gì đáng nhớ về những sinh hoạt văn nghệ của mình?

Như Nguyệt.  N rất hân hạnh được quen với thi sĩ Trần Vấn Lệ, được ông anh thi sĩ này viết tặng cho nhiều bài thơ rất trữ tình, được gửi tặng nhiều quyển thơ. Chữ viết của thi sĩ tuyệt đẹp! Có nhiều lúc tâm hồn N khô cằn, đọc thơ của thi sĩ; N thấy trái tim mình bớt cằn khô.

N rất cảm kích nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, anh Tân thấy bài thơ nào có “trăng”, có chữ nguyệt là phổ nhạc.  Anh là một người có tâm hồn lãng mạn.  Một nghệ sĩ rất nghệ sĩ, tính tình hiền lành, hòa nhã, khiêm nhượng, có tài viết nhạc nhanh rất nhanh, dễ rất dễ!

Cách đây gần 2 năm, N quen được nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, nhạc sĩ của bản nhạc “Phố Xa” rất nổi tiếng. Thắng viết email cho N khen bài “Mai Em Lấy Chồng”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân sáng tác từ thơ của N. 

Mai em lấy chồng (Hà Huệ Mẫn hát)

(bài thơ trong tự truyện “Làm thế nào em vá tim tôi vỡ”)

     Từ đó.. 2 chị em chúng tôi quen nhau.  Ngay lúc này, Thắng đang thực hiện một Album CD gồm có 10 bản nhạc do Thắng phổ thơ của N.  N rất vừa ý với Album này, do Thắng giúp làm từ A đến Z.  Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng vừa là luật sư vừa là nhạc sĩ.  Hai chị em, tình nghệ sĩ, tình văn nghệ văn gừng… rất hợp ý với nhau! N thấy hào hứng, rất vui khi có được 1 Album đầu tay để làm kỷ niệm.

Dòng sông tương tư (Kana Ngọc Thúy)

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Lê Quốc Thắng

Em ở nơi này, dòng sông tương tư

Con sông lượn vòng biết chẩy về đâu?

Em ở nơi này nhớ thương đầy ứ

Chỉ biết cầu mong tình đến nhiệm mầu

(Dòng Sông Tương Tư)

*N thật may mắn, rất hân hạnh được các nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Mai Phạm, Văn Sơn Trường, Đỗ Hải, Đặng Vương Quân, Nguyễn Văn Thơ, Ngô Bảo Quốc, Nguyễn Thanh Hùng, Tuyết Phan, Võ Tá Hân, Nhược Thu, Lý Kiến Trung, Trần Thiên Anh, Nguyễn Tuấn, Minh Sơn, Mai Đằng, Phan Vũ Kiên Thanh, Tống Hữu Hạnh, Tuyền Linh viết nhạc cho thơ Quách Như Nguyệt. Xin chân thành cảm ơn, rất cảm kích, rất biết ơn tất cả các nhạc sĩ.   N có khoảng gần 250 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, hoặc hơn.  Trong 250 bản nhạc đó, dĩ nhiên có nhiều bản nhạc nghe rất… đặng, rất hay (đối với N thôi nha, hihi).  N định sẽ làm một buổi nhạc vinh danh các nhạc sĩ phổ thơ cho N, cũng chỉ là có ý định thôi nha.  Ngoài ra N cảm thấy rất may mắn, hân hạnh được quen với nhiều người “nổi tiếng” mà trước đây nếu không làm thơ thì N không bao giờ có thể quen được. Anh Trần Thu Miên là một (N không biết một chút xíu gì về anh, mà anh lại có ý muốn viết bài về N nên N nghĩ anh là một nhân vật chắc cũng có nhiều người biết đến, hihi..).  Trân trọng cảm ơn anh Miên đã có nhã ý muốn viết về N, đã bỏ nhiều thời gian, tâm trí để hoàn tất bài viết này, anh Miên nhé. 

Vài tháng nay, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ Vũ Hạ có lập ra một mailing list gồm toàn các thi sĩ, nhạc sĩ; N hân hoan được sinh hoạt chung với các anh chị em, quen thêm được nhiều người.  N rất vui mừng, hân hạnh được biết anh Liên Bình Định, anh Văn Duy Tùng, cô em Jazzy Dạ Lâm, chị Hạ Đỏ Bích Phượng, anh Nguyễn Thanh Cảnh, anh Vũ Lương Đúng, anh Nguyễn Công Hùng, anh Trần Thu Miên, cô em Trúc Tiên, cô em Thi Hạnh..v.v..  Một số các anh chị N đã biết trước rồi như anh Đỗ Bình, anh Phạm Anh Dũng, chị Chúc Anh, chị Ngọc Quyên, anh Chương Hà, anh Đặng Hoàng Sơn, anh Nguyễn Dũng..v..v.
(June 3rd, 2021)

TTM. Cô không nói, thì tôi không biết là cô đã có đến 250 bài thơ được các nhạc sĩ soạn thành ca khúc.  Đấy là niềm vui và hãnh diện lớn.  Chúc mừng cô. Hầu hết những người làm thơ viết văn ở Hải Ngoại đều là những người sáng tác để nuôi nghệ thuật chứ không kiếm sống được bằng sáng tác.  Cô mưu sinh bằng nghề nghiệp nào?

Như Nguyệt.  Tuy lấy chồng rất sớm, có con sớm nhưng N đã cố lấy được bằng Cử Nhân Accounting và Management Information System. Khi ra trường, đang làm Accounting vài tháng thì N bị cho thôi việc vì “giỏi” quá!  Trên đường lái xe về nhà N đã khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc thê thảm vì thất vọng về mình quá, thấy sao mà mình quá dở, quá tệ! (thêm một kinh nghiệm buồn trong những lúc buồn nhất trong đời! ) 

Sau đó, N mới quyết định làm một nghề rất bấp bênh, lãnh lương theo “commission”, chuyên giúp người mua nhà mượn được tiền từ nhà băng. N chỉ còn có 1 con đường cuối cùng để mà đi nên đã cố gắng hết sức mình! Ngoài chịu khó, có khả năng, còn được trời thương nữa, nên sau hơn một năm làm Loan Officer, N mở ra được văn phòng Mortgage Broker. Tổng cộng thời gian N làm nghề đứng trung gian vay tiền cho những người mua nhà, làm việc với thân chủ (clients) và mấy anh, chị địa ốc (realtors) là gần ba năm.  Mùa xuân năm 1991, thấy đủ là đủ, hơn nữa vì lo lắng cho thằng con trai vừa đến tuổi dậy thì, sợ nó hư nên N đã quyết định về hưu, không làm nữa.  

     N không phải đi làm từ năm 1991 cho đến bây giờ.  Cảm ơn Thượng Để đã ban cho N một đời sống nhàn nhã, thoải mái như N muốn. Năm 2008, kinh tế nước Mỹ và thế giới xụp đổ!  N mất khoảng 70% hơn số tiền chơi chứng khoán. Một số tiền khá khổng lồ!  Sự mất mát quá nhanh chóng này cho N thấy rõ sự vô thường của đời sống.  Lần đầu tiên N mới hiểu rõ “nghèo” là thế như nào?  Thì ra, thật thú vị, giàu nghèo, buồn vui, được mất, khen chê, hạnh phúc hay đau khổ đều từ cái đầu mình ra cả, là do mình suy nghĩ, mình cảm thấy chứ thật sự, sự thật thì không phải thế.  Vì buồn, N đã bắt đầu lên Internet, mới bắt đầu viết emails cho bạn bè, bắt đầu khám phá ra thế giới ảo mông lung, đầy cạm bẫy, gặp được nhiều người tốt cũng như bị gặp vài người không tốt.  Nếu không thua stock, N đã không trở thành thi sĩ bất đắc dĩ, hihihiiii.. 

TTM. Nghe cô kể về sự nhàn hạ trong đời sống làm tôi nhớ đến đoạn thơ của tiên sinh Nguyễn Công Trứ:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế

(Chữ Nhàn)

TTM. Sống được như cô là hạnh phúc. Thế thì sinh hoạt hàng ngày của cô ra sao?

Như Nguyệt. Rất thoải mái, tà tà, thong dong…  Nói chung vì N là “tỉ phú thời gian” mà nên rất phung phí thời gian, không biết dùng thời gian cho hữu hiệu. Chẳng hạn như N dành khá nhiều thời gian cho việc lựa chọn hình do N chụp để post lên với những bài viết “báo cáo” sau những lần đi du lịch, viết kể lể tâm sự đời tui, “mần” thơ, thích xem xi nê…  thay vì dùng thời gian để đọc sách, nghe giảng về Phật Pháp, về cách sống sao cho bình an, bớt nóng tính, bớt tham sân si, tập thể dục nhiều hơn. N đi du lịch mỗi năm ít nhất là một lần.  Có khi đi 3,4 lần trong một năm. Ngày nào N cũng ngủ trưa, tối đến vẫn ngủ rất ngon nên thời gian dành cho ngủ nghĩ khá nhiều, chẳng có thì giờ để làm việc gì “lớn” cả. N biết thế và tự chấp nhận mình, chẳng mong mỏi gì nhiều ở nơi mình. Hiện tại, N cố sống vui, không làm cho ai buồn, đóng góp cho những tổ chức từ thiện mà N thích.  Tập không dậy dỗ, khuyên nhủ hai con nữa vì chúng đã trưởng thành rồi! Bổn phận làm mẹ của N đã xong tự lâu rồi. N dành thì giờ chơi với cháu nhưng không nhận giữ chúng (baby sit). N tập chú ý đến đời sống, lo cho sức khỏe của chính mình hơn. N liên lạc, gặp gỡ các bạn của mình thường xuyên hơn.  Hiện N đang tập hạnh lắng nghe, nghe nhiều hơn là nói; nghe với lòng từ ái và cố gắng không cho ý kiến. 

TTM. Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ nhiều chi tiết rất thú vị về các sáng tác của mình và quan niệm về thi ca và nhân sinh. 

     Giáo sư Harold Bloom ( https://www.britannica.com/biography/Harold-Bloom) cho rằng ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ  gợi hình bóng bảy (figurative language). Mỗi nhà thơ sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình. Có người thích dùng biểu tượng, ẩn dụ, hoán dụ, châm chiếm, trào phúng, so sánh, hay nhân cách hoá để diễn đạt hồn thơ của mình. Đa số thơ của Như Nguyệt là ngôn từ bộc trực, tuy vậy cũng có những bài thơ cô dùng biểu tượng để diễn tả tâm trạng mình. Vì  số lượng thơ của cô quá nhiều nên tôi chưa có dịp được đọc hết. Khi tôi nghe cô kể là đã có gần tới 2000 bài thơ, tôi giật mình kinh ngạc. Nữ thi hào Hoa Kỳ, bà Emily Dickinson  https://www.emilydickinsonmuseum.org), người tôi kính phục vì cách sử dụng ngôn ngữ và hồn thơ của bà xuất phát từ cảm nghiệm đời sống quanh mình cũng chỉ có được khoảng trên dưới 1800 bài thơ và số bài thơ được xuất bản thời bà còn sống thì rất ít.  Nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ sáng hay biểu diễn phải làm việc liên lỉ để cải tiến và hoàn thiện tác phẩm hay cách biểu diễn của mình. Nhà thơ Như Nguyệt đã có số lượng thơ nhiều đáng kể, tôi nghĩ, nếu cô bỏ thời giờ đọc lại rồi trau chuốt thêm, các tác phẩm của cô sẽ là những đóng góp tốt đẹp vào việc phát triển văn học nghệ thuật và văn hoá Việt Nam Hải Ngoại . 

Theo tôi, thơ văn là những món quà ta tặng cho đời, là những đoá hoa làm đẹp tình người. Nếu ngày nào nhân loại không còn thi ca thì ngày ấy các khu rừng cũng chẳng còn tiếng chim ca. Tôi nghĩ, cái đẹp của thơ là cái đẹp của tâm hồn, của trái tim.  Ngôn từ đẹp không làm đẹp được tâm hồn, và cũng không làm đẹp được ý thơ.

Trần Thu Miên

Vài dòng tiểu sử nhà báo Lê Văn Bia


Tên thật: Lê Văn Bia
sinh quán: Hóc Môn ( 18 Thôn Vườn Trầu )
Nhà báo Văn Bia đã sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Boston nhiều năm.
Trước 1975, phóng viên báo Thần Chung, Tiếng Chuông, Tiếng Dội.
Giám đốc Ngân Hàng Nông Thôn Lái Thiêu.
Sau 1975, định cư tại Hoa Kỳ.
Cố Vấn Trưởng Bộ Y Tế Tâm Thần Massachusetts – Hoa Kỳ
Sinh sống tại Boston nhiều năm sau này dời về định cư tại Charlotte, NC  



HAPPY MOTHER’S DAY

NỬA HỒN XUÂN LỘC

Nếu được như bố già thượng sĩ

Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời

Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc

Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc

Lại muốn tìm em nói ít lời

Nhưng sợ áo mình đầy khói súng

Cay nồng mắt người gục trên vai.

Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,

Khóc theo vợ lính cả trăm người!

Em biết dù tim ta sắt đá

Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Mây xa dù quen đời chia biệt

Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi

Rút quân, bỏ lại hồn ta đó

Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

Bí mật lui quân mà đành phụ

Mối tình Long Khánh tội người ơi.

Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn

Núm ruột miền Trung hun hút rồi.

Sáng mai thức dậy, em buồn lắm

Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.

Lòng ta như trái sầu riêng rụng

Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết

Như một vành tang bịt đất trời!

Chân theo quân rút, hồn ta ở

Sông nước La Ngà pha máu sôi.

Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ

Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người

Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ

Cao su vướng tóc mãi thơm mùi.

Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,

Vườn nhà em chuối chín vàng tươi

Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng

Cho bầy gà nắm lúa đang phơi.

Chôm chôm hai gốc đong đưa võng

Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười…

Nếu được đưa quân lên Định Quán

Cuối cùng một trận cũng là vui.

Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng

Sư đoàn 18 sao quân lui?

Thân ta là ngựa sao không hí

Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

Hồn ta là kiếm sao không chém

Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi

Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã

Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy

Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi

Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút

Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.

Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết

Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi

Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục

Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

Ta biết dưới hầm em đang khóc

Thét gầm pháo địch dập không thôi

Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc

Xích sắt nghiến qua những xác người.

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc

Ta muốn tìm em nói ít lời

Nhưng sợ em buồn, không nói được

Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc,

Bao người vợ lính sẽ buồn theo

Yếu đuối tim ta người chiến sĩ

Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

Rút quân bỏ lại đời ta đó

Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời

Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút

Trái tim người lính mới yêu người.

Cao nguyên bài học đầy cay đắng

Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi …

Ta chẳng muốn làm người bại trận

Thành người tình phụ đó em ơi.

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ

Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận

Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng

Bầy gà mất mẹ sống mồ côi

Em hỡi em thương người lính trận

Người lính đêm nay phụ bạc rồi.

Bao năm ta trọn tình đất đỏ,

Một phút này thôi thẹn với đời

Sốt rét đêm run, ngày không ngã

Bao lần máu đổ dửng dưng cười.

Một phút này thôi, hừ lại ngã

Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.

Sáng mai chân bước qua Bình Giã

Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,

Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi

Muôn năm em hỡi trời Xuân Lộc

Giữ nửa hồn ta mãi với người.

Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng

Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .

Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng

Trong vườn em và trong tim tôi!

Tôi sợ một ngày mai bại trận

Ðể em côi cút lại trên đời

Xuân Lộc, trời ơi Xuân Lộc cháy

Ai gọi tôi về trời Gia Rai!

Nguyễn Phúc Sông Hương

Ca Khúc Mầu Nắng Lụa:
Hợp Lưu Dân Ca Nam Kỳ
và Âm Nhạc Tây Phương

Trần Thu Miên

Mùa Xuân 2021

     Tôi lớn lên trong một làng Công Giáo quy tụ toàn dân miền Bắc di cư vào Nam nên không được nghe Đờn Ca Tài Tử, Vọng Cổ, và xem tuồng Cải Lương. Dường như danh từ Cải Lương thường được dùng với ý không đẹp để chê bai một cử chỉ, cách ăn mặc, lời nói dị biệt, hay làm dáng quá lố.  Ngược lại tôi chỉ được nghe những câu kinh ngân nga lê thê đến buồn tẻ hay vài câu ca dao ngắn gọn được mẹ hay chị à ơi ru mình ngủ thời thơ ấu.  Bố Mẹ tôi gốc nông dân nghèo miền Bắc nên không biết đến hát Ả Đào, hát Cô Đầu, và hát Quan Họ vân vân.  Dân ca miền Bắc duy nhất tôi được nghe có lẽ là giai điệu ru con à ơi. Ngày bé tôi thường nghe Bố tôi nghêu ngao mấy câu vè ca dao lúc ngài đứng bên bờ giếng rửa tay chân sau một ngày vất vả ngoài ruộng đồng. Nghe nhiều nên tôi còn nhớ lõm bõm vài câu Bố hát theo giai điệu ru con.

Bồng bồng/ bông bống/ bang bang!!!

Bồng con bế cái/ ơ / trẩy ra Hải Phòng!!!

Ra đi nước mắt/ ơ /  ròng ròng!!!

Nhớ làng nhớ xóm/ ơ / nhớ đồng / ơ / lúa / ơ ớ ờ / xanh!!!

     Anh tôi bảo bài vè còn 6 câu nữa, nhưng Bố đã không hát vì đó là những lời tuyên truyền  cố ý đánh vào tâm lý dân quê khuyên họ bỏ ý định di cư vào Nam. Nhiều người trong chúng ta nhớ mãi những bài hát hay những câu ca dao nghe từ thời thơ ấu, và cũng có giai điệu hay lời ca đã khắc ghi vào tâm khảm ta mà cả đời dường như không quên.  Chả vậy mà đại triết gia Aristotle hơn hai ngàn trước viết trong trước tác  Politics đã xác nhận công dụng quan trọng của âm nhạc trong việc giáo dục.

     Trong Dân Ca Miền Nam Việt Nam, bài hát Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu được xem như khuôn vàng thước ngọc của Vọng Cổ-Cải Lương. Trong Âm Nhạc Tây Phương, có nhạc sư nhận xét rằng 4 nốt nhạc khởi đầu bài giao hưởng số 5 của Bethoven đã ảnh hưởng đến não bộ các nhạc sĩ và nền âm nhạc Tây Phương hơn 200 năm rồi và ảnh hưởng này sẽ còn mãi với thời gian.  Khi bài giao hưởng này được trình tấu lần đầu, nhiều nhà phê bình đã đánh gia thấp vì Bethoven không theo khuôn khổ mẫu mực của một bài giao hưởng truyền thống.  Nhạc sĩ và học giả âm nhạc Matthew Gurrieri đã biên soạn rất công phu về 4 nốt (Đa đa đa đà… Đa đa đa đà ) trong tác phẩm tựa đề  “The First Four Notes: Beethoven’s Fifth and the Human Imagination.” Tôi không có ý so sánh Cao Văn Lầu với Bethoven, nhưng cả hai vị này đã vượt ra ngoài những khuôn mẫu căn bản hay suy nghĩ theo bài bản có sẵn và nhờ vậy tác phẩm của họ đã để lại những dấu ấn vượt thời gian. 

     Tìm Về Vọng Cổ. Một lần, người viễn xứ về thăm quê nhà, dừng chân lại Sài Gòn giữa mùa trăng tháng Sáu bàng bạc lu mờ, nằm trăn trở trên giường khách sạn Saigon Palace, cố dỗ giấc ngủ dù đã mệt nhoài vì cuộc hành trình dài.  Tâm hồn người viễn xứ tràn ngập những bất an, rối bù mớ kỷ niệm thời niên thiếu lẫn lộn buồn vui dính liền với kinh hoàng, đổ vỡ, chết chóc tang thương từ thời chinh chiến năm xưa. Giữa đêm trằn trọc, (người viễn xứ) bất chợt nghe được tiếng hát Vọng Cổ từ làn sóng Ngắn của một Kênh Radio Việt Nam, và đã rơi vào giấc ngủ rất hồn nhiên lúc nào không hay.  Rồi cả chục năm nay dư âm tiếng hát Vọng Cổ ấy vẫn còn văng vẳng trong tim mình dù chẳng nhớ nổi lời ca tiếng đàn. Người viễn xứ ấy chính là tôi, và phải đợi đến lúc tóc nhuộm mây trời mới biết yêu vọng cổ vì từ thời thơ ấu đến trưởng thành không được nghe nên chẳng hề biết yêu giai điệu Miền Nam ngọt ngào trữ tình này. Đúng là “vô tri bất mộ.”  Không biết thì sao mà yêu được.

     Chủ ý bài này là giới thiệu ca khúc “Mầu Nắng Lụa” được nhạc sĩ Nhất Chi Vũ soạn từ bài thơ của nữ thi sĩ Uyên Thuý Lâm, và được nữ ca sĩ Trúc Tiên, một nghệ sĩ chuyên hát Đờn Ca Tài Tử diễn ca. Những nhận xét và chia sẻ của tôi rất chủ quan vì ba vị này đều là người tôi quen biết và quý mến.  Nhất Chi Vũ là chỗ thân tình và chị Uyên Thuý Lâm là bạn văn, tôi có duyên sinh hoạt với chị trong nhiều sinh hoạt văn nghệ và cộng đồng ở Boston, bang Massachusetts, USA. Riêng cô Trúc Tiên (Pháp Quốc), tôi chỉ được nghe cô hát trong CD và liên lạc qua điện thư.

     Từ Thơ Đến Ca Khúc. Tôi rất yêu kính những nhạc sĩ sáng tác ca khúc, một loại nghệ thuật phổ thông trong các nền văn hoá nhân loại và có ảnh hưởng đến quần chúng trên nhiều phương diện từ tế tự tôn giáo đến các sinh hoạt đời thường kể cả giáo dục, tình cảm, sinh hoạt xã hội như thương mại và chính trị. Gần đây nhạc sĩ Vũ Hạ từ Pháp Quốc cho tôi tham dự sinh hoạt của nhóm anh chị văn nghệ sĩ Việt Nam qua điện thư và đã có duyên lành được đón nhận những món quà văn nghệ quý hoá từ ca khúc đến thơ văn, và hội hoạ của anh chị em nghệ sĩ trong nhóm. Anh Vũ Hạ cũng đang thực hiện CD gồm những ca khúc được phổ nhạc từ thơ, một sáng kiến hay và đáng được đón nhận. Sáng tạo ca khúc từ một bài thơ có lẽ khó vì mỗi bài thơ đều đã có âm điệu được ẩn sau những dòng thơ.  Nếu nhạc sĩ chỉ ký âm cho nhạc điệu có sẵn của bài thơ thì đấy chưa phải là sáng tạo. Nhạc sĩ Phạm Duy, theo tôi, là thiên tài đã dùng âm nhạc nâng cao lời thơ trong nhiều ca khúc bất hủ của ông. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã cố đi theo bước chân Phạm Duy khi phổ thơ nên dù ca khúc có dễ nghe và nhiều thính giả đón nhân, nhưng không tạo ra được mầu sắc hay dáng dấp mới.

     Tác giả quyển sách dạy sáng tác ca khúc ở trình độ vỡ lòng giúp những người như tôi học về ca khúc, Rikky Rooksby, viết trong quyển “How to Write Songs on Guitar” rằng một ca khúc được hình thành bằng bốn nguyên tố căn bản: Lời ca (lyrics), giai điệu (melody), hoà âm (harmony), và tiết điệu (rhythm).  Bốn nguyên tố này quyện vào nhau để ca khúc được hoàn thành tốt đẹp. Bạn tôi, Nhất Chi Vũ, luôn khẳng định rằng mỗi ca khúc cần sự sắp xếp hợp âm uyển chuyển tiếp nối theo nhau để nâng cao không khí và mầu sắc.  Thật ra tôi không đủ kiến thức và thuật ngữ âm nhạc để bàn về ca khúc.  Nhưng vì yêu quý các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, nhất là những nhạc sĩ bạn mình nên tôi cứ hồn nhiên chía sẻ cảm nghĩ và nhận xét về thế giới ca khúc.

     Trong thế giới ca khúc Việt Nam, có nhiều ca khúc nổi tiếng được các nhạc sĩ sáng tác từ thơ, và một số nhạc sĩ, như Trịnh Công Sơn, viết lời ca rất thơ nên nhiều người hiểu lầm lời của ca khúc nhất quyết phải là thơ.  Lời ca có phải là thơ không? Theo G.S. Pat Pattison từ Đại Học Âm Nhạc Berkeley và tác giả bài phân tích có tựa đề “Song Lyrics and Poetry” in trong quyển tuyển tập “The Handbook of Creative Writing” do Steven Earnshaw chủ biên, lời thơ để đọc còn lời nhạc để nghe. Điều này xem ra đơn giản nhưng không phải thế vì thơ hiểu theo nguyên nghĩa là một thể loại nghệ thuật dùng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh, và ẩn dụ để truyền đạt ý của nhà thơ đến người đọc.  Lời thơ có thể trừu tượng, mông lung, mập mờ khó hiểu. Đa số ca từ được diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường chuyên chở điều nhạc sĩ muốn diễn đạt qua âm giai, hoà âm, và tiết điệu để gửi thẳng vào thính giác người nghe. Ta có thể khẳng định rằng thi ca Việt Nam có nhiều nhạc tính vì bản chất ngôn ngữ Việt đã có nhạc điệu toát ra từ  các dấu chữ. Tuy nhiên, không phải ca từ nào cũng được xem là thơ.

     Trở về chủ ý của bài này là giới thiệu ca khúc Màu Nắng Lụa, thơ Uyên Thuý Lâm, Nhất Chi Vũ soạn thành ca khúc và Trúc Tiên diễn ca.  Đây là sự kết hợp tốt đẹp của thơ, nhạc, và ca hát. Tôi trân trọng nhận bài thơ, bài nhạc, và chăm chú nghe lời ca được hát lên theo giai điệu Miền Nam. Ngay ở phần mở đầu ca khúc, Nhất Chi Vũ đa mời người nghe bước vào thế giới của Đờn Ca Tài Tử, man mác dư âm Dạ Cổ Hoài Lang. Tôi là tín đồ mới của Vọng Cổ nên sau khi nghe Trúc Tiên hát Màu Nắng Lụa tôi đã ngạc nhiên thích thú vì bạn mình, Nhất Chi Vũ, đã bỏ tâm sức soạn ca khúc từ một bài thơ của một nhà thơ mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Theo tôi ca khúc “Màu Nằng Lụa” chan chứa giai điệu dân ca Miền Nam, cách riêng Đờn Ca Tải Tử và đã được Nhất Chi Vũ kết hợp cả ngũ cung Việt và thất cung Âu Tây làm đẹp thêm lời thơ.  Khi soạn ca khúc này, Nhất Chi Vũ đã cố gắng vượt ra ngoài khuôn mẫu để tạo không khí và mầu sắc mới. Nhất Chi Vũ cũng cố tình sử dụng những hợp âm vượt khỏi 3 nốt thông thường để tô điểm lời thơ bằng giai điệu lạ tai.

Mời bạn đọc thưởng thức bài thơ sau đây rồi lắng nghe ca khúc sau cuộc mạn đàm ảo với nhạc sĩ, nhà thơ, và ca sĩ.

MÀU NẮNG LỤA 

UYÊN THÚY LÂM 

Em hỏi tôi nắng lụa có màu gì?
Tôi tìm nắng qua cành tre lả ngọn
Thân tre vút dáng cong mềm buổi sớm,
Lá biếc xanh nắng óng ánh tươi vàng.

Qua từng mùa ai đợi sắc thu sang
Người đi mãi chưa về qua bến cũ
Có thương nhau dặn lòng đừng ủ rũ
Nắng hoe vàng, nắng lụa trải ven sông.

Tìm về nhau thương biết mấy bên lòng
Con bìm bịp kêu nước ròng nước lớn
Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn
Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông.

Ngày xuống dần vang tiếng trống thu không
Chân trời sẫm màu hoàng hôn tím đỏ
Lòng hoang vu miên man vườn bỏ ngỏ
Cung bậc sầu đồng vọng đến trăng khơi!

Dù mai này hai đứa có hai nơi

Còn ghi khắc luôn trong tim hình bóng.

Một đời người với bao nhiêu khát vọng

Sắt se lòng trong nắng lụa chơi vơi.

Em tôi ơi! năm tháng sẽ dần trôi
Nhưng còn lại ân tình ta thơ dại
Tri ngộ trăm năm duyên thơ thắm mãi
Tay trong tay dìu bước, tím chân trời…


TTM (trần thu miên). Xin Nhạc Sĩ Nhất Chi Vũ cho biết cơ duyên và lý do nào đã chọn bài thơ Màu Nắng Lụa để soạn thành ca khúc?

NCV (Nhất Chi Vũ). Cám ơn Trần Thu Miên quan tâm và ân cần hỏi han về ca khúc Màu Nắng Lụa, từ nguyên nhân gợi ý đưa nhạc vào thơ Uyên Thúy Lâm và đến khi đã được ca sĩ Trúc Tiên Paris diễn cảm hát theo tâm tình “Bậu thương Qua (mà) Qua nhớ Bậu” cung điệu sông nước Miền Nam.

 Anh nói “Tôi ngạc nhiên và thích thú.  Ngạc nhiên vì NCV đưa dòng nhạc chan chứa âm giai dân ca miền Nam quyện theo tiến trình hợp âm tây phương (progression d’accords / Chords Progression) để chuyên chở và làm đẹp lời thơ.  Thích thú vì giọng ca Trúc Tiên nghe có lúc lao xao tiếng lá tre trong gió tưởng như từ bụi tre khóm trúc sân nhà hay ven làng quê xa.

     Bỗng dưng thấy vui vui trong lòng vì hình như, bài hát đã thu hút được cảm tình của anh. Tôi nghĩ, có lẽ vì lòng tử tế mà anh tiên đoán phận số cho ca khúc này và nói lớn ra những điều tốt đẹp nhỏ bé dễ thương dường như đã có ai đó sắp xếp dàn dựng trước khi sáng tác.

     Thưa, thực tình chuyện đơn sơ thơ mộng hơn một chút. Bài thơ đã chọn chúng tôi chứ đâu phải chúng tôi chọn bài thơ để soạn thành ca khúc. Vì bài Màu Nắng Lụa tự ngôn ngữ thơ đã có nét đăc thù chữ, nghĩa miền Nam và hình ảnh đơn sơ hồn hậu đáng quý lạ thường. Bừng lên sống động một nhu cầu “tưởng nhớ” hồn nhiên tươi tắn hơn ngày trước. Vì thế, thơ mở ra đường đi lối về mới cho nhạc.

“Có thương nhau dặn lòng đừng ủ rũ /Nắng hoa vàng nắng lụa trải ven sông”

 “Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn /Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông”

     Ca khúc Màu Nắng Lụa nên hình nên dạng còn là nhờ mối thâm tình quen biết giữa người làm thơ có cảm xúc mới lạ tươi tắn và người hát có giọng ca ăn-ý thơ, và rồi người làm nhạc, công việc  trở nên nhẹ nhàng, hết sức may mắn. Chúng tôi đã không còn phân vân đưa nhạc vào bài thơ này, đồng thời nối kết phong cách riêng đáng quý từng người, từng sự việc tương ứng cách nào phóng khoáng giản dị hơn cả.

     Tôi quen biết nhà thơ Uyên Thúy Lâm qua người em trai trí thức hiền lành và vui tính của chị. Chúng tôi đã cùng nhau sinh hoạt cộng đồng từ thời “nước chảy chia hai” đất khách quê người. Chị Uyên sinh trưởng ở Bạc Liêu, lên thành phố học Đại học Luật khoa và Sư phạm, trở về quê mình giảng dạy Trung học Bạc Liêu. Có lần cựu nhà giáo gặp tôi trong buổi liên hoan ra mắt sách của nhóm bạn hữu. Chị nói với tôi nhự phân bua kỳ nèo “Tui ở Boston miền đất lành chim đậu, tài năng sáng sủa ba bốn nhạc sĩ mà hổng thấy ông nào mạnh dạn phổ thơ Uyên há… Sao anh NC Vũ thế nào?”– “Thưa chị, lu bu bận rộn quá… Có chứ có chứ! Tôi đang có nguyên tập thơ của chị, mà hơn nửa tập gồm các bài thơ hơi hướm chính trị và dùng nhiều chữ Hán Việt điển tích rõ ràng minh bạch y hệt như… một nhà giáo”. Chị cười mỉm chi nói “Cứ viết đi, sửa sang thoải mái”. Thực ra, trước đây sau khi được chị gửi  tặng tập thơ tôi đã phổ nhạc một bài gửi “đáp lễ”, và chính chị đã cho thực hiện thu âm ca khúc Tôi Viết Tên Em – do ca sĩ Lan Anh diễn ca. Ý tứ nét nhạc được viết thoáng gọn nương theo thể thức nhạc dân ca Blues Hoa Kỳ. Chị khoe tôi bên Florida có người khen nhạc… có trình độ!? Đó là tôi biết về một người con thương nhớ quê nhà Bạc Liêu.

TTM. Về việc đưa nhạc vào thơ, ca khúc này có gì đặc biệt?

NCV. “Đưa nhạc vào thơ” hình như chưa bao giờ đã có một lề lối, một thế thức liên kết thơ nhạc hay đưa nhạc vào thơ song song với một qui ước thanh nhạc chung cho thể loại “thơ phổ nhạc” này. Long trọng hóa Lời thơ, lời tâm sự lên thành Lời ca (Lyrics). Trước giờ phần nhiều chất liệu, mượn và cải biến từ Dân ca và ứng dụng những điều (hợp khả năng tác giả) về kỹ thuật viết ca khúc (xin hiểu kỹ thuật là thang cấp đi đến nghệ thuật) đã và đang là cổ điển hay tân tiến. Chính vì thế, bài thơ hoặc đoản văn xuôi nào có ý nghĩa và được yêu thích, đã tư định hình một ca khúc theo các hình thức trong tâm trí người viết nhạc.

TTM. Trên phương diện âm nhạc, nhạc sĩ đã có cố gắng gì trong việc làm mới các giai điệu dân ca ?

NCV. Chúng tôi trân trọng tìm về tuyệt tác Dạ Cổ Hoài Lang, cảm hứng từ một bài thơ thương nhớ, nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu đã sáng tác nên một ca khúc có giai điệu độc đáo kỳ diệu, đã gợi ý tươi mới vào nền ca nhạc Miền Nam trên dưới suốt 100 năm qua.

“Từ là từ phu tướng /bảo kiếm sắc phong lên đàng… Hò hò Lìu Xang Xê Cống /…” Chúng tôi nhận ra ngay nét duyên dáng của âm giai Oán miền Nam: Hò Xừ Xang Xê Cống Oan Liu /C Eb F G A Bb C – tương ứng dạng thức Dorian Mode nhạc tây phương: C D Eb F G A Bb C (Dorian là thang âm bậc II của thang âm Chủ thể Trưởng, ví dụ Đô Trưởng có Rê thứ là hợp âm đồng thời là thang âm bậc II)  
    Như vậy chúng tôi đã nhận diện một bài hát có “tiêu chuẩn mới” hòa-đối-cộng-sinh ưng ý có ý nghĩa. Đều đã thể hiện – rất linh động – bốn phần chính yếu cấu trúc một ca khúc. (1), Lời ca – Melody (dòng nhạc) (2), Hòa âm – Chord Progression (3), Tiết tấu – Rythm (4), Thể thức trình bày – Form. Cả 4 phần cân xứng nhau (như biểu tượng bốn chân bàn hoặc bàn vuông có bốn cái ghế) và ít nhiều có chút ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Ví dụ Lời ca có nét đặc thù của một Âm giai – Scale, hòa âm có âm sắc quality Trưởng hay Thứ…

TTM. Về cấu trúc, có những gì đáng nói riêng về ca khúc này không?

Nương theo tiêu chuẩn một ca khúc tân nhạc chúng tôi bổ túc thêm phần Hòa âm – Chord Progression để diễn tả ca khúc Màu Nắng Lụa. Trình bày trên bài hát chủ yếu là, Tiến trình hợp âm 4 nốt và tĩnh lược, thể gốc (Root Position), đảo trạng (Inversion) và các công năng (Funtion) trong sự chuyển hành, thể hiện qua những vòng hòa thanh từng đoạn nhạc, tạo khác biệt chút ít trong bài hát. Ví dụ: Từ Am D7 Am6 C E Am6 /Từ Am G D7 G /Từ G C  D7 Esus4 Am6 (nốt F# là nốt tạo nét đặc thù trong âm giai A Dorian mode).

TTM. Nhạc sĩ nghĩ gì sau khi nghe tác phẩm được Trúc Tiên diễn ca?

 NCV. Khi được nghe bản tự thu âm từ nghệ sĩ Trúc Tiên, tôi vội viết điện thư cho cô và phu quân một bạn văn quý mến:

“Tôi cảm động,

Giọng hát Trúc Tiên tuyệt vời hồn nhiên.

Đã cùng tôi tạ ơn Miền bến bờ sông nước hiền và hòa, ngay tự trong lòng ta. Miền dưỡng nuôi nâng niu chúng ta khi thời thuở còn rất trẻ.”

 Tôi vốn con dân Bắc di cư 54, sinh trưởng lớn lên từ Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ qua Mỹ tỵ nạn năm 80.

Trúc Tiên quê ở Mỹ Tho, tôi chưa lần biết “trúc ở trên trời” hay trúc đứng một mình, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên nhắc tên cô ca sĩ có tên thật, có vẻ đẹp như dáng người và sắc thái giọng hát trung thực Trần Thị Trúc Tiên, rất VN rất người Việt. Nghe kể gia đình cô sang Pháp lúc cô mới 11 tuổi. Hành trang tinh thần cô mang theo là suốt thời thơ ấu đã được ông nội đàn ca cho nghe và thường xuyên hướng dẫn cô tập luyện những bài bản ca cỗ nhạc đã đang thịnh hành lúc bấy giờ. Thời gian và niềm vui nỗi buồn đời tha hương không toan tính. Cô gái nhỏ ngày ấy nay tự nguyện từ Paris trở lại quê nhà ca hát thu âm với ban nhạc tuyển chọn ưng ý, ghi lại hầu hết trên 20 bản tổ Đờn Ca Tài Tử và cải lương. Góp phần bảo tồn phẩm chất và nâng cao danh dự cổ nhạc. Nghĩa cử thanh cao, gần gũi thiết tha này gây ấn tượng đẹp trong niềm cảm động của quý nhạc sĩ trải nghiệm kỳ cựu bên nhà, họ đã hết lòng chăm sóc nâng đỡ người nghệ sĩ về thăm quê hương này.

TTM. Cảm ơn bạn. Bây giờ tôi xin thưa chuyện với nhà thơ. Chào nhà thơ Uyên Thuý Lâm. Cảm ơn chị đã chia sẻ bài thơ Màu Nắng Lụa. Mỗi sáng tác đều đến từ một hồi ức, có thể gần và rõ, và cũng có thể rất lãng đãng mơ hồ. Xin nhà thơ cho biết nguồn cảm hứng của mình khi sáng tác bài thơ này.

UTL (Uyên Thuý Lâm). Thúy Uyên có sinh hoạt trong 1 nhóm nhỏ bạn hữu Thơ, Văn. Thỉnh thoảng gửi bài đến diễn đàn chung đăng, hoặc ra đề tài cùng nhau xướng – hoạ cho vui. Hôm nọ có một bạn trong nhóm bạn Thơ, viết hai câu gửi cho tôi rồi hỏi “Bạn nghĩ ý thơ trong hai câu thơ sau muốn nói đến điều gì?      

        “Màu Nắng lụa chưa đi đã nhớ,
       Bóng tà huy đổ mực tô trời.‘’
Tôi đọc qua, để đó, rồi quên đi.  Vài hôm sau sực nhớ, mình chưa trả lời, dù sao thì cũng phải hồi đáp, dù vài chữ cũng được.

TTM. Theo chị hai câu thơ ấy chuyên chở gì?

UTL. Đọc lại hai câu thơ tôi thấy mông lung và chỉ 2 câu ngắn quá, chưa định được người hỏi muốn đề cập điều gì. Thôi tuỳ cái Cảm Nhận của mình ra sao, thì trả lời ra làm vậy.

TTM. Theo chị Màu Nắng Lụa và Bóng Tà Huy là ẩn dụ về điều gì trong hai câu thơ người bạn gửi?

UTL. Tôi chú ý đến 2 từ : Màu và Tô. Vậy có thể thu xếp như sau:
Câu 1 : Nắng lụa là nắng đầu ngày, nắng buổi sớm mai.
Câu 2: Bóng Tà huy xem  như cùng nghĩa với ánh tà dương, nắng buổi xế chiều.
Lời đáp ngắn gọn cho  câu hỏi này, là tôi đáp bằng màu của 2 sắc nắng:
Nắng sáng buổi bình minh  là màu rạng rỡ SẮC NẮNG  ÁNH LỤA VÀNG.
Nắng xế buổi hoàng hôn tô trời là màu TÍM, mà ráng chiều thường ánh lên sắc
rực lửa ( đỏ )cuối ngày trước khi chìm vào bóng tối hoàng hôn,  thành màu TÍM + ĐỎ => màu TÍM ĐỎ
Câu 1 — Sắc nắng sớm là Màu Nắng Lụa Vàng.
Câu 2—Sắc nắng chiều buổi tà huy là Màu Tím Đỏ
Có các chi tiết được suy nghĩ tương đối thấu  đáo để đáp từ cho 2 câu hỏi của người Bạn  thơ rồi.
Nhưng lẽ nào chỉ trả lời ngắn ngủn .Tôi bắt đầu viết câu đầu cho bài Thơ:

       Em hỏi tôi: Nắng lụa có màu gì

       Tôi nhìn nắng qua cành tre lả ngọn.

       Thân tre vút, dáng cong mềm buổi sớm
        Lá biếc xanh nắng óng ánh tươi VÀNG. 

        ( đáp: Nắng  lụa màu VÀNG ) ……

TTM. Thật ra tôi không hỏi chị người tặng chị hai câu thơ là ai vì muốn sự  tưởng tượng của mình được tinh ròng.  Theo tôi đấy là hai câu tỏ tình rất hay. Nắng lụa ý nói về một người nữ đài các thanh lịch, duyên dáng dịu dàng. Còn bóng tà huy có thể hiểu như lời tiếc nuối về một cuộc gặp gỡ hay buổi hẹn hò qua đi quá nhanh như nắng hoàng hôn. Tôi rất yêu thích đoạn thơ này:

Tìm về nhau thương biết mấy bên lòng
Con bìm bịp kêu nước ròng nước lớn
Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn
Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông.

Đọc đoạn thơ này tôi hình dung ra một bức tranh đồng quê rất tình tứ lãng mạn. Chị sinh trưởng ở miền quê hương nào?


UTL. Thúy Uyên vốn sinh trưởng ở Bạc Liêu quê hương của bản Dạ Cổ Hoài Lang của Nghệ nhân Cao Văn Lầu, tiền thân bản Vọng Cổ.

TTM. Như vậy chị đã được lớn lên với không gian của Đàn Ca Tài Tử và Vọng Cổ.


UTL. Từ thời tiểu học mình đã đuợc nghe đờn ca Tài Tử Nam Bộ, nghe bản Vọng cổ, nghe câu hò trên sông trên đồng ruộng, nghe điệu Lý Con Sáo, nghe điệu Hoài Tình, …văng vẳng làng trên xóm dưới.
Và rồi hình ảnh những dòng sông đục màu phù sa, lục bình trôi nổi, cây mù u, con chim bìm bịp kêu nước ròng nước lớn, hình ảnh vườn cau, luống rau, đồng lúa …đã thấm đẫm trong tâm tình của người dân miền sông nước. Và tình yêu đôi lứa trong đời, dù đẹp duyên hay cách trở, vẫn ghi lòng ân tri ngộ buổi thanh xuân…

Các hình ảnh âm thanh quen thuộc đó đi vào một số bài viết của UTL dễ dàng và tự nhiên như dòng chảy của sông Tiền, sông Hậu miền Tây.

Do vậy mà Bài thơ MÀU NẮNG LỤA chứa đựng ít nhiều cảm xúc của UTL được viết và hoàn tất khá nhanh sau đó.

TTM. Xin hỏi thêm là chị bắt đầu làm thơ từ thuở nào?

UTL. Tôi làm thơ viết văn rất sớm, khi còn đi học. Năm 17 tuổi, học năm cuối Trung học tôi có gửi bài Thơ đi dự thi. Tôi may mắn ĐẠT GIẢI NHẤT cuộc Thi Văn Thơ của Tỉnh nhà, với bài thơ là 1 trong mươi bài thơ đầu tiên của tôi trong tuổi học trò.

    Học xong Đại học tôi về giảng dạy môn Văn tại Trường Trung Học Công Lập tỉnh nhà, tôi có điều kiện để dễ sáng tác thêm về văn thơ. Biến cố 30 tháng 4, cuộc sống nhiều dời đổi khó khăn, tôi phải lo nuôi cho các con trưởng thành nên tôi ngưng sáng tác. 

Tôi viết lại khoảng mười mấy năm gần đây.

TTM. Chị hay quá, 17 tuổi được giải thưởng thơ là một vinh dự lớn. Chúc mừng chị. Tôi cũng thích sáng tác thi ca, nhưng cả đời làm thơ, viết văn, làm nhạc lung tung beng của tôi chỉ được một cô sinh viên tỏ lòng yêu mến, nên tôi thường nói với bạn bè là cô sinh viên ấy đã trao tôi giải thưởng tuyệt vời nhất đời mình. Bây giờ, c (Trúc  hị cho độc giả biết sơ qua về sinh hoạt thi ca của chị nhá.


UTL.  Tôi gửi sáng tác đăng ở các Trang WEB tại Washington D.C., tại Bắc và Nam California, đăng bài tại Florida, và trên vài Trang Mạng tại Boston. Tôi đã xuất bản Thi Tập “Trăng Nước Bến Bờ Xưa’’ vào năm 2015. Đã có trên 30 Bài thơ của Uyên Thúy Lâm may mắn đuợc các Nhạc sĩ phổ thành Bản nhạc.


TTM. Cảm ơn chị. Có lẽ chị cũng đồng ý với tôi là Nhất Chi Vũ đã khéo soạn thành ca khúc từ bài thơ của chị để người nghe cảm được giai điệu dân ca quyện vào những câu thơ của chị. Bây giờ tôi xin được hỏi ca sĩ Trúc Tiên về cảm nghĩ của cô khi nhận được bài hát Nhất Chi Vũ trân trọng gửi gấm?    

TT (Trúc Tiên). Trúc Tiên thích những giai điệu Đàn Ca Tài Tử vì nét cổ, xưa và quý của Việt Nam mình. Nhưng khi Trúc Tiên hát những điệu ấy vẫn muốn thêm một chút gì đó mới mới, rất tân của thời này, một chút gì đó rất “Trúc Tiên”. Lần đầu cầm bản nhạc Màu Nắng Lụa trên tay, TT nhận ra những ca từ quen thuộc thân thương của miền sông nước: “cây mù u…”, “gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông“… Và cách xưng hô “Tôi” và “Em” nghe xa mà gần.

TTM. Cô có thấy liên hệ nào giữa Đàn Ca Tài Tử và ca khúc Màu Nắng Lụa không?

TT. Các cụ xưa viết những bài Đàn Ca Tài tử theo thể kể chuyện, bài thơ Màu Nắng Lụa cũng vậy, ngắn thôi, nhưng đủ kể cho người nghe một chuyện tình thơ mộng.

TTM. Còn trên phương diện âm nhạc thì sao?

TT. Khi nhận được bài hòa âm TT rất ngạc nhiên thích thú với “hương vị” vừa cổ vừa tân của bài nhạc. Thoạt đầu TT hơi ngại chút vì hình như lời bài hát dành cho… nam giới. Nhưng càng tập thì TT có cảm tưởng là lời của hai người nam nữ đang thủ thỉ với nhau chứ không riêng tâm sự một người: « Có thương nhau, dặn lòng đừng ủ rũ…», chắc đó là mầu nhiệm của nhạc quyện với ca từ, có như nhạc ôm lấy lời an ủi : « Tri ngộ trăm năm duyên thơ thắm mãi, mơ trong tay dìu bước tím chân trời…» Rằng là một chuyện tình buồn nhưng Trúc Tiên không cảm thấy lạnh, họ yêu nhau đến thế cơ !

TTM. Tôi tình cờ được xem cuộc phỏng vấn đài RFA dành cho cô liên quan đến sinh hoạt nghệ thuật của cô. Xin cô chia sẻ đôi điều về các sinh hoạt văn nghệ của cô được không?

TT. Thưa anh, ở phần trên anh có nhắc đến những giai điệu Miền Nam ngọt ngào trữ tình nhưng nếu « không biết thì sao mà yêu được ». Trúc Tiên cũng nhận ra được điều này ở Paris, khi nói đến Đàn Ca Tài Tử thì hầu hết, người mình chỉ hình dung đến câu Vọng Cổ hay Cải Lương, có người còn nghĩ là thể nhạc « hát rong » chắc vì từ « tài tử ». Chứ hiếm có ai nghĩ đến Đàn Ca Tài Tử có gốc rễ từ Nhã Nhạc Cung Đình và là tiền thân của Vọng Cổ sau này. Cách đây ba năm, Trúc Tiên cho ra đời chương trình Đàn Ca Tài Tử « Thương » như kể lại một câu chuyện gia đình từ những Bài Bản Tổ của ông bà mình để lại, mong thông điệp « Biết Mới Thương » đánh động mọi người gần xa góp tay giữ gìn thể nhạc cổ này. Và Trúc Tiên vẫn tiếp tục « như một người hát rong » đi kể chuyện đời xưa cho bà con nghe, cứ thế « nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử Lục Vân Tiên » được ra mắt khán giả Paris năm 2019. Năm 2020, Trúc Tiên làm gan hơn phổ truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ra nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử, nhưng vì nạn « Cô Vi » nên « Cô Kiều » đành phải dời… không biết đến bao giờ mới diễn được, gian truân là thế : « Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời »…

TTM. Tôi mong sẽ được thưởng thức công trình về Kiều của cô. Đây là việc đáng được quan tâm, nhất là trong các cộng đồng người Việt Nam biệt xứ. Chúng ta có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng nền văn hoá mới cho con cháu chúng ta, những thế hệ được sinh ra ở các miền đất không phải Việt Nam. Hy vọng cô sẽ thực hiện một chương trình Đàn Ca Tài Tử về các câu chuyện người Việt Nam đang sinh sống ở Âu Châu hay những xứ sở khác. Để chấm dứt cuộc mạn đàm văn nghệ giữa thơ, nhạc, và diễn ca, tôi xin hỏi thêm rằng cô nghĩ gì về nhạc NCV?

TT. Theo Trúc Tiên thì hát nhạc của nhạc sĩ Nhất Chi Vũ không dễ chút nào, phải nói là khó ơi là khó luôn ! Gởi bài đi đến anh mà Trúc Tiên lo, lo lắm vì khi hát ca khúc này, có hơn một lần Trúc Tiên để quên “tâm tư” mình vào đó, rồi tự ý tham lam “để dành” cho riêng mình một hai note nhạc, mong nhạc sĩ vui lòng tặng cho Trúc Tiên, nhé!

TTM. Cảm ơn những chia sẻ của cô thật nhiều.

     Tôi đồng ý với cô Trúc Tiên là các ca khúc của NCV thường khó hát. Nhưng nghĩ kỹ lại bài hát dễ hát được nhiều người hát chưa hẳn là bài hát hay. Bài hát khó hát và không được phổ biến rộng, chưa hẳn là bài hát dở. Tôi có cái nhìn rất thực tế về nghệ thuật. Tác phẩm cũng như món ăn, có món ăn cần thời gian để làm quen rồi ta mới thưởng thức được hương vị tuyệt vời dù lần đầu ăn, ta đã  bị  dội. Có món ta ăn hàng ngày, nhưng chưa hẳn là ngon. Theo tôi một ca khúc sáng tác từ một bài thơ cần sự đồng cảm giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Có nhạc sĩ khi chọn bài thơ để phổ nhạc thì giữ nguyên bản thảo của bài thơ. Việc này không cần thiết mà có thể làm mất tính nghệ thuật. Viết một ca khúc là sáng tạo, và sáng tạo thì phải vượt ra ngoài các khuôn khổ có sẵn. Nếu nhạc sĩ không vượt ra khỏi âm điệu sẵn có của bài thơ thì việc phổ nhạc chẳng khác gì ký âm thôi. Nhạc sĩ có thể chỉ dùng một vài đoạn của bài thơ hay tự xếp đặt lại các câu thơ theo dòng sáng tạo của mình.  Tôi nghĩ Nhất Chi Vũ khi phổ nhạc bài Màu Nắng Lụa có thể rập theo khuôn của Dạ Cổ Hoài Lang hay các câu Vọng Cổ nề nếp, nhưng làm vậy thì không phải là sáng tạo. Sau khi ca khúc phổ thơ được hoàn thành, ca sĩ đóng góp phần quan trọng để chuyển đến thính giác người nghe vì bài hát không để nhìn hay đọc nhưng để hát và nghe.  Việc sử dụng nhạc khí theo sự xếp đặt của vòng chuyển hành hợp âm cũng rất quan trọng để nâng cao tiếng hát của ca sĩ và tô thêm màu sắc cho lời ca. Tôi nghĩ ca khúc Màu Nắng Lụa sẽ có một chỗ đứng lâu dài vì Nhất Chi Vũ đã sáng tạo một ca khúc có đầy đủ yếu tố của một bài ca hay. Các nhạc sĩ phối khí và ca sĩ có thể tự mình làm đẹp thêm bài ca theo cảm xúc riêng.

MỜI QUÝ BẠN BẤM VÀO ĐƯỜNG NỐI SAU ĐÂY ĐỂ THƯỞNG THỨC MÀU NẮNG LỤA

LY RƯỢU MỪNG –

nhạc Phạm Đình Chương, giọng hát Nguyễn Trọng Khôi

Mùa xuân phố cũ

Thơ: Uyên Thúy Lâm – Nhạc: Hoàng Tường – Trình Bày: Xuân Canh

Vĩnh biệt một giọng hát hàng đầu của Saigon

Ca sĩ LỆ THU

1943-2021

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt.

Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.

Trước đó, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể: “Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức.”

Cô kể tiếp: “Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy.”

Khi được hỏi mong mỏi điều gì nhất lúc này, ái nữ của nữ danh ca nói: “Tôi mong những người hâm mộ mẹ, nếu có nghĩ đến bà, xin cầu nguyện cho bà chóng qua khỏi. Nếu phải ra đi thì đi trong nhẹ nhàng. Cầu mong có một phép lạ nào đó cho bà chóng bình phục.”

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như “Nước Mắt Mùa Thu,” “Mùa Thu Chết,” “Hạ Trắng,” “Thu Hát Cho Người”…

Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.

Lệ Thu ở Saigon – ảnh Phong Quang

Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở.”

Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.

Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.

Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.

Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.

Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn và hát.

Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980.

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do nhạc sĩ Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills.

Sau đó bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh,” và tiếp tục thu âm những bản nhạc từng làm bà nổi tiếng.

Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian. (Đ.D.)

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN” BÀI HÁT HAY NHẤT CỦA VĂN CAO, ĐỒNG THỜI CŨNG LÀ BÀI HÁT HAY NHẤT CỦA 80 NĂM NỀN TÂN NHẠC VIỆT NAM

Trần Mạnh Hảo

“trích trong bài “ Văn Cao – một thiên tài bị lưu đầy” của Trần Mạnh Hảo

Không đợi khi xuân đến, tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ: “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối tháng 12-1975, hoàn thành trong dịp tết Bính Thìn năm 1976.

Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…

Hầu như tất cả các trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình…

Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.

Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm… nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông” lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ thờ thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn xiết: “một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)

Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời con nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với nỗi vui não nùng Văn Cao nay: “Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.

Bài hát như một điệu valse bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ…

Chừng như đã mấy chục năm chiến tranh liên miên chưa từng có xuân về? Chừng như gần hết cả đời người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim én báo xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng mùa xuân?

Và chừng như lâu lắm rồi Văn Cao quên không còn nhớ mình từng là nhạc sĩ lãng mạn đã có cả chục ca khúc vào hàng kiệt tác? Chừng như cây đàn piano cũ kỹ do Hội nhạc sĩ Việt Nam cho Văn Cao thuê mỗi tháng 07 đồng, (thuê căn gác chật hẹp cũ kỹ 108 Yết Kiêu 15 đồng) đã bị thời gian phủ bụi đầy rêu mốc? Chừng như đôi tai Văn Cao đã bị súng đạn thời cuộc, sự hò hét xướng ca hò vè phục vụ chính trị một thời làm ù đặc, khi tất cả các kiệt tác âm nhạc của ông đều bị chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Miền Bắc) cấm hát, trừ bài quốc ca (kể cả thơ Văn Cao cũng bị cấm)?

Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên”

Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng tư năm 1975: “có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế?

Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải phóng” in trước tết Bính Thìn: 01-01-1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) 05 năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm duyệt của chế độ.

Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra đời của bài hát này:

“Sau khi bài “Tiến về Hà Nội” ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…

Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.

Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.” – Trích bài “Văn Cao với ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Thao in trên “Tạp chí Sông Hương” số 179-180

Văn Thao tiết lộ tiếp rằng, bài hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên nước Liên Xô người ta lại dịch sang tiếng Nga, phát trên Đài phát thanh Matxcova:

“Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.””

Qua tiết lộ trên của anh Văn Thao, con trưởng nhạc sĩ thì nhà ông Văn Cao trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu suốt một thời luôn luôn có công an ngầm canh gác, ai đến đều “bị vỗ vai” hỏi tên tuổi, xem đến nhà tên phản động “Nhân Văn” làm gì? Người viết bài này sau năm 1975 có lần đến thăm nhạc sĩ Văn Cao để cho ông mượn cuốn tiểu thuyết vĩ đại: “Giờ thứ 25” của văn hào Romania Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992) mang ra từ Sài Gòn như đã hứa, cũng đã từng bị công an mật “vỗ vai” hỏi đi đâu? Bèn bảo: đi phỏng vấn tác giả “Quốc ca” viết bài in báo cũng bị cấm à? Người “vỗ vai” hất đầu cộc lộc: “Vào đi”.

Người ta đã cầm giữ Văn Cao như một tù nhân lương tâm bị giam lỏng, một thứ nhà tù tại chỗ, nhà tù nhân dân kiểu xã hội chủ nghĩa. Rằng Văn Cao bị vô hiệu hóa suốt 30 năm vì tội Nhân Văn – Giai Phẩm. Rằng suốt 30 năm ấy, nhạc sĩ Văn Cao sống rất nghèo khổ, “bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”.

Chúng ta lại được nghe người con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể sơ qua về sự ra đời của “Mùa xuân đầu tiên”:

“Đó là một đêm vào giữa tháng 12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ.

Một giai điệu khe khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ VN cho thuê lại với giá 7 đồng rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.

Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày. Bài hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.

Như mọi lần, trong suốt mấy chục năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm năm.” – Nhà thơ NGHIÊM BẰNG – THU HÀ ghi

TMH

Hang Bê Lem

HANG BÊ LEM
nhạc và lời Hải Linh –
giọng hát Nguyễn Trọng Khôi


ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG – SILENT NIGHT –
lời Việt: Hùng Lân –
trình bày: Nguyễn Trọng Khôi

NỖI NHỚ KHÔN CÙNG –

thơ Trần Thu Miên – nhạc Nhất Chi Vũ – hòa âm Quang Đạt – ca sỹ Diệu Hiền

Đọc Trần Thu Miên:
Tôi Vẫn Ôm Ấp Cuộc Đời

lmt

https://www.lulu.com/search?contributor=Tr%E1%BA%A7n+Thu+Mi%C3%AAn

Giới Thiệu: lmt viết tắt từ Lã Mộng Thường; tên khai sinh của linh mục Công Giáo Trần Đoàn. Ông đã xuất bản 8 tác phẩm sách về các vấn đề Tâm Linh và Văn Hoá.  Tác phẩm thứ 8 có tựa đề “Mây Bay Về Ngàn” là tác phẩm có cả chiều sâu tâm linh và chiều dài về số trang. Trong gần 600 trang sách, lmt đã minh giải những vẫn đề tôn giáo, nhất là Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, qua thể văn mạn đàm của các nhân vật đời thường và giới tu sĩ. Bài điểm sách sau đây tiêu biểu phần nào suy tư của ông về tôn giáo và các nghiệm chứng tâm linh. Ngoài các sáng tác về tâm linh và văn hoá, ông cũng sáng tác rất nhiều ca khúc tình cảm.

Cho đến khi đọc mấy dòng cuối cuốn Tôi Vẫn Ôm Ấp Cuộc Đời, “Xuất bản sách và các bài nghiên cứu bằng Anh ngữ vì cơm áo. Sáng tác tiếng Việt qua các thể loại Thi Ca, Truyện, Ca Khúc, Tạp Văn, Tùy Bút, lung tung để vui chơi với đời” (Tr. 387), tôi mới giải được nỗi thắc mắc tại sao tác giả Trần Thu Miên sắp xếp những đề mục của cuốn tùy bút một cách nghịch thường. Không hiểu do chủ ý của tác giả hay vì ảnh hưởng thói quen, tạm được gọi truyền thống, nói cách khác, mà xưa nay tín đồ các tôn giáo đã được hay bị rao giảng với những lề luật, những điều phải tin tự trời rơi xuống để rồi được ghi với đôi chữ, “Lung tung để vui chơi với đời” qua những đề mục, “Bơi Lội Trong Dòng Tâm Linh,” “Quê Nhà Trong Tim Biệt Xứ,” “Bên Lề Cõi Văn Chương Nghệ Thuật,” ”Đời Có Em Và Có Bạn Bè,” ”Đời Quanh Quẩn Sân Trường,” và ”Cho Em Cội Nguồn.”

Qua những trang ”Tùy bút,” man mác nỗi thao thức xác định, tìm lại, và phát triển căn tính người Việt rải rác khắp năm châu đặc biệt nơi những cộng đồng Việt Nam, bất cứ nơi nào trên thế giới, bằng những hoạt động văn hóa, tôn giáo không những nhắc nhở“người lớn, giới đang bận rộn vật lộn với cuộc đời vì miếng cơm, manh áo, nhận định rõ về giá trị, vị thế, văn hóa người Việt nơi chính mình, mà còn khuyến khích, tạo căn cơ cho những thế hệ trẻ, được sinh trưởng sau này ngoài đất Việt, tìm lại và phát triển nhận thức về cội nguồn cũng như bản chất, văn hóa, và truyền thống  dân tộc Việt.

Nỗi thao thức này đã là động lực thúc đẩy tác giả tham gia sinh hoạt những chương trình dạy tiếng Việt, những lớp giáo lý nơi các cộng đồng Công Giáo mặc dầu chính tác giả đã mệnh danh ”Bỏ đạo” một thời trong cuộc đời mình. Dẫu những ngày còn nhỏ đã chưa bao giờ được tham dự để có thể có được chút cảm nhận nơi ký ức về tâm tình của tuổi trẻ đối với tết Trung Thu, nhưng khi lãnh nhận vai trò tổ chức lễ tết Trung Thu cho giới trẻ, chính tác giả đã ngộ, “Tôi nhìn ánh mắt chân tình của các bạn tôi lúc họ chăm chú xếp lồng đèn và cảm nhận được tấm lòng và thiện chí của họ. Đúng như ý lời thơ bất hủ của vị khất tu sĩ Francis, ‘Khi ta hiến dâng là khi ta được nhận.’ Các bạn tôi đã cho tôi nhận niềm hạnh phúc khi đứng xếp lồng Trung Thu, món quà cội nguồn cho tuổi thơ Việt ở xứ người.” Sự thức ngộ này đã an định tâm hồn tác giả,”Buổi trưa, có người bạn ở xa điện thoại thăm. Anh hỏi tôi, ‘Tối thứ sáu làm gì? Tôi trả lời bận phụ chương trình Trung Thu cho thiếu nhi và học sinh Việt ngữ. Anh cười khan qua điện thoại.

    “Sao hay làm chuyện vớ vẩn, chuyện lớn không làm.”

    “Chuyện gì lớn?” Tôi trả lời.

    “Chuyện đất nước quê hương”.  Anh khẳng định.

Tôi chỉ cười ruồi rồi lãng sang chuyện khác. Với tôi, thật ra bây giờ quê hương là cộng đoàn người Việt ly hương ở quanh tôi. Mình chỉ mong làm được gì, dù nhỏ bé tầm thường, cho thế hệ con cháu có cơ hội bám vào cội nguồn Việt. Chỉ như vậy thôi cũng đã khó rồi. Việc đại sự xin dành cho những ai có khả năng và chí lớn hơn mình. Việc các bạn tôi và tôi có thể làm vây giờ là giữ cho vầng trăng cổ tích Việt Nam sáng mãi trong tâm hồn tuổi thơ Mỹ-Việt”(Tr. 386).

Chẳng những thế, nỗi thao thức ôm ấp và phát huy căn tính người Việt cũng ảnh hưởng không ít nơi những bài viết hồi ức tâm tình, nhận thức về những tác phẩm, tác giả, những người thân tình về văn chương, thi phú, về những dòng nhạc của các tác giả. Trần Thu Miên chiêm ngưỡng, hòa mình với cảm nhận tạo thành thái độ sống nơi cuộc đời, không phê phán, không nhận định mà bơi lội trong giòng văn hóa đang được kiến tạo do những ngòi bút tài hoa được diễn trình bởi tâm hồn người Việt. Dù chỉ chiếc áo dài cho con mặc ngày tết cũng khơi dậy và làm tăng thêm nỗi thao thức gìn giữ cội nguồn Việt nơi tâm hồn tác giả, “Sự gắn bó của mình với quê hương cũ bây giờ là sự gắn bó linh thiêng. Biết đâu khi mang chiếc áo dài trên mình, sự liên hệ linh thiêng với Việt Nam sẽ dần dà nảy ở trong trái tim con. Biết đâu khi mặc áo dài, niềm hãnh kiện về nguồn gốc của con mình sẽ được cưu mang. Biết đâu khi mặc áo dài, dấu ấn Việt Nam sẽ nhẹ nhàng in vết lên tâm hồn con” (Tr. 142).

Thiển nghĩ, nếu ai vô tình đọc ngược tiến trình những bài viết được sắp xếp nơi cuốn Tôi Vẫn Ôm Ấp Cuộc Đời sẽ thấy được nỗi thao thức sâu thẳm của tác giả qua đề mục “Bơi Lội Trong Dòng Tâm Linh.” Lẽ đương nhiên, “Có thực mới vực được đạo,” không có con người, không có chi để nói đến tâm linh, không có chi để nói tới tôn giáo. Thực thể cuộc đời minh xác, chính những nhu cầu hiện thực nơi cuộc sống, những ước muốn, tham vọng, đã hầu như che lấp nỗi khát vọng, thao thức bẩm sinh nơi bất cứ ai dù trong vị thế, đấng bậc nào. Khát vọng bẩm sinh chính là nỗi thao thức nhận biết về chính mình. Tôi là ai? Mục đích cuộc đời của mình là gì? Chẳng lẽ mình được sinh ra, lo kiếm sống, thỏa mãn những ước vọng, và rồi qua đi như những con thú?

Tác giả ghi lại những hình thức, nghi thức, diễn tả quang cảnh, cảm nhận hời hợt phiến diện của những buổi lễ, câu kinh, lời hát, và nỗi khúc mắc dâng lên trong lòng, nói lên phần nào tiếc nuối vì thiếu sót “cảm nhận nên có được” khi tham dự những nghi lễ và rồi đổ tại những sinh hoạt, nghi thức, ca nhạc v.v…không đánh động được lòng mình. Xin thưa, tại vì mình theo đạo, theo tôn giáo. Những nghi thức hành lễ của tôn giáo chỉ là phương tiện cho những người tham dự bày tỏ lòng mình, bày tỏ nỗi thao thức, khát vọng nhận biết thực thể của mình liên hệ với thực thể tâm linh. Tôn giáo là tổ chức nhân sinh được thiết lập do quy tụ những con người cùng niềm tin hầu mong có được nhận thức hài hòa về mẫu số chung; và đó là nỗi thao thức, nỗi khát vọng bẩm sinh nơi mỗi người. Tôn giáo không dẫn dắt con người tới bất cứ nơi đâu mà chỉ là phương tiện cho con người thăng tiến nơi hành trình tâm linh, hành trình nhận biết mình là ai, mình thế nào với thực thể hiện hữu vô cùng.

Thực thể hiện hữu vô cùng này được các nhà đạo học, chiêm nghiệm gán cho những danh hiệu khác nhau; chẳng hạn, nhà Phật gọi Chân Như, Lão thì đặt tên là Tào, Ấn gọi là Brahma, những người theo Thiên Chúa giáo gọi là Thiên Chúa, rồi nào kẻ gọi Thượng Đế, người kêu Ông Xanh, Ông Trời, Quyền Lực Hiện Hữu, Cái Vô, Cái Không; đó là lý do tại sao có công án, “Chứng Cái Không,” “Chứng Cái Vô.” Tất cả các kinh sách đạo học đều viết về phương cách nghiệm chứng Thực Thể Hiện Hữu Tối Thượng này. Ấn học thì có Yoga với muôn ngàn kiểu cách, đường lối. Phật có hằng hà sa số các pháp, tất cả chỉ tóm gọn “Kiến tính thành Phật.” Thiên Chúa giáo có những câu truyện để nghiệm chứng. Kytô giáo có Phúc âm, bao gồm những công án, chẳng hạn, “Người ta không đổ rượu mới vào bì cũ,” và những dụ ngôn, thí dụ, “Mười nàng trinh nữ; ba người làm công.”

Hình như, lý do tác giả đặt vấn đề về thánh nhạc cần được viết theo khuôn mẫu nào, điều kiện chi, ảnh hưởng đến tâm tình tín đồ nên ra sao nếu so với nhạc đời mang ẩn ý cũng nghịch thường theo kiểu nói thông thường, “Đi khám bác sĩ,” hay, “Sửa sắc đẹp.” Thực ra, nói về rượu không làm cho ai lăn quay; cũng thế, bàn về lửa kẻ nghe không thể bị bỏng; giảng giải về lợi ích của thực phẩm chỉ làm thính giả thêm đói bụng. Hơn nữa, không ai có thể ăn dùm cho ai thì hiếm người thoát khỏi tội độc nhất mà Đạt Ma sư tổ mệnh danh “Tội vô minh.” Đã bao nhiêu người bên Á châu, Trung Hoa, Đài Loan, Hàn quốc, Nhật, nghiệm câu Lão học, “Người biết không nói, kẻ nói không biết” (Lão)  cả đời, và đã ra đi vào quên lãng như chưa từng bao giờ nghe đến thì thánh nhạc, trình diễn thánh nhạc, hay ca đoàn hát ở nhà thờ, cũng chỉ như “Đàn gẩy tai trâu” mà thôi, thưa tác giả Trần Thu Miên.

Đã hơn hai ngàn năm, đức Giê su rao giảng Tin Mừng Nước Trời mà mãi cho tới nay, 2020, thử hỏi, Tin Mừng Nước Trời là gì thì đã có thần học gia nào, nhạc sĩ thánh nhạc nào trả lời được chưa. Viết đôi dòng này, xin cảm ơn tác giả đã nhắc nhở và thách đố độc giả giải nghiệm câu, “Ai có tai thì nghe.” (Phúc âm), trong khi, “Người biết không nói, kẻ nói không biết,” phương chi hát; tất nhiên không hỏng thì còn tệ hơn không!

Lã Mộng Thường

Lập riêng

Đầu đông se nhịp ngủ hàn

cái huyền trong gió

mênh mang bụi bờ

nghe mình rượi rã

tình

thơ

từng con chữ lấm có chờ được đâu

ý hoang sờn lạnh một mầu

chuyến đi của lá

về sâu bụi lầm

cộng

trừ

nhân một phiến âm

nhìn nhau tuyết cũng vô ngần

thế thôi

h o à n g  x u â n  s ơ n

12.11.20

Tiểu sử Nghệ Sĩ Hoàng Long

Tên thật : Lương Đức Thọ

Sinh ngày 28 –5 – 1936

Tại Hà Nội.

Di cư vào Nam năm 1943

Sinh hoạt văn nghệ tại Saigon năm 1953

Trình diễn tại đài phát thanh Pháp Á

Đài phát thanh Quân Đội Saigon

Đài phát thanh Sài Gòn

Phụ trách chương trình văn nghệ trong chương trình Thép Súng của đài truyền hình Việt Nam băng tần số 9

Phụ diễn trong chương trình ca nhạc tuyển lựa ca sĩ tại rạp Quốc Thanh  và Thống Nhất – Saigon.

Gia nhập Tổng Ủy Công Dân Vụ 1956

Đã cộng tác với các ban kịch:

–           Nhân dân Kịch đoàn

–           Ban kịch Phong Lan

–           Ban kịch Trắng Đen

–           Ban kịch Bích Thuận

–           Ban kịch Kim Cương

–           Ban kịch Thẩm Thúy Hằng

Ngâm thơ trong chương trình thi văn Tao Đàn

Gia nhập binh chủng Không Quân trong khối Chiến Tranh Chính Trị.

Cộng tác với Thông Tin Hoa Kỳ của cơ quan Justpao.

Sinh hoạt điện ảnh năm 1957

Đã tham gia đóng phim của các đạo diễn:

Lê Mộng Hoàng.

Lê Hoàng Hoa

Lưu Bạch Đàn

Nguyễn Văn Trường

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 nghệ sĩ Hoàng Long cùng chung số phận với một số nghệ sĩ khác phải sinh sống bằng nghề bán chợ trời tại quận 3 Saigon.

Năm 1978 vượt biên và bị bắt tại kinh 7 rừng U Minh bị tù 2 năm được trả tự do năm 1980.

Tháng 3 năm 1981 vượt biên  và đến được Hoa Kỳ định cư tại California.

Năm 1984 chuyển âm phim bộ HongKong của các hãng sản xuất TVB, Á Châu, Đài Loan, International.

Năm 1988 đến 1996 tham gia ban AVT cùng với nghệ sĩ lão thành Lữ Liên và Trường Duy.

Năm 1998 chuyển sang định cư tại Massachusetts. và giúp các hội đoàn trong các  chương trình  văn nghệ gây quỹ cứu trợ đồng bào bị bão lụt tại quê nhà. Và trong các buổi gây quỹ tương trợ khác.

Nghệ sĩ Hoàng Long còn tham gia trong các hội đoàn thể:

–           Hội viên hội Diên Hồng Mass.

–           Hội phó Hội Không Quân Mass.

–           Hiện nay là cộng tác viên của đài phát thanh TNT  Mass.

Vài hình ảnh sinh hoạt
của nghệ sĩ Hoàng Long tại bang Massachusetts

Nhân vụ lũ lụt miền Trung xin đọc lại một bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc từ năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị

NƯỚC MỘI, RỪNG XANH VÀ SỰ SỐNG

Nguyên Ngọc

Thứ Năm, 18/2/2010, 10:13

(TBKTSG) – Câu chuyện này nói vào đầu xuân có thể hơi buồn, nhưng nghĩ kỹ lại có lẽ cũng có chỗ thích hợp, bởi vì đây là câu chuyện về màu xanh, màu của mùa xuân xanh. Của sự sống.

Quê tôi ở vùng Nam Trung bộ, đúng cái đoạn mà một nhà thơ từng thống thiết gọi là “dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Ở đấy, miên man mấy trăm cây số ven biển là những cồn cát lớn, nơi trắng phau một màu trắng tinh khiết đến khó tin, nơi vàng rộm ngon lành trong nắng cháy. Làng cũng là làng trên cát; con người sống trên cát, tử sinh cùng với cát.

Tôi có đọc một ít lịch sử và tôi biết, lạ vậy, toàn cát vậy, nhưng đấy vốn không phải là một vùng đất nghèo. Từng có cả một vương quốc thịnh vượng trên dải đất này. Một vương quốc nông nghiệp và hải dương. Có lẽ một trong những bí quyết thịnh vượng của vương quốc ấy là nước, mà thiên nhiên đã rất thông minh giữ và dành cho dải đất thoạt nhìn thật khô cằn này, và con người thì cũng thật thông minh hiểu được món quà quý của đất trời, biết tận dụng lấy cho mình.

Cho đến chỉ cách đây đâu khoảng chưa đến nửa thế kỷ, ở quê tôi vẫn còn một kỹ thuật nông nghiệp rất đặc biệt, tinh tế và thú vị, gọi là kỹ thuật “tưới nước mội”, người Việt học được của người Chăm khi đi vào Nam.

Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành. Ở đây người ta vỡ ruộng ngay trên cát, các đám ruộng được gọi là “thổ”, những đám thổ trồng đủ các loại hoa màu. Ở góc thổ bao giờ cũng có một chiếc ao nhỏ, cạn thôi, nhưng quanh năm lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay gắt nhất.

Nước mội từ trong lòng cát rỉ ra, nhẹ nhàng, chậm chạp, từ tốn, mà bất tận. Những chiếc ao nước mội, những con mắt ngọc xanh rờn, mát rượi của đất đai, làng mạc, đồng ruộng quê tôi. Nhỏ nhoi và thầm lặng, chính chúng nuôi sống nền nông nghiệp từng trù phú của vương quốc xưa, và của cả cha ông chúng tôi nữa khi họ đi về Nam…

Champa cũng là một vương quốc biển, từng dong thuyền đến những đại dương xa, và từng có những cảng quốc tế rộn rịp trên suốt dọc bờ biển của mình. Những người có đôi chút kiến thức về giao thương biển đều biết rằng một trong những điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của một cảng biển quốc tế là nước ngọt, phải rất dồi dào nước ngọt. Những con tàu lang thang nhiều tháng trời trên các đại dương mặn chát, lắm khi chẳng vì mua bán gì cả, vẫn phải ghé lại các cảng ven bờ để “ăn” nước ngọt.

Và trên dải cồn cát miên man của mình, người Chăm là những người thiện nghệ nhất thế gian về nghề tìm mạch nước, đào và thiết kế giếng nước ngọt. Họ như có con mắt thần, có thể nhìn thấy đường đi của nước ngọt âm thầm trong lòng đất, những dòng nước mội. Chính hệ thống giếng nước ngọt thánh thiện và tuyệt vời – từ nước mội bất tận rỉ ra mà có – đã tạo nên vương quốc đại dương Champa, tôi nghĩ nói thế cũng chẳng hề quá đáng đâu…

Từ nhỏ, là dân vùng cát cháy miền Trung, tôi đã có hạnh phúc được biết nước mội, nếm nước mội, ăn nước mội, sống và lớn lên bằng cây cỏ được nuôi bằng nguồn nước mội ân huệ bất tận.

Của trời.

Rồi về sau, cuộc đời lại đã cho tôi một may mắn khác: tôi hiểu hóa ra “trời” không phải là một đấng trừu tượng thần bí nào, mà là một thực thể sống động, khổng lồ, cường tráng, hùng vĩ…, mà lạ thay, cũng lại rất mong manh, hết sức mong manh, ngày càng đang trở nên cực kỳ mong manh!

Trường Sơn. Tây Nguyên.

Tôi đã được đi đến nơi đó và gắn bó hơn nửa cuộc đời của mình ở đó.

Hóa ra có một “bí mật” to lớn: ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung chính là nơi đó, Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên.

Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành”, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia. Cho các vương quốc, các triều đại, các nhà nước, các chế độ ra đời, phát triển, nối tiếp. Và sống còn…

Nước mội chính là những dòng nước nhỏ, liên tục, không bao giờ dứt, đi âm thầm và vô hình trong lòng đất, từ những đỉnh Trường Sơn xa xôi kia, đến tận những cồn cát tưởng chẳng thể có chút sự sống này.

Vậy đó, Tây Nguyên, ý nghĩa của Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên, dù chỉ mới là qua một khía cạnh rất nhỏ của nó, nước.

Có lẽ cũng cần nói thêm một chút nữa về điều này: không chỉ cho dải đất cát cháy miền Trung đâu. Trường Sơn có một đặc điểm quan trọng về địa hình: đường phân thủy ở đây không chạy đúng giữa mà sát ngay về phía Đông của rặng núi dằng dặc này, nghĩa là sườn phía Tây của Trường Sơn rộng hơn sườn phía Đông rất nhiều, có thể đến bốn năm lần. Tức nước từ Tây Nguyên đổ về phía Tây cũng nhiều hơn về phía Đông có thể đến bốn hay năm lần. Mà đổ về phía Tây tức là về Mêkông, về Nam bộ. Về toàn miền Nam.

Trong một chừng mực nào đó, Tây Nguyên, rừng Tây Nguyên có ý nghĩa quyết định đối với toàn miền Nam về tất cả các mặt. Nếu chỉ nói một mặt nước thôi, thì có lẽ cũng nên nhớ: nước ở miền Tây Nam bộ, ở Cà Mau kia, cũng có thể là nước mội từ Mẹ Rừng Tây Nguyên chắt chiu đưa về đấy, cho mênh mang vùng đất lúa của cả nước ấy không bị nhiễm mặn…

Hàng ngàn đời nay có những con người đã sống ở đây, gắn bó ruột thịt với rừng và đã tạo nên cả một nền văn hóa đầy minh triết bắt nguồn chính từ sự gắn bó ấy. Để bày tỏ đôi lời thật giản lược về nền văn hóa ấy và những con người ấy, chắc có thể nói vắn tắt như thế này: người Tây Nguyên không bao giờ coi rừng là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên, rừng. Đơn giản, rừng đối với họ là tất cả, là mẹ, là cội nguồn của sự sống. Mà họ kính trọng và tôn thờ.

Chúng ta, những người tự coi là rất văn minh, rất khoa học, chúng ta biết nước là nguồn gốc của sự sống, nhưng chúng ta không biết, biết bằng hành vi cụ thể chứ không phải bằng lý lẽ to tát, rằng không có rừng thì cũng chẳng có, chẳng còn nước, nghĩa là cũng chẳng còn có sự sống, chúng ta không biết cái chân lý sơ đẳng và đơn giản ấy. Nhìn thấy rừng là con mắt ta hau háu nhìn thấy gỗ, gỗ, gỗ… Và hết gỗ rồi, bây giờ, thấy tài nguyên khác… Hau háu, hung hăng, hỗn hào chặt phá, và hết chặt phá, chẳng còn gì để chặt phá nữa thì đào bới…

Ở quê tôi, nay đã kiệt nước mội rồi. Chi tiết rất nhỏ ấy thôi, vậy đó, lại đang là tai họa tày trời!

Chắc chưa ai quên vụ lũ kinh hoàng ở Phú Yên vừa rồi. Cả thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu chìm trong nước sâu. Gần trăm người chết. Ruộng đồng tan hoang… Một vị có trách nhiệm rất cao giải thích: Ấy là vì biến đổi khí hậu toàn cầu, và lại nữa, vì nhân dân mất cảnh giác. Tại trời và tại dân, trời thì ngày càng tai ác, còn dân thì mãi ngu dốt! Có một chi tiết hẳn ở cương vị của ông ấy, ông ấy ắt phải biết nhưng lại không thấy ông nói: năm 2009, ở Phú Yên áp thấp nhiệt đới gây mưa 330 mi li mét; năm 1991, cũng tại chính Phú Yên này, mưa 1.300 mi li mét, gấp hơn ba lần. Năm 1991 không có gì đáng kể, năm 2009 lại là tai họa khủng khiếp, vì sao?

Ở miền Trung – mà ở cả nước đều vậy – ngày xưa chỉ có lụt và lụt là mùa rất vui, thậm chí thân thiết, mỗi năm lại trở lại một lần, người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam bộ thuở nào.

Ngày nay không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ rất khác lụt, lũ là nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ cho đến nỗi, như vừa rồi, có người đã leo lên trần nhà rồi còn chết ngạt trong ấy vì không kịp dỡ mái để leo lên nữa! Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng.

Tất nhiên ngày xưa cũng có lũ, nhưng chỉ trong những năm mưa đặc biệt lớn, cả đời một con người chỉ chứng kiến vài lần. Ngày nay hễ đài vừa báo áp thấp nhiệt đới, thậm chí chỉ áp thấp, là cả nước đã rùng rùng lo chống lũ, sập núi, trôi rừng…

Con số 1.300 li năm 1991 và 330 li năm 2009 là con số hùng hồn, nó nói rằng vụ Phú Yên vừa rồi không phải chủ yếu do biến đổi khí hậu toàn cầu, không phải do trời, như lời giải thích uyên bác của vị quan chức nọ.

Do người. Do cơ chế nước mội tinh tế, tinh vi, thông minh, nhân hậu tuyệt vời của thiên nhiên đã không còn, đã bị phá vỡ, đã bị con người triệt diệt bằng cách triệt diệt rừng. Rừng Tây Nguyên. Trong một cuộc trao đổi ở Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Trung ương vừa rồi, nhiều chuyên gia đã cảnh báo: không chỉ có nguy cơ lũ quét đâu, sau lũ quét sẽ tiếp đến nguy cơ hạn hán sẽ còn khốc liệt, tai hại hơn. Bởi vì nước mội và lụt hàng năm hiền lành là cùng một cơ chế, cùng một tác giả: Rừng. Rừng Tây Nguyên.

Trong hơn 30 năm qua, chúng ta đã làm xong một công việc to lớn: cơ bản phá hết, cạo sạch đến tận cùng rừng tự nhiên trên cái mái nhà sinh tử của toàn Đông Dương này. Đã quét sạch xong hết trên mặt đất, bây giờ đang bắt đầu moi sạch nốt dưới lòng đất. Cao su tuyệt đối không phải là rừng, không sinh ra cơ chế nước mội. Các khu công nghiệp của công nghiệp hóa và hiện đại hóa càng tuyệt đối không phải là rừng. Một quy luật vận hành ổn định, điều hòa, thông minh của tự nhiên đã bị triệt diệt, nhanh và cơ bản hơn tất cả mọi giai đoạn từng có trong lịch sử. Một quy luật khác đã được thiết lập, quy luật của hỗn loạn.

Hãy nhìn lên cái mái nhà chung kia mà bao nhiêu thế hệ nhiều ngàn năm qua đã giao lại cho chúng ta, trên ấy đã mất hết màu xanh của sự sống.

Có còn cứu được không?

Còn, với một điều kiện: biết giật mình, dừng lại, bắt đầu lại.

Cũng cần nói: hầu hết các nước mà ngày nay ta gọi là những nước phát triển đều đã đi qua “con đường đau khổ”, cũng từng tàn phá hết rừng trên mặt đất và đào bới tàn bạo lòng đất, ở nước họ, rồi ở các nước khác. Chỉ có điều, gần một thế kỷ trước họ đã giật mình dừng lại, và từ đó bắt đầu làm lại, khôi phục lại màu xanh cho đất đai, núi non của họ.

Đi sau, chúng ta có thể khôn ngoan hơn như lẽ ra phải thế. Sự vội vã, kiêu căng, và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Đang còn tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta vẫn còn hăng lắm trong việc chặt phá nốt đôi chút còn lại và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.

Cần ngay bây giờ chấm dứt mọi khai phá ở Tây Nguyên. Cần nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác. Trên cả nước. Trước hết trên mái nhà sinh tử Tây Nguyên. Bắt đầu lại một công cuộc cứu lấy Tây Nguyên. Bắt đầu một sự nghiệp to lớn trồng lại rừng Tây Nguyên, trong một trăm năm, quyết liệt, kiên định, thông minh, với những kế hoạch cụ thể, cho 50 năm, 20 năm, 10 năm, 5 năm, toàn Tây Nguyên, từng tỉnh, từng huyện, từng xã, từng làng.

Khôi phục lại màu xanh cho Tây Nguyên.

Bắt đầu ngay từ hôm nay, mùa xuân, mùa của màu xanh, của sự tỉnh táo, khôn ngoan.

Cho đến một ngày, có thể một trăm năm nữa, con cháu chúng ta sẽ có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước mội trong veo mát lạnh rỉ ra từ đất cát và ngửa cổ uống ngon lành. Và biết rằng cha ông chúng từng rất dại dột, nhưng rồi cũng đã từng biết khôn ngoan, để cho sự sống từng sắp bị triệt diệt, lại được cứu, lại sinh sôi, phát triển, trường tồn.

Nguyên Ngọc

THƠ CHO NGÀY HAI MƯƠI THÁNG MƯỜI NĂM LŨ LỤT… .

phụ nữ đâu? phụ nữ đây
đôi tay gầy yếu em bây giờ chờ
mẹ thì đêm thức phạc phờ
dại thơ trẻ nhỏ dật dờ đói meo

phụ nữ đâu? phụ nữ leo
nóc nhà cùng với bầy nheo nhóc ngồi
cây không còn đứng trên đồi
chỉ trơ đất cát trọc bồi lũ lên

phụ nữ đâu? phụ nữ quên
mình ên yếu đuối tình bên bí bầu
ngựa đau đau cả máng tàu
lòng nào vui đặng khi sầu nước dâng

phụ nữ đâu? phụ nữ dân
nghèo nên phải khổ tấm thân vốn dường
những lời chúc tụng hoang đường
đổi xin cơm áo nơi thường bão vây

phụ nữ đâu? phụ nữ đây
mái đầu bạc trắng màu mây khóc đời… .

Phạm Hiền Mây

DẬY ĐI CON…..!


Dậy đi con.. ra Huyện ngắm cổng chào..
Mới xây xong to cao đẹp lắm đấy
Không giống như cột điện bị gió đẩy
Bão nhẹ thôi đã bị gẫy làm đôi
Cổng trường con các bạn nghịch đổ rồi
Để vài bạn giờ thôi không học nữa
Dậy đi con.. sắp sửa được uống sữa
Cán bộ trên đã hứa chuẩn bị cho..
Dậy đi con…mẹ đi bán con bò..
Mua bao tải sách to… vào lớp một
Sách tham khảo Bộ bảo giờ rất tốt..
Chục quyển dày không học dốt nữa nghe..
Dậy đi con lớp học có mái che..
Thủng vài chỗ bàn ghế què.. nền nhão.
Xin ông trời đừng có làm mưa bão..
Đừng gió lùa làm ướt áo con tôi..
Dậy đi con trống trường đã điểm rồi
Tiền đánh trống hơn trăm thôi… quy định
Tết trung thu ngắm trăng xuông là chính
Bánh kẹo ư.. để Huyện Tỉnh sắp cho..
Dậy đi con.. đi ngắm cổng chào to…
Con xin Mẹ… cho con no đủ bữa
Bớt cổng chào cho con xin hộp sữa
Bớt tượng đài cho con nửa Bánh trung thu..

Vũ mạnh Cường

PHÂN ƯU

IRVINE, California (NV) – Nhà văn Nhật Tiến vừa qua đời lúc 11 giờ 26 phút trưa ngày 14 Tháng Chín, 2020, (tức 27 Tháng Bảy, Canh Tý), tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi, theo loan báo của gia đình.

Nhà văn Nhật Tiến qua đời chỉ ít ngày “sau sự ra đi của hiền thê là nữ văn sĩ, dịch giả Đỗ Phương Khanh vào ngày 26 Tháng Tám vừa qua,” gia đình cho hay.

Nhà văn Nhật Tiến. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Dưới đây là tiểu sử nhà văn Nhật Tiến theo công bố của gia đình.

“Nhà văn Nhật Tiến tên đầy đủ là Bùi Nhật Tiến, sinh ngày 24 Tháng Tám, năm 1936, tại Hà Nội – là tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam. Ông là tác giả tiếp nối của dòng văn học Tự Lực Văn Đoàn; và, bằng chính đời sống và sáng tác của mình, ông mở rộng những chủ đề và cả phong cách sáng tác theo dòng lịch sử đất nước. Có thể nói, lịch sử đặt ông vào những biến cố lớn của đất nước, để từ đó, thông qua ngòi bút của mình, ông trở thành tiếng nói của thời đại mà chính ông và gia đình là những nhân chứng sống. Năm 1954 ông di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt, rồi Sài Gòn. Vượt biển vào Tháng Mười, 1979, và tỵ nạn tại Songkhla (Thái Lan) chín tháng. Ông và gia đình định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980.”

“Về sự nghiệp văn chương, ông đoạt Giải Nhất Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1960-1961, với tác phẩm Thềm Hoang. Trước đó, năm 1952, truyện ngắn của ông lần đầu xuất hiện tại Hà Nội trên nhật báo Giang Sơn và những vở kịch trên tuần báo Cải Tạo năm 1953-1954. Tại Đà Lạt, năm 1954-1955, ông tiếp tục viết kịch truyền thanh cho đài radio tiếng nói của Ngự Lâm Quân. Từ năm 1958, tại Sài Gòn, 1958, ông tham gia Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên.”

Trước năm 1975, tại Việt Nam, ông từng viết cho: Giang Sơn, Cải Tạo, Thời Tập, Chánh Đạo, Bách Khoa, Văn, Tân Phong, Văn Học, Đông Phương. Tại hải ngoại, từ năm 1980 đến nay, ông được mời xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang web. Riêng tại California, ông đã từ viết cho: Người Việt, Sài Gòn, Văn Nghệ, Hợp Lưu, Văn Học, Việt Tide, Vietstream, Khai Phóng, Chấn Hưng, Việt Nam Hải Ngoại. Ngoài ra, ông còn có tác phẩm trên Đất Mới (ở Seattle), Ngày Nay (ở Kansas City), Xác Định (ở Virginia). Xa hơn, bên ngoài Hoa Kỳ, ông có bài trên Chuông Saigon, Việt Luận, Chiêu Dương phát hành tại Úc châu, Lửa Việt tại Canada, Độc Lập tại Tây Đức), và Đường Mới, Quê Mẹ tại Pháp.

Tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại: Truyện dài, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, kịch-tiểu thuyết kịch. Đặc biệt, những năm sau này ông làm công việc khảo cứu gần như là văn học sử qua các tác phẩm Ghi Chép và Tiểu Luận.

Ngoài viết văn, ông còn là nhà giáo. Ông dạy học, và tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội khác. Ông là người viết thỉnh nguyện thư và sau trở thành thành viên của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), từ năm1980 đến 1990.

Các tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến đã phát hành.

Truyện dài:

-Những Người Áo Trắng (1959)

-Những Vì Sao Lạc (1960)

-Thềm Hoang (1961)

-Mây Hoàng Hôn (1962)

-Chuyện Bé Phượng (1964)

-Vách Đá Cheo Leo (1965)

-Chim Hót Trong Lồng (1966)

-Tay Ngọc (1968)

-Giấc Ngủ Chập Chờn (1969)

-Quê Nhà Yêu Dấu (1970)

-Mồ Hôi Của Đá (1988)

Truyện ngắn:

Đã viết hơn 100 tác phẩm, một số được giới thiệu trong các tuyển tập…

-Những Bước Tiên Của Tôi (1951, tuyển tập truyện và thơ chép tay đã thất truyền)

-Ánh Sáng Công Viên (1963)

-Giọt Lệ Đen (1968)

-Tặng Phẩm Của Dòng Sông (1972)

XEM THÊM

Nhà văn Đỗ Phương Khanh, quản lý trị sự tuần báo Thiếu Nhi,…

Aug 28, 2020

-Tiếng Kèn (1982)

-Một Thời Đang Qua (1985)

-Cánh Cửa (1990)

-Quê Nhà – Quê Người (1994, in chung với nhà văn Nhật Tuấn)

-Mưa Xuân (2013)

Truyện thiếu nhi:

-Lá Chúc Thư (truyện dài, 1969)

-Theo Gió Ngàn Bay (truyện vừa, 1970)

-Quà Giáng Sinh (truyện vừa, 1970)

-Đóa Hồng Gai (truyện vừa, 1970)

-Kể chuyện Tấm Cám (truyện ngắn, 1970)

-Ngày Tháng Êm Đềm (truyện vừa, 1972)

-Đường Lê Núi Thiên Mã (truyện dài, 1972)

-Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (hồi ký, 1973)

Kịch & tiểu thuyết kịch:

-Người Kéo Màn (tiểu thuyết kịch, 1962)

-Hạ Sơn (kịch lửa trại, 1973)

-Công Lý Xã Hội Chủ Nghĩa (kịch một màn, 1988)

-Một Buổi Diễn Kịch (truyện ngắn kịch, 1990)

-Một Khoảnh Đời Thường (kịch một màn, 2013)

-Ông Giáo Hồi Hưu (kịch một màn, 2013)

Ghi chép-Tiểu luận:

-Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (1981, viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy)

-Thuyền Nhân – Vài Trang Bi Sử (2008)

-Hành Trình Chữ Nghĩa (2012)

-Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2012)

-Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012)

-Một Thời… Như Thế (2012)

-Từ Hội Bút Việt Đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (2016) [kn]

TRU DI TAM TỘC HÀNH

Tru di ta viết một bài hành
Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
Giúp nhà Lê mã đáo công thành
Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
Giết đời cha, con, cháu cho đành
Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
Công thần thua một lũ hư danh
Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

Tru di ta viết một bài hành
Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh
Hai con án chết đầy oan khốc
Một cháu chung thân xử rành rành
Tam tộc một đời đi theo Đảng
Tưởng thời phong kiến mới lưu manh
Không ngờ thế kỷ 21
Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

Tru di ta viết một bài hành
Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

Bùi Chí Vinh
15-9-2020

PHÂN ƯU

Nhà văn Huỳnh Phan Anh qua đời

Tên thật : Huỳnh Thành Tâm

Quê qua’n : Sàigòn

Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam

Dịch thuật , viết lý luận phê bình & sáng tác

Sáng tác :

-Người đồng hành ( tập truyện , Nxb Đêm Trắng )

-Văn chương và kinh nghiệm hư vô ( lý luận phê bình , Nxb Hòang Đông Phương )

-Phía ngoài ( tập truyện viết chung với Ng Đình Toàn , Nxb Hồng Đức )

– Những ngày mưa ( truyện vừa , Nxb Đêm Trắng )

Dịch thuật :

– Một mùa địa ngục ( thơ Arthur Rimbaud , Nxb Văn Học )

– Tuyển thơ tình yêu ( Paul Eluard , Nxb Hội Nhà Văn )

– Thơ Yves Bonnefoy ( Nxb Hội Nhà Văn )

– Chuông gọi hồn ai ( tiểu thuyết , Ernest Hemingway , Nxb Văn Học )-

– Tình yêu bên vực thẳm ( tiểu thuyết , Erich Maria Remarque , Nxb Trẻ )

– Sa mạc ( tiểu thuyết , J.M.G Le Clézio , Nxb Hội Nhà Văn )

– Lạc lối về ( tiểu thuyết , Heinrich Boll , Nxb Văn Nghệ )

– Tình yêu và tuổi trẻ ( tiểu thuyết , Valery Larbaud , Nxb Trẻ )

– Những cuộc đời tỏa sáng ( nghiên cứu , André Maurois , Nxb Trẻ )

Văn Túy Hồng

  • Trần Doãn Nho

Tranh Tạ Tỵ vẽ Nhà văn Túy Hồng và thủ bút

Nhà văn Túy Hồng vừa qua đời vào hôm 19-7-2020, tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, để lại một niềm luyến tiếc sâu xa trong lòng những người yêu mến văn chương của chị. Đã có rất nhiều bài viết phân tích, hồi ức, chia xẻ cũng như tưởng nhớ chị trên nhiều trang mạng ở trong và ngoài nước. Bài viết ngắn này, giới hạn trong việc phân tích qua vài đặc điểm trong cách viết của chị, là một nén hương lòng thắp lên tiễn biệt một nhà văn Việt Nam mà cũng là một người đồng hương tài hoa, xuất sắc.

Bàn về cách viết của Túy Hồng, nhà nghiên cứu văn học Tôn Nữ Nha Trang cho rằng, “Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng.[1]

            Không khác mấy với nhận định trên, nhà văn Lê Thị Huệ nhận xét rằng khi viết, “chị tuôn ra những giòng chữ như những chiếc búa nện vào thảm chữ. Chị tung hê như bóc từng tế bào văn chương trong người vứt vào tác phẩm. Và kệ chúng ra sao thì ra. Tôi gọi đấy là văn chương văng mạng của Túy Hồng.” So sánh với năm nhà văn nữ hàng đầu của văn chương miền Nam trước 1975, “Túy Hồng là nhà văn nổi bật nhất với một giọng văn đa chữ đa ảnh đa so sánh.[2]

Tuy nhiên, cũng theo Lê Thị Huệ, “…vì mải mê chinh chiến với giọng văn quá nên các tác phẩm Túy Hồng xuất sắc về giọng văn, lại thiếu chiều vĩ đại và sâu thẳm suy tưởng cho nội dung một tác phẩm văn chương rộng lớn.” Tôi phần nào đồng ý với nhà văn Lê Thị Huệ trong nhận định này. Quả là, văn phong Túy Hồng gần như lấn át hẳn, hay nói cho đúng, che mờ hẳn một số đặc tính khác của tác phẩm văn chương như chiều sâu tư tưởng, đề tài hay cung cách xây dựng hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, theo tôi, cái lớn, cái đặc sắc của văn chương Túy Hồng nằm ngay trong ngôn ngữ hay nói cho chính xác, trong cách Túy Hồng khai thác và vận dụng ngôn ngữ, điều mà đôi khi ít tìm thấy trong các tác phẩm lớn khác.

            Đọc văn Túy Hồng, nghe như có hơi, có mùi, có màu, có vị. Ngọt ngọt chua chua, đắng đắng, cay cay, hồng hồng, xám xám, đen đen, đỏ đỏ. Chị viết như nước chảy, mà khi nào cũng chảy mạnh, chảy tuôn trào, chảy xiết, ít khi trôi lờ đờ hay rơi từng giọt nhỏ. Đọc chị, ta có cảm tưởng như chị kể chuyện rào rào, cái này nối tiếp cái kia, chuyện này đeo theo chuyện nọ không dứt, đôi khi chẳng cần mất công chuyển mạch, chẳng cần phải vòng vo, nói quanh nói quất. Chị vọc giỡn với chữ một cách hồn nhiên như nhiên, đùa cợt, tung lên hứng xuống. Các đối thoại của chị trực tiếp, tức thì, chính xác y như chị bê nguyên hiện thực bên ngoài bỏ lên trên trang giấy.

Trước đây, trong một bài phân tích về cách viết của Trần Thị NgH, tôi có đề cập đến văn phong của nhà văn nữ này qua cách sử dụng khẩu ngữ và ví von.[3] Túy Hồng cũng vậy, nhưng nhiều hơn, thường xuyên hơn và cá biệt hơn. Một là, chị có biệt tài sử dụng ngôn ngữ Huế, cả phương ngữ lẫn khẩu ngữ, nhiều chỗ rặt cả Huế, nhất là trong phần đối thoại; và hai là, khi sử dụng hình thức ví von, nhiều lúc, có những ví von rất táo bạo, rất bất ngờ với một số lượng khá lớn khiến cho cách viết của chị trở nên phong phú, độc đáo và hấp dẫn. Xin được đề cập đến hai đặc điểm này qua các trích dẫn dưới đây rút ra từ vài tác phẩm của chị: Tôi nhìn tôi trên vách (TNTTV), Hơi thở rướn cong (HTRC), và Buổi chiều nghiêng không thẳng, chiều tà (BC).

Ngôn ngữ Huế

Văn chương Túy Hồngdựng nên một chân dung Huế, rất Huế, đọc vào là thấy Huế, đụng chạm Huế không “chạy vào đâu được.” Để có một đối chiếu, ta thử đọc một nhà văn nữ xứ Huế khác thuộc thế hệ hậu sinh của Túy Hồng, Trần Thùy Mai. Qua tập truyện ngắn “Thương nhớ Hoàng Lan”[4]  chẳng hạn, ta thấy chất Huế, tính Huế, vị Huế và hồn Huế bao trùm trong hầu hết các truyện, từ địa danh, nhân vật cho đến tâm tình và cung cách ứng xử. Khung cảnh trong truyện gần gũi, quen thuộc có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống Huế hằng ngày, đến nỗi nếu là người Huế, ai cũng mường tượng chúng xảy ra ở đâu, vận vào loại người nào. Tuy nhiên, dù cũng đề cập đến những mối tình ngang trái, những vụ tai tiếng lăng nhăng tình ái (giữa ông thầy tu và cô học trò chẳng hạn), những xung đột cũ-mới, quan gia-dân dã trong gia đình hay ngoài xã hội, nhưng Huế của Trần Thùy Mai hiền lành, e ấp, từ tốn, nhẹ nhàng, có hở có kín, mờ mờ ảo ảo. Trong lúc đó, Huế của Túy Hồng dữ dội hơn, bộc trực hơn, hở hang hơn và da diết hơn. Đến nỗi, khi đọc văn chị, nhất là đối với người Huế, ta có cảm giác có thể nghe, có thể sờ, có thể nắm, có thể nhìn, có thể chạm ngay từng tế bào Huế, từng nỗi niềm Huế, từng chân tơ kẽ tóc Huế, từ gia đình ra ngoài xã hội, từ phong tục tập quán cho đến những biến động liên miên ở Huế suốt một thời gian dài, từ đầu thập niên 1960 cho đến ngày chế độ VNCH sụp đổ. Đọc là thấy Huế hiện ra ngay lập tức, trực tiếp, tưởng như không phải qua một trung gian nào, kể cả chính ngôn ngữ.

Chẳng lạ gì, khi đọc Túy Hồng là tôi có thể hình dung ra tôi, tìm thấy chính tôi và tất cả những quan hệ chằng chịt mà cái thế giới Huế vừa u uẩn vừa nồng nàn, vừa nghiêm cẩn lại vừa hoang đàng, vừa lặng lờ lại vừa dữ dội và sôi động ấy hình thành nên – cái thế giới đã từng nuôi tôi lớn lên một thời mà bây giờ, chao ơi, vô cùng xa khuất.

  • Sư cụ ở trên đi xuống hét: ‘Cái thằng thiên tinh dịch vật, không được đánh đũa… người ta kiêng, đũa đánh nhau là người đập lộn. Tụi bay ưng có xích mích hả, tụi bay ưngcó chào xáo, ưng có đánh lộn đập bậy à?” (HTRC)

Nhiều nhóm chữ hay chữ trong câu trên (tôi gạch dưới) nằm trong cách nói thông thường hàng ngày, một loại khẩu ngữ, ở Huế. “Thiên tinh dịch vật”= du đãng, ba trợn, có thể dùng một nhóm chữ khác cùng một ý: “trời đánh thánh đâm” hay “thiên lôi địa tướng”; “Ưng” = muốn, thích, yêu. (ví dụ: Mi ưng thằng nớ rồi phải không? = Con yêu anh chàng đó rồi phải không?)

  • Sư cụ mắng xong hừ hừ đi lên còn lẩm bẩm hai cái thằng thiên vương la sát. Chú Tân chú Lý xới cơm dưới nồi cho vào cái vịm đạp lại. Chú lấy cái khay tróc sơn chắt chút tương vô chén mang lên đứng hầu ông thời một lát rồi ông cho xuống bếp ăn với chú Tân.” (HTRC)

“Thiên vương la sát” nghĩa cũng tương tự như “thiên tinh dịch vật”, “đâm cha chém chú” hay “trời đánh thánh đâm”; “chắt” = chiếc ra, vớt ra, múc ra; “thời” = ăn (dùng cho người lớn tuổi hay quyền cao chức trọng); “vịm”: đồ đựng đồ ăn bằng đất nung, tráng men, có nắp đậy.

  • “Em hết cả rồi, em phá sản hết trơn hết trụi rồi.” (HTRC) (Hết trơn hết trụi = không còn gì cả).
  • “Sao tôi xấu xi thế này, xấu đoản, xấu xa xấu xí.”  (TNTTV) (Xấu đoản (hậu) = quá xấu).
  • “Con mần thinh chưa cãi cọ lại gì cả.” (TNTTV) (Mần thình = làm thình, im lặng).
  • “Nói tầm bậy tầm bạ hồi nào đâu, nói trúng lỗ rốn cái phóc.” (TNTTV).  (Nói tầm bậy tầm bạ = nói ẩu; nói trúng phóc cái lỗ rốn = nói ngay chóc).
  • Đồn chi mà đồn độc, thấy con gái người ta đẹp rồi đồn độc. (TNTTV). (Đồn độc = lời đồn độc địa, ác).
  • Ôi! Những cơn mơ trật bậy trật bạ hết cả. (HTRC) (Trật bậy trật bạ = trật lất, trật hoàn toàn).
  • Con gái mình (…) sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy… (TNTTV). (Ế rình = rất ế, không ai đến tán tỉnh, hỏi cưới)

Ví von: “NHƯ” và không “NHƯ”

Tôn Nữ Nha Trang cho rằng Túy Hồng phong phú trong “so sánh và ẩn dụ”, còn Lê Thị Huệ cho rằng  giọng văn Túy Hồng “đa so sánh”. Tôi sử dụng một chữ khác, ví von. Ví von là diễn tả một sự vật/sự kiện bằng cách so sánh nó với một sự vật/sự kiện khác tương tự hay được cho là tương tự, giúp cho ta dễ hình dung sự vật được mô tả. Trong những trích dẫn sau đây của Túy Hồng, tôi viết hoa chữ “NHƯ” để nhấn mạnh:

  • Hai vợ chồng cùng gầy nhom một cặp NHƯ cò hương. (HTRC) (Ví von cái gầy của hai vợ chồng với cái khẳng khiu của hai chân loại một loại cò).
  • Cha Thịnh thật no béo, no béo NHƯ vịt bầu và dáng đi của cha đẹp NHƯ dáng ngựa bước chậm. (HTRC). (Ví von cái bụng to của ông linh mục với cái bụng núng na núng nính của con vịt bầu).
  • Mi rờ cái mặt của tao mà coi, mịn NHƯ sắn hấp, mát NHƯ bột lọc. (HTRC) (Ví von cái mịn của da mặt như cái mịn của củ khoai mì (sắn) mới nấu xong, cái mát của da như cái mát của bột khoai mì xay).

Những ví von như trên là so sánh hai sự vật cụ thể mà ai cũng có thể chấp nhận và hiểu ngay. Tuy nhiên cũng là sự việc cụ thể nhưng được đẩy đi xa hơn:

  • Học trò của cha Thịnh đứa nào cũng kính trọng cha NHƯ người nước Lỗ tôn thờ Đức Khổng Tử. (HTRC) (Ví von quan hệ học trò-cha Thịnh với quan hệ người nước Lỗ-Khổng Tử).
  • Buổi sáng dễ dàng qua đi NHƯ người ta ăn hết nửa trái mít (TNTTV) (Ví von buổi sáng với trái mít).

Rõ ràng là hai sự kiện mang ra để ví von rất khác xa nhau về cả bản chất, hình thể và ý niệm, đòi hỏi một kiến thức hay sự tưởng tượng rộng hơn, xa hơn mới hiểu hết dụng ý của tác giả.

Văn Túy Hồng có nhiều và rất nhiều cách viết ví von như vậy mà ta có thể tìm thấy trên bất cứ tác phẩm nào của chị:

  • Nghiễm cười nhạt NHƯ tô canh quên nêm muối (TNTTV). (Ví von nụ cười với tô canh).
  • Tôi cười giòn NHƯ mẩu bánh mì nóng tôi ăn hồi sáng (TNTTV). (Ví von nụ cười với miếng bánh mì nóng).
  • NHƯ một giọng hát ra khỏi điệp khúc buồn, những chữ đang chuốt từ từ bỗng reo rỗn rãng. (HTRC)
  • Bọn con gái sụt sụt làm NHƯ chim bồ câu tranh chỗ ngủ… (HTRC) (Một ví von hết sức lạ và bất ngờ: ví bầy con gái khóc thút thít y như bầy chim bồ câu giành chỗ ngủ).
  • Giọng giảng bài đều và phẳng NHƯ một vòi máy chảy yếu (HTRC)
  • Tiếng tăm tôi cứ nhẹ nhàng đi lên NHƯ bong bóng khinh khí (HTRC)
  • Con gái mình sẽ mốc NHƯ chanh muối không phơi nắng, sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy… (TNTTV).

Trong mấy trích dẫn này, vẫn là so sánh hai sự vật cụ thể, nhưng nếu để ý, chúng cụ thể một cách trừu tượng. Chẳng hạn, “buổi sáng”, tuy là cụ thể, nhưng thật ra ám chỉ thời gian trôi qua, một cái gì trừu tượng; cũng thế, “tôi cười giòn”, “bọn con gái”, “tiếng tăm”, “giọng giảng bài”…cụ thể nhưng bao hàm ý nghĩa trừu tượng hoặc nếu không, thì ám chỉ một ý niệm tổng quát. Những cách viết như thế này đòi hỏi một liên tưởng mạnh mẽ và một kinh nghiệm sống trực tiếp, phong phú. Con gái mình sẽ mốc như chanh muối không phơi nắng, sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy…Không làm chanh muối, sẽ không hình dung được cái mốc rất khó chịu, rất phản cảm của trái chanh muối không phơi nắng; không ở Huế lâu năm, sẽ không hiểu cái chua chát, đau đớn bao hàm trong hai chữ “ế rình”, nghĩa là con gái đã lớn rồi mà chẳng gia đình nào hay chàng trai nào đến đánh tiếng cưới hỏi. Ghép hai ý niệm “con gái ế chồng” và “cái mốc của chanh muối” là một hình thức ví von gợi hình, gợi cảm làm tăng độ mạnh của một câu than thở.

Trong đoạn văn sau đây, ta thấy nhà văn đã đẩy sự ví von đi thật xa, xa tuốt đến chỗ hoàn toàn trừu tượng, cả sự vật muốn diễn tả lẫn sự vật dùng để diễn tả, mặc dầu, rất nhiều điều trong đó là rất cụ thể:

Chị Trang, con Túc, con Uyển đã coi thầy NHƯ một mùa đông già cỗi, một buổi chiều đã xế. Thầy âm thầm, nghiêm trang, lạnh nhạt. Họ còn coi thầy NHƯ con tàu buồn thở dài trước khi đến. Họ còn coi thầy NHƯmột bản tin buồn đọc chậm. Không, thầy không NHƯ mùa đông vì mùa đông vừa buồn vừa phiền. Ngọn đông phong nửa đêm rát buốt nhức da, tê thịt dù chăn mền đã ủ kín buồng ngực. Sáng ra mặt trời đã trốn mất sau những bức thành dãy mây chì nặng trĩu. Cây cối bị bốc lột trụi! … Lá rụng tự lúc nào không ai biết. Lá rụng khi cây tự ý thở dài. Không, anh không NHƯmùa đông.” (HTRC)

            Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những câu văn ví von ở trên, tác giả đều sử dụng chữ “NHƯ”. Nhờ trung gian của chữ này mà ta biết là tác giả đang ví von cái này với cái khác. Có thể nói, chữ “NHƯ” đã trở thành một công cụ vạn năng mà Túy Hồng đã vận dụng để tạo nên văn phong riêng biệt và đắc giá của mình.

Tuy nhiên, câu văn sau đây thì cách viết có hơi khác:

  • Mũi cao theo dáng nằm một con tắc kè. (HTRC)

Không có chữ “NHƯ”, nhưng mà ý là “NHƯ”:

  • Mũi cao (NHƯ) theo dáng nằm một con tắc kè.

Cách viết đoạn văn sau đây cũng thế:

  • Em là đàn bà bấy lâu thầy thiếu, em (NHƯ) là xác thịt bấy lâu thầy nhìn, em (NHƯ) là mỡ béo bấy lâu thầy thèm, em (NHƯ) là tên đẹp bấy lâu thầy không gọi, em (NHƯ) là một vấn đề bấy lâu thầy không đặt, em (NHƯ) là nghi vấn bấy lâu thầy không ngờ. Em là Hằng, (NHƯ) một sự phá sản, một tai họa, một mưu đen, một biến cố, một sự trở mặt, một cuộc đánh úp, một vé số, một ổ vi trùng, một bịnh truyền nhiễm, một tiếng nổ. (HTRC)

Những chữ “NHƯ” đặt trong ngoặc đơn là tôi thêm vào, vốn không có trong nguyên bản. Không “NHƯ” mà vẫn có “NHƯ”. Không ví von mà thực sự là ví von. Chính sự vắng mặt của chữ “NHƯ” khiến cho văn phong trở nên hoàn toàn trừu tượng và do đó, đa hình ảnh, đa ý, đa nghĩa. Sự vắng mặt này chuyển câu văn từ “so sánh” đến “ẩn dụ”.[5]

Tóm lại, dù có “NHƯ” hay không “NHƯ”, văn ví von của Túy Hồng khiến ta có cảm giác chơi vơi, trôi nổi, chao đảo đến nỗi…chỉ biết “ngậm mà nghe”!

                                                                        *

Xin kết thúc bài viết này bằng một trích đoạn khác:

Ra đi từ độ Sài gòn mất tên, người hải ngoại thường xuyên nhớ Sàigòn, thương tha thiết thủ đô những buổi chiều trời vơi gió. Nắng Sàigòn nóng nhựa đường xích đạo, và gió hạ Lào thổi qua đùa giỡn những cánh hoa dầu xoay xoay, mây Cửu-Long sà xuống thấp trên đỉnh những cây me cây phượng, hóng chuyện nắng mưa để loan tin thời tiết cho tàu bè chạy ven biển. Tình người Việt kiều càng nôn nao nhớ nhung những quận Ba quận Bảy của Sàigòn, lòng người Việt kiều càng xốn xang hình ảnh những thôn Thới-tứ, xã Thới-tam, phường Bình Thới Hóc Môn, dạ Việt-kiều càng thương tưởng những buổi sáng sương lam nhẹ rơi khi chân nhẹ bước dọc theo Nguyễn Du Nguyên Hồng Pasteur Nguyễn Đình Chiểu ấm nắng sớm mai, tóc Việt kiều còn ánh lên những hoàng hôn thời tiết thổn thức khi trời chưa tắt nắng để rạo rực nghe vài chiếc lá khô rơi nhẹ lên vai bức tượng trước nhà thờ Đức Bà, trong lúc đâu đó êm đềm tiếng đàn Tây Ban Cầm dạo khúc nhạc Bach. Khí hậu Sàigòn năm nay hiền hoà, Việt kiều về nước uống ly chanh đường trước công viên Tao-Đàn những chiều mưa nắng hôn nhau, và ngắm những cô gái xinh xinh đèo nhau trên xe gắn máy.”

Hầu như không có chữ “như” nào, nhưng nếu tinh ý, người đọc cũng có thể tìm thấy nó vẫn thấp thoáng đâu đó. Đọc lên, ta cảm thấy chữ có hơi. Tưởng chừng có thể ngửi có thể nếm có thể thấy có thể nghe…Sài Gòn những ngày thân yêu trước khi rơi vào tay Cộng Sản.

Đoạn văn này trích từ một truyện ngắn, với một tựa đề cũng rất “Túy Hồng”: Buổi chiều nghiêng không thẳng, chiều tà.

Xin giã biệt chị, nhà văn Túy Hồng!

TDN

(8/2020)


[1] Trùng Dương giới thiệu và chuyển ngữ, Túy Hồng qua cái nhìn của học giả Tôn Nữ Nha Trang.

  Xem: https://damau.org/65079/ty-hong-qua-ci-nhn-cua-hoc-gia-tn-nu-nha-trang

[2] Lê Thị Huệ,Túy Hồng, viết như một cách ân ái với sự thật

  Xem: http://www.gio-o.com/LeThiHue/TuyHongLeThiHue.htm

[3] Xem: https://damau.org/60757/di-tm-vi-gc-khuat-trong-van-chuong-tran-thi-ngh-phan-1-goi-chu-lang-ba-vi-bo

[4] Xem ở: Trần Doãn Nho, Một truyện tình rất Huế: Thương Nhớ Hoàng Lan

[5] Xem Trần Hữu Thục, Vấn đề “tương tự” trong ẩn dụ.

Giấc mơ của người đàn bà

đựng trong chiếc thúng
lưng gạo lửng lọt vào tấm mồ hôi
giấc mơ người đàn bà mồ côi
không có chỗ cho những bông hoa tháng mười rực nắng
là cơn mưa vắt đầy trên mảnh áo tơi
người đàn bà đem cái cực nhọc vắt giữa trời mà gối
nhìn con cò đi qua câu ca dao
chẳng trút được nỗi đau nơi máng xối
giấc mơ lợp những lá tro mà bện rối
mà khắng khít thủy chung

người đàn bà đi qua muôn trùng
cuộn trong những bó củi tre đầy gai góc
mà nhóm bếp
lửa đượm giữa đồng không vào mùa trỉa hạt
tấm áo tơi cùn phất phơ gió rát
mong được ủ ấm con thơ

người đàn bà mơ
giấc mơ mây mẩy nở
trong hơi thở con khỏa đầy phận vắng
và hỏi nắng :
bao giờ thì chín vại tương cà

Nguyễn Hoàng Anh Thư

Đảng tranh ở Hoa Kỳ thời đại dịch

Trần Hữu Thục

We don’t see things as they are, we see them as we are.

(Chúng ta không nhìn thấy sự vật như chính sự vật, mà nhìn thấy chúng như chính chúng ta)

Anaïs Nin [1]

…Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters…” (…Dù tôi có đứng ngay giữa Đại Lộ Thứ Năm và bắn [chết] một ai đó thì tôi vẫn sẽ không mất bất cứ cử tri nào…) [2]

Donald Trump

I. Đảng

Vào đầu tháng 6/2020, giữa lúc cái chết của người đàn ông da đen George Floyd đưa đến những cuộc biểu tình liên tục trên toàn quốc của phong trào Black Lives Matter, một số khuôn mặt nổi tiếng của Đảng Cộng hoà (CH) như Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cựu Tổng thống George Bush (Con) tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump; riêng tướng Colin Powell, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bush (Con), thì tuyên bố thẳng thừng là sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ứng cử viên Đảng Dân chủ (DC), vì hai người có quan điểm rất gần gũi về xã hội và chính trị [3].

Phản ứng trước sự kiện đó, cựu Thống đốc Mike Huckabee, phát biểu trong chương trình “Fox & Friends Weekend” vào ngày 7/6/20, thừa nhận rằng Trump có thể không phải là ứng cử viên giỏi nhất, nhưng vẫn là người thể hiện quan điểm của Đảng CH rõ ràng nhất, do đó, xứng đáng hơn người thuộc Đảng DC. Ông thúc giục những người CH, dù không thích cá tính của Trump, hãy vượt lên trên điểm này. “Đây không phải là bầu cho một cá tính, đây không phải là Hollywood mà đây là thế giới rối rắm của chính trường” [4]. Theo ông, có thể Trump ăn nói không trau chuốt, nhưng rõ ràng là, ông đã hoàn thành nhiệm vụ và đây là lúc những người CH tập hợp lại bởi vì nếu không, họ sẽ để cho Joe Biden, một người không phò sự sống (pro-life), người sẽ tăng thuế cao, sẽ mở cửa biên giới, sẽ chịu thua Trung Cộng, đắc cử. Huckabee nhấn mạnh, đây là một chọn lựa vô cùng đơn giản vì “tất cả những gì mà chúng ta ghê tởm”, Biden sẽ ôm lấy, “kể cả chủ nghĩa xã hội” [5].

Một tuần sau đó, ngày 13/6, ông Newt Gingrich, nguyên Chủ tịch Hạ viện dưới thời Tổng thống Clinton, trong bài viết “Sẽ là cơn ác mộng nếu Biden, Pelosi và Schumer nắm quyền năm 2021” [6], cảnh báo rằng nếu DC thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, thượng viện và Hạ viện tháng 11 này thì sẽ là một cơn “ác mộng” cho nước Mỹ. Và cũng như Huckabee, Gingrich “tiên đoán” rằng chính quyền DC sẽ thỏa hiệp với Bắc Kinh, nhường bước ở Hồng Kông, không lên án Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs). “Sự chọn lựa vào tháng 11 của chúng ta sẽ không phải là giữa Tổng thống Trump (President Trump) và [một] Tổng thống Hoàn hảo (President Perfection). Mà sẽ là giữa Tổng thống Trump và một cơn ác mộng sẽ chấm dứt nước Mỹ như chúng ta từng biết” [7], theo Gingrich.

Trong những nhận định trên đây, khi khẳng định một chính quyền do DC lãnh đạo sẽ thân Tàu, nghiêng về xã hội chủ nghĩa, hai ông đều cố tình quên rằng mới đây, những đạo luật chống Trung Cộng đều được thông qua ở hai viện Quốc hội với sự ủng hộ tối đa của cả hai đảng: “Uyghur Human Rights Policy Act of 2020” lên án Trung Cộng đàn áp người Duy-Ngô-Nhĩ [8], “Hong Kong Human Rights and Democracy Act” (Tháng 11/2019) ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, “The Tibetan Policy and Support Act” (9/2019) ủng hộ Tây Tạng. Nhưng không sao, hai ông đang tuyên truyền tranh cử mà!

Trong lúc đó, ngược lại, DC sử dụng nhận định của một số cựu viên chức cao cấp đã từng phục vụ cho các Tổng thống CH trước đây như Jogn Bellinger III, Ken Wainstein, Robert Blackwill, xác quyết rằng, nếu Tổng thống Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì sẽ “rất nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia vì rất có thể ông sẽ trở nên một kẻ độc tài” [9].

Đại loại là hai đảng, bằng kiểu này hay kiểu khác, đang ra sức đả kích, tố cáo, chê bai lẫn nhau và hù dọa cử tri để kiếm phiếu. Nhưng xin được tạm gác qua những “đòn phép” hạ nhau trong tuyên truyền tranh cử, để thử lướt qua vài nét chính trong cương lĩnh chính trị của hai đảng vốn đã thay nhau nắm chính quyền Hoa Kỳ trong mấy thế kỷ qua [10]:

Đảng Dân chủ: tả khuynh (left-leaning), tự do (liberal), gắn liền với sự tiến bộ và bình đẳng, ủng hộ một Chính phủ mạnh để cải cách xã hội, ủng hộ mở rộng chính sách di dân, hạn chế sử dụng vũ lực trong các tranh chấp quốc tế, tăng thuế người có lợi tức cao đồng thời giảm thuế cho người có lợi tức thấp, ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính, chuyển giới, ủng hộ kế hoạch hóa gia đình, chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, hạn chế án tử hình, hạn chể sử dụng quân sự ở nước ngoài, do đó, chỉ từ từ gia tăng ngân sách quân sự, hạn chế và kiểm soát việc sử dụng súng vì sự gia tăng các vụ giết người hàng loạt cũng như sự vô trách nhiệm của những người sở hữu súng.

Đảng Cộng hòa: hữu khuynh (right-leaning), bảo thủ (conservative), gắn liền với công lý và tự do kinh tế, khuyến khích sự cạnh tranh, ai làm việc giỏi thì lợi nhuận nhiều (survival of the fittest), giới hạn sự can thiệp của Chính phủ vào những vấn đề nội trị, chủ trương mạnh mẽ trong ngoại giao, có thái độ cứng rắn với Iran, chủ trương gia tăng ngân sách quân sự và ủng hộ giải pháp quân sự nếu cần, chịu ảnh hưởng tôn giáo và truyền thống, hạn chế di dân, ủng hộ kiểm soát chặt chẽ biên giới, ủng hộ cắt giảm thuế đồng đều cho người giàu cũng như người nghèo và để cho thị trường kiểm soát lương tối thiểu, ủng hộ án tử hình, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính vì tin rằng nếu hợp pháp hóa chúng sẽ làm tan rã cơ cấu xã hội, ủng hộ bảo hiểm y tế tư nhân, ủng hộ quyền giữ vũ khí (tu chính án thứ 2), ủng hộ mang súng ở nơi công cộng.

Để làm nổi bật hơn sự khác biệt giữa hai xu hướng, nhà ngữ học George Lakoff đưa ra một cái nhìn khá thú vị khi ông ví von Quốc gia với Gia đình và Chính phủ với Cha Mẹ, một hình thức ẩn dụ [11]:

Với Đảng DC, Chính phủ đóng vai trò như một “hiền mẫu” (Nurturant Parent family), có trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi thứ cho những nhu cầu căn bản của người dân như đồ ăn, chỗ ở, giáo dục, bảo hiểm sức khỏe… và xa hơn, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nữ quyền và đồng tính, ủng hộ phá thai, chấp nhận di dân, trợ giúp dân thiểu số, thực hiện đa văn hóa…

Với Đảng CH, Chính phủ phải là “nghiêm phụ” (Strict Father family), điều hành việc nước dựa theo luân lý truyền thống, theo đó, tất cả đều phải làm việc để nuôi sống mình và gia đình theo một cung cách có kỷ cương, phép tắc, có tôn ty trật tự. Thượng Đế thì phải cao hơn con người, con người cao hơn thiên nhiên, người có kỷ luật (mạnh) phải cao hơn người vô kỷ luật (yếu), giàu hơn nghèo, chủ hơn thợ, lớn hơn nhỏ, văn hóa Tây phương cao hơn các văn hóa khác, Mỹ phải cao hơn các nước, và đi xa hơn: nam cao hơn nữ, (da) trắng phải cao hơn (da) màu, Thiên Chúa giáo cao hơn các tôn giáo khác, dị tính cao hơn đồng tính, vân vân.

Hiểu theo cách này, DC thì mềm, CH thì rắn. DC tính âm. CH tính dương. Đúng là hai thái cực.

Tuy nhiên, không như Đảng Cộng sản, các đảng chính trị Hoa Kỳ vốn lỏng lẻo, nên rộng chỗ cho những khuynh hướng khác nhau có mặt trong cùng một đảng: có kẻ thì cực đoan, có kẻ trung dung, có kẻ tùy thời, cơ hội và cũng có kẻ thay đổi quan điểm vì một số lý do riêng nào đó. Nhờ thế, dù gay gắt chống đối nhau, nhưng các dân biểu, nghị sĩ của hai đảng cũng có lúc thỏa hiệp hay tương nhượng nhau để cho ra đời những đạo luật có tính cách lưỡng đảng (bi-partisanship) như những đạo luật lên án Trung Quôc nêu trên. Ngoài ra, trong thực tế, rất nhiều người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng độc lập. Họ là những người lập trường lừng chừng, không CH cũng chẳng DC, kẻ thì chủ trương tự do trong kinh tế nhưng bảo thủ về phương diện xã hội (economically liberal, socially conservative) kẻ thì có quan điểm tự do về phương diện xã hội nhưng bảo thủ về kinh tế (economically liberal, economically conservative). Trong cuộc thăm dò của Gallup tháng 2/2020, người ta tìm thấy khoảng 29% người Mỹ nhận mình là thuộc DC, 30% CH và 39% độc lập (ĐL). Thành thử, nói “lưỡng đảng” mà thành “tam đảng”: DC, CH và ĐL. Chính sự hiện diện của khối cử tri độc lập này đã tạo ra sự thay đổi liên tục trong chính trường Hoa Kỳ, giúp làm mới hệ thống cai trị, thúc đẩy đất nước hướng về phía trước. Cũng cần nhấn mạnh, ngoài các cử tri độc lập, những cử tri “cải đảng” cũng góp phần vào sự thay đổi đó. Đảng Mỹ vốn không có tuyên thệ, chẳng có khai trừ. Vào đảng, ra đảng, bỏ đảng, thay đảng, đơn giản và dễ dàng như… ăn kẹo.

Ở đây có một điều cần nói thêm cho rõ. Khi nói đến Chính phủ Mỹ (American Government) tức Chính phủ Liên bang (Federal Government), có người thường nghĩ đó chỉ là nội các của vị Tổng thống đương nhiệm. Thực ra Chính phủ Mỹ, theo hiến pháp, gồm có “ba thành phần riêng biệt: lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà quyền hành mỗi thành phần theo thứ tự được Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho là ở Quốc hội, Tổng thống và các Tòa án Liên bang” [12]. Như thế, Tổng thống và nội các chỉ là một phần của chính quyền Mỹ. Do sự phân chia, và do sự kiểm tra và kềm chế lẫn nhau, cho nên nước Mỹ không bao giờ là “đảng trị”, lại càng không bao giờ có bất cứ một “cha già dân tộc”, hay “minh quân” hay “vị cứu tinh” nào trị vì ở tòa Bạch Ốc cả.

II. Đảng tranh

Giành giựt niềm tin của cử tri để nắm quyền, đó là cái “job” của đảng Mỹ. Do đó, đảng tranh là chuyện thường ngày (ở huyện) trong sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ. Nó trở thành yếu tính, thậm chí, là sức khỏe của chế độ dân chủ. Đó không phải là một cuộc đấu tranh sinh tử, trong đó người thắng sẽ làm vua vĩnh viễn và người thua sẽ… về chùa quét lá đa. Đảng tranh, rốt cuộc, là một hình thức điều chỉnh các sinh hoạt xã hội. Thành thử, gọi đảng này cầm quyền sẽ là “cơn ác mộng” và đảng kia cầm quyền sẽ là mối “nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia” là một cách nói phóng đại, chỉ nhằm tuyên truyền tranh cử, hoàn toàn không phản ảnh thực tế nước Mỹ! Ác mộng chỉ xảy ra khi một đảng mạnh quá, tiêu diệt đảng kia, và chấm dứt chế độ lưỡng đảng! Ác mộng cũng chỉ xảy ra khi một ông tổng thống nào đó bỗng nhiên chuyên quyền và được tung hô là người duy nhất, là vị “cứu tinh” của dân tộc không ai thay thế được. Hiến pháp và các định chế Mỹ hoàn toàn không cho phép những hiện tượng bất thường như thế xảy ra. Từ cả mấy trăm năm nay.

Năm nay, năm bầu cử tổng thống, hai biến cố xảy ra làm đảo lộn mọi dự tính, mọi tiên liệu và chương trình cũng như kế hoạch của hai đảng, khiến cuộc đảng tranh càng thêm… loạn sắc: đại dịch Coronavirus và phong trào “Black Lives Matter”. Chúng đẩy Tổng thống Trump – vốn uy thế đang lên sau khi “tai qua nạn khỏi” trong hai lần bị DC điều tra và đàn hặc – vào thế bị động, đồng thời ban cho DC một cơ hội trời cho sau ba năm “truy bức” Tổng thống Trump mà chẳng đi tới đâu.

Đại dịch

Như trên trời rớt xuống, con coronavirus, trong khi vùi toàn nhân loại ngập chìm trong cơn khủng hoảng, thì mang lại cho Hoa Kỳ vĩ đại thêm một kỷ lục mới: số người nhiễm bệnh, số người chết vì bệnh và kỷ lục về sự mất phương hướng, vô chính sách, không biết đối phó thế nào với nạn dịch, phơi bày ra cả một cơ chế yếu kém, thiếu sót… mà vốn khi bình thường, không ai biết đến. Trong bài “We Are Living in a Failed State” (Chúng ta đang sống trong một quốc gia thất bại), đi trên tạp chí The Atlantic số tháng 6/2020, George Packer chua chát viết, “Cuộc khủng hoảng đại dịch này đòi hỏi một phản ứng nhanh chóng, hợp lý và đồng bộ. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã phản ứng như Pakistan hay Belarus, giống như một quốc gia có cơ sở hạ tầng tồi tệ và một Chính phủ yếu kém với các nhà lãnh đạo quá tham nhũng hoặc ngu ngốc để ngăn chặn nỗi đau tập thể”. (…) “Mỗi buổi sáng của tháng 3 dài bất tận, người dân Mỹ thức dậy để thấy mình là công dân của một quốc gia thất bại. Không có kế hoạch quốc gia – cũng chẳng có những hướng dẫn mạch lạc nào – để mặc cho các gia đình, trường học và công sở tự quyết định xem có nên đóng cửa và tìm chỗ trú ẩn hay không. Khi các dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, áo bảo hộ và máy trợ thở được tìm thấy trong tình trạng hoàn toàn thiếu thốn, các Thống đốc đã van xin tòa Bạch Ốc, tòa Bạch Ốc đánh trống lảng, bèn kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, họ cũng chẳng có. Các tiểu bang và thành phố đã bị buộc phải tham gia vào các cuộc chiến đấu thầu khiến họ phải làm mồi cho đám con buôn lừa đảo và trục lợi. Dân thường đã phải may hiến tặng trang thiết bị nhằm giúp cho các nhân viên bệnh viện bảo vệ sức khỏe và các bệnh nhân của họ được sống sót” [13].

Tìm cho ra nguồn cơn nào đưa đến tình trạng đáng buồn đó phải cần thời gian và đòi hỏi một nghiên cứu nghiêm túc, tường tận, khách quan. Riêng tôi, tôi nghĩ một cách bình dân: Hoa Kỳ gặp hạn xui, vì cơn dịch rơi vào đúng năm bầu cử tổng thống. Thay vì chung tay nhau giải quyết, các quý chính trị gia biến cơn đại dịch thành một con bài, thậm chí một con ngáo ộp, chính trị. Trách nhau, đùn nhau, tố cáo nhau, đổ lỗi cho nhau. Bất cứ một hành vi chống dịch nào. người ta cũng cân nhắc lợi, hại tranh cử. Bệnh cứ bệnh, chết cứ chết, tranh cử cái đã, miễn sao tìm lợi thế cho mình.

Trong cuộc đảng tranh này, nếu CH có lợi thế là nắm giữ tòa Bạch Ốc thì DC có lợi thế là được sự ủng hộ của ngành truyền thông.

– một bên là Tổng thống Trump và Đảng CH;

– một bên là Đảng DC và truyền thông.

Xếp thêm tên của Trump vào bên CH là vì, ngoài tư cách CH, ông Trump còn là một mục tiêu riêng, vừa của chính ông và đảng của ông, vừa của đối thủ. Nhiều người không chống CH (hay chính họ là CH) nhưng chống cá nhân Trump. Và nhiều người, xưa nay, chẳng hề quan tâm gì đến CH hay DC, bây giờ hết sức nhiệt tình ủng hộ Trump, và qua Trump, trở thành CH. Hơn nữa, bản thân ông Trump còn có thêm một nét đặc biệt: khi thì ông thân-Trump, khi thì ông chống-Trump! Hôm nay ông gọi Kim Jong Un là “Little Rocket Man”, mai ông gọi là “Great Leader”; hôm nay ông gọi Tập Cận Bình là tay độc tài, mai lại gọi là “Good Man” hay “Great Leader”, vân vân. Kẻ thương ông thì bảo ông áp dụng chiêu thức biến hóa khôn lường, tức “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Người ghét ông lại bảo là ông “thiếu nhất quán”. Thường tình thôi: “Thương nhau thương cả đường đi/Ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng”.

Xếp truyền thông vào phía DC vì, có thể nói tất cả những tờ báo và tạp chí lớn cũng như hệ thống truyền hình và các trang mạng của Hoa Kỳ, tức “truyền thông chính mạch” (mainstream media), đều có xu hướng chống Trump, thân DC. Lớn tiếng nhất trong số này là CNN, MSNBC, CNBC và những tờ báo nổi tiếng khác như New York TimesWashington PostBoston GlobeLos Angeles TimesUSA Today… CNN chẳng hạn, vốn độc lập nhưng có xu hướng tả khuynh, nên vô hình trung, trở thành tiếng nói của DC. Xưa nay, tôi là một “fan” của CNN. Theo dõi CNN suốt thời gian qua, tôi nhận thấy CNN tiến hành một cuộc “thập tự chinh” chống Tổng thống Trump dữ dội. “Ngày nay, CNN không còn quảng bá tin tức; nó quảng bá cái nó muốn thính giả cho đó là tin tức. Rốt cuộc, nó đã trở thành một loại đài như đài Fox”, theo Charles Cooke [14]. Ý nói CNN mang tính đảng phái (party bias) chứ không đứng trung lập như nó tuyên bố. Cá nhân tôi, mặc dầu vẫn là khán giả (và độc giả) trung thành của CNN vì thích cách đưa tin nhanh nhạy, nóng sốt và các bài phân tích sâu sắc, kịp thời, sắc bén, cụ thể của nó, nhưng thái độ không khoan nhượng của nó đối với cá nhân ông Trump cũng khiến tôi đôi khi chững lại, phát chán. Ông Trump chẳng vừa vặn gì: ngay từ khi mới ra tranh cử, ông đã tấn công bộ ba CNN, New York TimesWashington Post không thương tiếc; không những thế, tấn công cả ngành truyền thông Hoa Kỳ, liên tục cáo buộc nó là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, là tập đoàn chuyên môn loan tin giả. Lại cũng là lẽ thường tình: anh chống tôi thì tôi chống anh. Huề!

Thực ra, không thiếu những tờ báo và tạp chí ủng hộ ông Trump. Ngoài hai hệ thống truyền hình Fox News và OAN (One America Network), còn có cả hàng chục cơ quan truyền thông khác thân-Trump, ủng hộ CH qua các Talk Radio như The Rush Limbaugh Show, The Sean Hannity Show, The Savage Nation… hay qua các tạp chí như National Review, The American Conservative, Newsmax Magazine…, các trang mạng Fox Nation, American Thinker…, các nhật báo: The Epoch TimesThe New York ObserverWashington Times

Có thể nói, bất cứ một sự kiện, chính sách hay hiện tượng gì mà Trump và CH bênh thì DC chống và ngược lại. Trong cơn đại dịch, giữa đau thương và chết chóc, nước Mỹ xuất hiện như một sân khấu, trong đó các nghệ sĩ hai bên thi nhau “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong một màn hoạt cảnh… loạn xà ngầu! Hàng ngày, con siêu vi thường trực chiếm lĩnh tất cả màn hình và trang báo, ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống nó nhưng đồng thời dường như hai bên cũng muốn bảo vệ nó để … tranh cử. Cách chọn tin, đưa tin, phân tích tin, bình luận tin, ngay cả một cái tin không có gì quan trọng, nhưng nếu chịu khó lưu ý, sẽ thấy nhất nhất đều chứa đựng ý đồ tranh cử. Chẳng hạn, cùng đưa tin về bài diễn văn Tổng thống đọc tại Mount Rushmore nhân lễ kỷ niệm Ngày Độc Lập, mỗi báo đưa một tít, tít nào có ý đồ riêng của tít nấy:

– Fox News (thân-Trump): Trump, in fiery Mount Rushmore address, decries rise of “far-left fascism”, calls on Americans to rise up. (Trump, trong bài diễn văn nảy lửa tại Mount Rushmore, chỉ trích sự trỗi dậy của “chủ nghĩa phát-xít cực tả”, kêu gọi nhân dân Mỹ vùng lên [chống lại]).

– New York Times (chống-Trump): Trump Uses Fourth of July Speech to Deliver Divisive Culture War Message (Trump sử dụng bài diễn văn kỷ niệm Lễ Độc Lập để đưa ra một thông điệp chiến tranh văn hóa gây chia rẽ).

 Washington Times (thân-Trump): Trump warns of culture war ‘designed to overthrow the American revolution’ at Mt. Rushmore. (Tại Mount Rushmore, Trump cảnh báo về cuộc chiến tranh văn hóa được phác họa nhằm lật đổ cuộc cách mạng Mỹ).

– CNN (chống-Trump): Trump tries to drag America backward on a very different July 4th (Trump cố gắng kéo nước Mỹ lùi về một ngày Lễ Độc Lập hoàn toàn khác).

Chỉ đọc nội cái tít thôi, đã cảm thấy mùi “đảng tranh”: Một “TIN” mà thành nhiều “TỨC”.

Hạnh phúc nhất có lẽ là đám coronavirus tí teo, vô hình, nhưng ranh ma và tàn ác. Không CH cũng chẳng DC, gặp thời đảo điên, chúng sinh sản hàng loạt, thảnh thơi ngao du từ người này qua người khác, từ thành phố này qua thành phố khác, bang này qua bang khác. Tấn công người dân đã đành, chúng tấn công những người lính trên Hàng Không Mẫu Hạm, bò vào Quốc hội sờ gáy một số dân biểu, nghị sĩ, xâm nhập tận tòa Bạch Ốc, lây nhiễm cho cả những nhân viên thân cận của tổng thống. Mức độ lây lan của nó thoải mái đến độ tôi có cảm tưởng là Hoa Kỳ đang nhân giống… con siêu vi để làm của nổi của chìm. Than ôi!

Thử xem qua vài chiêu thức đảng tranh trong mùa dịch.

Đổ lỗi

Trước hết là đổ lỗi cho Tàu. Con bài “Tàu” được hai đảng đẩy qua đẩy về liên tục trong thời gian đầu. Cuối tháng 1, khi cơn dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trump lập tức ra lệnh cấm người Tàu đến Mỹ. DC la lên: lệnh cấm du hành được thúc đẩy bởi căn bệnh “sợ tàu” (xenophobia). Cuối tháng 2, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, thăm San Francisco, lạc quan cho rằng China Town này an toàn, liền bị CH tố cáo là DC thân Tàu, không thấy trước nguy cơ của cơn dịch. Trump nói, “Lúc này hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ phải chặn đứng Tàu. Và để chặn đứng Tàu, các quý vị phải chặn đứng Joe Biden”. (Now more than ever, America must stop China. And to stop China, you have to stop Joe Biden). DC, ngược lại, tố Trump chỉ chống Tàu ngoài miệng vì ông vừa cấm du khách đến từ Tàu lại vừa ca ngợi Tàu chống dịch giỏi. Lời chỉ trích này được tăng thêm gia vị với cuốn hồi ký của ông cố vấn John Bolton sau này, theo đó, Tổng thống Trump đã năn nỉ Trung Quốc giúp ông đắc cử nhiệm kỳ 2 bằng cách mua thêm nông sản Mỹ. Trách gì ông Trump! Đây cũng chỉ là một chiêu thức tranh cử mà thôi!

Thứ hai là đổ lỗi cho nhau. Trong gần suốt tháng 3, DC và truyền thông tố cáo Tổng thống Trump đánh giá thấp, thậm chí phủ nhận nguy hại của con siêu vi, do đó, làm ngơ, không chuẩn bị, không chịu kích hoạt Đạo Luật Sản Xuất Quốc Phòng (Defense Production Act) để sản xuất trang thiết bị y tế đồng thời tố cáo cá nhân Trump luôn nói nghịch với với các chuyên gia y tế. Ngược lại, Trump, lúc đầu, tố cáo DC và truyền thông là “chơi khăm” khi cố tình làm lớn chuyện con siêu vi, sau, đổ lỗi cho DC giành thì giờ và tiền bạc trong vụ đàn hặc Trump nên Chính phủ không có thì giờ để chống siêu vi. Ông không thừa nhận là mình có trách nhiệm gì về những thiệt hại do cơn dịch gây ra. Trách nhiệm, theo ông, thuộc về DC và… các Chính phủ trước, nhất là Chính phủ Obama, vì đã để lại một cơ chế tan vỡ (broken system), không làm gì để chuẩn bị đối phó với nạn dịch.

Vậy trách nhiệm quy cho ai đây?

I have no idea!

Kính màu

Cơn dịch thì một, nhưng được nhìn qua hai cặp kính màu.

DC đeo kính đen: Cơn dịch đang giết người mà Donald Trump không biết cách giải quyết (The disease is deadly and Donald Trump screwed up). Trong cách đưa tin, DC thường sử dụng một số từ ngữ đại loại như: Coronavirus, spike, jump, Donald Trump, response, deadly, petition, lives… Ghép xuôi ghép ngược những từ ngữ như thế sẽ cho những hình ảnh đầy tính cách tiêu cực: con coronavirus thì vô cùng nguy hiểm, gây ra chết người và mỗi ngày mỗi gia tăng mà ông Donald Trump xem thường, đánh giá thấp sự nguy hiểm của nó, không đưa ra được một phương cách hữu hiệu để đối phó, rốt cuộc, gây ra nhiều chết chóc.

CH đeo kính hồng: Cơn dịch không có gì nguy hiểm, “sẽ ‘đi mất’ mà không cần thuốc chủng ngừa” (the coronavirus pandemic will ‘go away without a vaccine’), theo Tổng thống Trump. Ông đã lập đi lập lại nhiều lần nhóm chữ “go away” khi phát biểu về con siêu vi. Do lạc quan, những từ ngữ sau đây thường được sử dụng trong những bản tin và phát biểu của CH: our nation, our community stronger, together, President Trump, go away, better, well… Chúng nhấn mạnh đến tài lãnh đạo của Trump, đến sự đoàn kết, đến quốc gia, cộng đồng và tương lai tươi sáng.

Đeo màu nào thì hiện thực hiện ra màu nấy.

Qua kính đen, CNN, MSNBC… chỉ nhìn thấy một hiện thực u ám, từ số “ca” nhiễm bệnh đến số tử vong, từ những dự đoán bi quan về tình hình kinh tế đến số người thất nghiệp gia tăng. Trên màn hình CNN, bên góc phải, luôn luôn xuất hiện bảng thống kê con số người nhiễm bệnh và tử vong trên toàn thế giới và ở Hoa Kỳ. Nếu mở CNN, cảm giác đầu tiên là con coronavirus nằm “chình ình” ra đó, như sẵn sàng nuốt chửng mọi người, không cách gì tránh khỏi. Người ta rất ít khi tìm thấy trên CNN những tin tức gì khác ngoài chuyện dịch bệnh, chết chóc cùng với chỉ trích, phê phán cách làm việc của Tổng thống Trump. Tóm lại, DC và truyền thông tập trung khai thác tin tức bi quan, tiêu cực về tình hình dịch bệnh, bới lông tìm vết những sai sót từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ cho đến những ý kiến lúc nào cũng có vẻ ngược đời của Tổng thống Trump.

Ngược lại, qua kính hồng, Fox News, OAN lại vẽ ra một hiện thực hồng hào: lạc quan về số người lành bệnh, về hy vọng tìm thấy thuốc chúng ngừa sớm, về tình hình kinh tế sẽ sáng sủa, và các sinh hoạt khác vẫn diễn ra bình thường như điện ảnh, thể thao, mua sắm, vui chơi…, tưởng như dịch bệnh chỉ là một cơn cảm cúm mùa đông hàng năm, sẽ chóng qua đi. Qua cặp kính này, các con số thống kê người bệnh, người chết của Johns Hopkins Coronavirus Resource Center chỉ là những “ảo số” do tập đoàn “tà quyền” muốn hại Tổng thống Trump, chứ không có thật, theo những người ủng hộ Tổng thống Trump.

Người dân Mỹ sống trong hai hiện thực đối nghịch nhau:

Một nước Mỹ của CNN, New York Times, MSNBC tràn đầy hung tín và âm tín.

Một nước Mỹ khác của Fox, OAN, National Review toàn là hỷ tín và dương tín.

Liên bang “đụng” tiểu bang

Cách nhìn và cách đánh giá khác nhau giữa hai đảng làm nổi lên một sự kiện buồn cười: tranh chấp giữa chính quyền liên bang và tiểu bang. Một mặt, tiểu bang cần sự trợ giúp của liên bang, nhưng mặt khác, tiểu bang lại có quyền quyết định cách thi hành riêng trong tiểu bang mình. Một nước Hoa Kỳ trong khi đối phó với cơn dịch mà hành xử y như thể có đến… 50 quốc gia khác nhau, phân ra hai loại: DC và CH. Điều này cũng đưa đến sự đổ lỗi giữa tổng thống và các thống đốc. Dân Mỹ chứng kiến không biết bao nhiều lần sự tranh cãi giữa Trump với Thống đốc một số tiểu bang DC. Ở Washington DC, tòa Bạch Ốc họp báo nói một kiểu; ở New York, Thống đốc tiểu bang họp báo nói một kiểu khác. Hoặc, trong lúc các tiểu bang Michigan, Minnesota, Virginia do các Thống đốc DC lãnh đạo gia hạn lệnh buộc người dân tự cách ly ở nhà thì Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ ông đi biểu tình “giải phóng” các tiểu bang này. Không chỉ các tiểu bang DC, một số tiểu bang CH có khi cũng “ngủng ngẳng” với Tổng thống về chuyện mở cửa, đóng cửa, mang hay không khẩu trang, vân vân. Đúng là “đa quốc”. Tương quan nhập nhằng giữa chính quyền liên bang và tiểu bang, đôi khi giữa tiểu bang và thành phố đã khiến cho cuộc đảng tranh, vốn đã phức tạp, lại càng thêm rối rắm.

Mở đóng đóng mở

Bất chấp tình hình dịch bệnh mỗi ngày một xấu, Trump muốn mọi sự trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Ông nói, “Chúng ta không thể để cho việc chữa bệnh tệ hơn là chính căn bệnh” (We cannot let the cure be worse than the problem itself); và muốn các tiểu bang vừa chống dịch vừa giở bỏ các cấm cản để cho tất cả doanh nghiệp trở lại hoạt động, đồng thời, ép các tiểu bang cho mở cửa trường ốc để học sinh tiếp tục đi học vào mùa thu này. Trump cho rằng truyền thông và DC muốn tiếp tục đóng cửa kinh tế và tiếp tục đóng cửa trường học càng lâu càng tốt “với hy vọng rằng sẽ làm tôi thất cử”. Trong lúc đó, DC bảo là Trump muốn mở cửa để làm lợi cho việc tranh cử của mình mà không quan tâm đến sinh mạng người dân và trẻ em Mỹ. Hầu hết các tiểu bang có Thống đốc DC đều chủ trương ưu tiên đối phó với cơn dịch trước; trong lúc đó, những tiểu bang có Thống đốc CH muốn ưu tiên mở cửa trước. Đúng là kẻ đi ngược, người đi xuôi!

Khẩu trang

Đảng tranh còn đi vào những chuyện vặt vãnh: ông Trump đi đánh golf nhiều hơn ông Obama khi làm tổng thống, ông Trump bưng ly nước uống bằng hai tay khi đến đọc diễn văn tốt nghiệp tại trường võ bị West Point; tranh cãi về chữ ký trên tấm chi phiếu “stimulus check”, ông Biden phát biểu vấp váp, ông Biden bị kiện vì “quấy rối tình dục”, tranh cãi về chỉ số thông minh (IQ) giữa hai ứng cử viên tổng thống, vân vân và vân vân.

Nhưng ồn ào nhất trong những chuyện vặt vãnh là khẩu trang. Ông Trump nhất định không chịu mang khẩu trang, dù ở bất cứ đâu, trong lúc ông Biden đeo khẩu trang ngay cả khi không cần thiết phải làm như vậy, như lúc đặt vòng hoa tưởng niệm ngày lễ Chiến sĩ trận vong. Đeo hay không đeo bỗng trở thành một cuộc chiến tranh văn hóa. Miếng vải bịt miệng tầm thường ấy bỗng nhiên được lên ngôi, trở thành một công cụ tuyên truyền rất đỗi hài hước: nếu ủng hộ Trump, bạn đừng đeo khẩu trang, nếu bạn chống Trump thì bạn cứ đeo (If you’re for Trump, you don’t wear a mask. If you’re against Trump, you do) [15]. Trong đại hội ở Tulsa, Oklahoma (20/6/2020), hầu hết những tham dự viên đến nghe Trump phát biểu đều không đeo khẩu trang, cũng chẳng cần giãn cách xã hội. Mới đây (11/7/2020), Tổng thống Trump đã chịu mang khẩu trang khi đi thăm thương bệnh binh tại “Walter Reed National Military Medical Center”. Đi xa hơn, vào ngày 20/7/20, qua một cái “tuýt”, ông còn cho rằng đeo khẩu trang là yêu nước (ông viết hoa chữ Patriotic). Tổng thống Hoa Kỳ thật là dẻo chữ, dẻo nghĩa! Cuộc chiến khẩu trang, như thế, là đã chấm dứt chăng? Qué sera sera! Với ông Trump, “vô chiêu thắng hữu chiêu”: chịu.

Xuất phát từ khẩu trang và giãn cách xã hội, cách tổ chức đại hội đảng cũng nhuốm mùi đảng tranh.

DC, để chứng tỏ sự tôn trọng các quy định của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), sẽ tổ chức một đại hội đảng “gần như ảo” (nearly all-virtual convention) tại Milwaukee, Wisconsin, trong đó đại đa số các đại biểu sẽ tham dự trực tuyến (online).

CH, để chứng tỏ mọi sự là bình thường, sẽ tổ chức một đại hội đảng rầm rộ, đông đúc ở Jacksonville, Florida. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc hôm 23/7/2020, Tổng thống Trump đảo ngược quyết định cũ của mình, loan báo hủy bỏ đại hội đảng tại đây, vì cho là không đúng thời điểm. “Trong xứ sở chúng ta, không có gì quan trọng hơn là giữ an toàn cho nhân dân chúng ta”, theo ông. Thế lại thêm một lần nữa, Trump thay đổi ý kiến. Phải chăng ông đã bắt đầu chấp nhận thực tế. Hay cũng chỉ lại là đòn “vô chiêu thắng hữu chiêu” sở trường bấy lâu nay của ông?

Black Lives Matter

Phong trào Black Lives Matter (BLM), vốn được thành lập từ năm 2012 (sau khi George Zimmerman, một người gốc Tây Ban Nha, bắn chết thiếu niên da đen Trayvon Martin, được tha bổng), diễn ra một cách đột ngột và dữ dội trong khi cả đất nước đang loay hoay đối phó với cơn đại dịch. Vốn chỉ là một phong trào dân quyền bình thường của người da đen, lần này nó bị đẩy đến chỗ cực đoan, chẳng hạn đòi giải tán hẳn hệ thống cảnh sát. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News (8/7/20), YahNé Ndgo, một thành viên lãnh đạo của phong trào BLM ở Philadelphiacho biết, “Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất cứ loại cảnh sát nào trong cộng đồng chúng tôi” [16]. Đi xa hơn, một số người còn thành lập “khu tự trị” (Capitol Hill Autonomous Zone) – từa tựa như một loại công xã Sô viết-, ở Seattle và xa hơn nữa, đập phá tượng đài của những danh nhân Hoa Kỳ, kể cả tượng của George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ, vì cho rằng ông là người sở hữu nô lệ. Phản ứng trước chuyện đó, Tổng thống Trump, trong bài diễn văn đọc trong ngày Lễ Độc Lập tại Mount Rushmore (4/7/2020) [17], mạnh mẽ lên án những hành vi như thế là xóa bỏ lịch sử, xóa bỏ các giá trị Mỹ, nhồi sọ trẻ con. Đó là một thứ “chủ nghĩa phát xít cực tả mới” (a new far-left fascism), một thứ “cách mạng văn hóa tả khuynh” (left-wing cultural revolution) đe dọa phá hủy nền văn minh Hoa Kỳ, theo ông. Và ông thề sẽ chận đứng những hành vi đó, để bảo vệ “lối sống Mỹ đã được hình thành từ năm 1492 khi Columbus khám phá ra châu Mỹ”.

Như đổ thêm dầu vào lửa, phong trào BLM này, vừa làm xao lãng công cuộc chống dịch bệnh, lại vừa tiếp sức thêm cho cuộc đảng tranh đang mỗi ngày một gay gắt. Cái chết của George Floyd và phong trào BLM là tự phát, nhưng sự xuất hiện của nó là một cơ hội bằng vàng để DC, một lần nữa, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri da đen. Họ vinh danh cái chết của Floyd bằng một bài diễn văn của ứng cử viên Biden đọc trong tang lễ cùng với các lãnh tụ DC ở Quốc hội quỳ gối tưởng niệm gần 9 phút. Không chịu thua, CH “cột” luôn DC vào những hành vi cực đoan của những người biểu tình, lên án DC đồng lõa với những nhóm cực tả, mặc dầu trong một bản lên tiếng, Biden đã bác bỏ đòi hỏi tái phân phối ngân quỹ dành cho cảnh sát (defund the police) [18]. CH cho rằng ông Biden chỉ biết ngồi làm việc dưới hầm nhà và tuyên bố bất cứ điều gì mà những người tả khuynh muốn ông nói.

Phong trào BLM đã vô hình trung làm sống lại những xu hướng cực đoan trong xã hội Mỹ. Các chiêu bài cũ lại được mang ra sử dụng: DC tố cáo Trump kỳ thị chủng tộc; CH tố cáo Biden đứng về phe “cực đoan” (radical), cực tả (far-left). Chuyện da trắng-da màu, chuyện bất công áp bức vốn đã từng làm rung chuyển xã hội Mỹ nhiều lần trong suốt thể kỷ thứ 20 lại có cơ hội xuất hiện. Nó tăng cường “tính đảng” của cả hai bên, nhất là trong hàng ngũ của những “fan” nhiệt tình, đẩy đến chỗ cực đoan. Khi đã cực đoan thì tinh thần khách quan và tinh thần dân chủ sẽ bị tiêu diệt. Người ta chỉ còn nhìn thấy mình mà không nhìn thấy đối thủ. Nói như Anaïs Nin, “Chúng ta không nhìn sự vật như nhìn chính sự vật mà nhìn chúng y như chúng là chúng ta”. (We don’t see things as they are, we see them as we are). Trong cơn kích động, đủ thứ ngôn ngữ chợ búa lên ngôi: mạt sát nhau, sỉ nhục nhau, bôi bẩn nhau. Uống nước chẳng thèm chừa cặn! Nó đầu độc không khí thảo luận ở mọi mức độ, mọi môi trường. Nó nuôi dưỡng cái “thú cực đoan”. Cực đoan này luôn luôn đẻ ra cực đoan khác. Anh quá tả, anh sẽ đẩy đối phương về quá hữu. Và ngược lại. Khi quá tả đụng độ quá hữu, cả hai bên cùng nhau đưa xã hội văn minh trở về với thời kỳ… đồ đá, hơn thế nữa, thời kỳ đồ… tục (tĩu)!

Có lẽ cái cõi người ta ở Mỹ, có quá nhiều “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nên ông cựu Tổng thống Bush (Con) buộc phải lên tiếng.

“…Nhiều người tỏ ra hoài nghi, với lý do chính đáng, nền công lý của nước chúng ta. Người da đen thấy quyền con người của họ cứ liên tục bị vi phạm mà không thấy các cơ quan chính quyền Mỹ có biện pháp đối phó khẩn cấp và thích đáng. Chúng ta biết rằng một nền công lý bền vững chỉ đạt được bằng những phương tiện ôn hòa. Hôi của không là giải phóng; tàn phá không phải là tiến bộ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng sự yên bình dài lâu trong cộng đồng chúng ta đòi hỏi sự công bằng tương xứng thực sự. Chế độ pháp trị rốt cuộc dựa trên nền tảng của sự không thiên vị và hợp pháp của hệ thống luật pháp. Và thực hiện công lý cho mọi người là trách nhiệm của tất cả mọi người” [19].

Phải chi ông Tổng thống Trump cũng nói những điều như thế này, chắc sự thể đã khác!

No way!

III. Trump tranh

Thực tế, tranh chính sách, tranh đường lối thì ít. Mà “tranh Trump” thì nhiều. Binh ai, chống ai, binh gì, chống gì không qua khỏi một hình bóng: Trump!

Vị tổng thống này là đỉnh cao của ý thức hệ bảo thủ. Đỉnh cao nên lúc nào cũng nóng hôi hổi! Bênh hay chống, đụng đến Trump, ai cũng có cảm giác như tay mình cầm hòn lửa. Không khéo “handle” thế nào cũng phỏng tay. Trump trở thành biểu tượng và là biểu tượng hấp dẫn nhất, lý thú nhất mà cũng lại là… thô thiển nhất của chuyện đảng tranh. Đảng tranh, vốn là một sinh hoạt chính trị lành mạnh, bỗng nhiên trở thành tiêu cực vì lắm khi, nó tập trung vào cá tính, cử chỉ, ngôn ngữ, cung cách của Trump, từ chuyện đánh vần sai, viết tên lộn cho đến chuyện bưng ly nước hai tay, bước xuống cầu thang không vững cho đến những phát biểu ngẫu hứng bất thường, đôi khi phi lý của ông. Hoặc tập trung vào chuyện ông Biden ăn nói vấp váp (như đạn đại bác không khớp nòng = loose cannon), ẩn mình dưới hầm không dám đi ra ngoài vận động, “lão lai tài tận”. Lỗi tại ai?

Mà cũng lạ! Chỉ mới bước vào chính trường có năm năm, ông Trump đã nói hay đã làm vô số điều không giống ai. Đối với những chính trị gia khác, chỉ cần “vấp” vài điều ấy thôi, là phải vĩnh viễn rời bỏ chính trường. Thế mà Trump thì không. Dường như ông được “miễn nhiễm”. Chỉ trích, phê bình, chế giễu, khui đủ thứ thâm cung bí sử, thả đủ thứ “bombsell”, kể cả “bombshell” hạng nặng như hồi ký của cựu cố vấn John Bolton hay của cô cháu gái Mary Trump, không sao hết, Trump vẫn cứ là Trump. Không nao núng, không nhường nhịn, không cải chính, không xin lỗi.

Thực tình mà nói, tôi không ngạc nhiên về những người chống đối Trump, nhưng vô cùng ngạc nhiên về những người ủng hộ ông. Tại sao họ vẫn trung thành với ông dù ông trải qua bao nhiêu sóng gió?

Theo Katty Kay Presenter, BBC World News, họ ủng hộ Trump không phải vì những gì Trump chủ trương mà vì ngưỡng mộ những gì ông chống lại [20]. Trump chống cái gì? Trong một bài viết cách đây 5 năm, “Như một phản diện: Donald Trump” [21], khi Trump mới tuyên bố ra tranh cử, tôi đã đề cập đến những cái “chống” này. Xin được nhắc lại và triển khai thêm vài điểm sau đây:

Chống lại giới quyền uy (against the establishment) ở Hoa Kỳ. Giới này bao gồm những thành phần ưu tú đủ loại từ đại gia chính trị đến đại gia kinh doanh và các tổ chức đầy thế lực, tạo thành một thực thể vô hình gọi là siêu quyền lực hiện đang chi phối nhiều mặt sinh hoạt chính trị và xã hội Hoa Kỳ. Theo Trump, chính ảnh hưởng bao trùm của giới quyền lực này đã làm hư hỏng nước Mỹ vì những gì họ làm chủ yếu là để thỏa mãn tham vọng quyền hành và lợi nhuận của họ chứ không phải cho nhân dân Mỹ.

Chống lại thế giới (against the world): Theo Trump, dân Hoa Kỳ hiện nay quá chán ngán vì phải “è cổ” trả tiền để nuôi dưỡng đủ thứ tổ chức, hiệp ước và định chế quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc và các con đẻ của nó như UNESCO, WHO cho đến khối NATO, từ đồng minh Nam Hàn, Nhật cho đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Climate Agreement), từ di dân hợp pháp cho đến di dân bất hợp pháp. Ông cũng cho rằng, chẳng có nước nào mà di dân, kể cả di dân lậu, được hưởng nhiều quyền lợi như ở Hoa Kỳ. Vì vậy, cả thế giới đã đua nhau gửi di dân sang Mỹ để lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ và về lâu về dài, chiếm cứ luôn nước Mỹ, theo ông.

Chống giới trí thức vì Trump cho rằng đa phần trí thức là tả khuynh.

Chống truyền thông.

Chống truyền thông có lẽ là một trong những nét độc đáo của Trump. Không những không nịnh bơ, ve vuốt truyền thông như những chính trị gia khác để có được những bài phóng sự đẹp về mình, Trump còn tấn công truyền thông, “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, không ngừng nghỉ. Tại sao ông lại chống truyền thông? Rất đơn giản: ông bắt mạch được từ cảm quan của quần chúng.

Từ lâu, truyền thông không còn đóng vai trò chủ động và được ưu ái như xưa. Một là, do sự ra đời của các mạng xã hội: người ta truyền tin cho nhau mà không cần đến báo chí; hai là, do cạnh tranh, đưa tin không còn là đưa ra những sự kiện (facts) thuần túy, mà đưa ra những phó sản đã được chế biến theo khẩu vị của các đại gia truyền thông. Thành ra, thông tin hoàn toàn bị nhiễu loạn. Người ta bị đánh lừa vì mập mờ giữa “tin tức (news) và “ý kiến” (opinion), nghĩa là giữa tường thuật (reporting) và bình luận (commentary), giữa “thông tín viên” (reporter) và “bình luận viên” (commentator). Rất khôn lanh, thay vì qua trung gian của truyền thông, ông Trump tự thực hiện bộ máy truyền thông riêng, bằng cách trực tiếp đưa tin đến các “fan” của mình. “Tuýt” của ông vừa là tin, vừa là lập trường và vừa là quyết định. Khi cần, ông ào ạt “tuýt”, tạo ra những trận “bão tuýt” (tweetstorms), gây chấn động thương trường và chính trường.

Tóm lại, Trump xuất hiện như một nhân vật chống lại các định chế và thói quen có sẵn. Ông không cần “quân tử nhất ngôn”, cùng chẳng thèm “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” kiểu quân tử Tàu. Với ông, có lẽ chữ không mấy quan trọng (words don’t matter ≠ words matter). Cần gì phải đắn đo “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” kiểu Việt Nam mình cho mệt. Vì thế, ông bài bác cách dùng uyển ngữ (political correctness) [22] khi đề cập đến những vấn đề then chốt của nước Mỹ. Theo Trump, trong cái xã hội thích sử dụng lối nói uyển ngữ, sợ mích lòng người này người nọ, giới này giới nọ, không ai dám nói lên sự thật. Trump không ngần ngại lột trần sự thật về những đề tài vốn được các chính trị gia khôn ngoan tìm cách tránh trút. Cung cách đó xuất phát từ một ý niệm mang tính “triết lý” trong kinh doanh của Trump. Trong cuốn sách bán rất chạy bàn về kinh doanh, “The Art of the Deal”, xuất bản vào cuối thập niên 1980, ông viết: “Tôi chơi với trí tưởng tượng của con người. Tôi gọi đó là thứ ngoa dụ đáng tin. Đó là một hình thức cường điệu hồn nhiên và là một hình thức thúc đẩy rất hiệu quả”.

Tôn sùng

Con người đặc biệt này dẫn đến một hiệu quả đặc biệt: hiện tượng tôn sùng.

Sự tôn sùng cá nhân ở các nước độc tài thường được thực hiện qua một hệ thống tuyên truyền dối trá: tẩy não. Hiện tượng tôn sùng Trump hoàn toàn ngược lại. Không có một bộ máy tuyên truyền nào đứng đàng sau ông. Ông tự phơi bày chính ông. Ông luôn luôn xuất hiện như một Trump nguyên vẹn, không giống ai, đầy cá tính. Thay vì tốt khoe, xấu che, ông để cho cá tính của mình bộc lộ thoải mái, không cần giấu giếm, che đậy. Nó biến ông thành một người mà đối thủ của ông có thể sử dụng bất cứ hình dung từ nào xấu nhất để mô tả, những là idiot (xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), nut (gàn dở), những là clown (hề), pompous (đại ngôn) vân vân và vân vân. Bất ngờ là, điều đó, thay vì dìm ông xuống, lại đẩy ông lên, hấp dẫn những “fan” của ông.

Trong lúc một số trong giới tinh hoa CH cũng như giới có trình độ đại học ở các đô thị chia tay với Trump, thì đa phần số cử tri nòng cốt vốn đã từng đưa ông vào tòa Bạch Ốc vẫn trung thành. Do đó, khi những nhân vật tai to mặt lớn, cũng cùng phe CH, như các ông Bush, Mattis, Romney, Powell lên tiếng chống Trump, điều này hầu như rất ít ảnh hưởng đến họ. Trump nắm vững sự kiện này nên chiến lược tranh cử của ông là thỏa mãn khối người ủng hộ mình trước (base first strategy). Khối người đó là ai?

Theo nghiên cứu của những nhà chuyên môn, số cử tri đó là những người cư ngụ ở các vùng nông thôn, là giới thợ thuyền ở các tiểu bang công nghiệp hiện bị suy đồi do chủ trương toàn cầu hóa và điện tử hóa; đặc biệt là những người có lập trường bảo thủ cư ngụ ở vùng đất nội địa, xa biển gọi là “heartland”.

“Heartland” là một thuật ngữ chính trị để chỉ những tiểu bang Hoa Kỳ “không tiếp giáp với biển”. Nó cũng còn là một thuật ngữ văn hóa, ám chỉ một số ý tưởng và giá trị về những người lao động chân tay (blue collar): siêng năng, cần cù, mộc mạc, giản dị, đàng hoàng. Khối người này là hình ảnh một nước Mỹ cũ, da trắng, ổn định, có căn có gốc, luôn giữ gìn truyền thống, tin tưởng các giá trị Thiên Chúa giáo; ngược hẳn lại với các vùng đô thị và vùng biển (coastal) là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của di dân, đa chủng, đa văn hóa và nhiều thay đổi. Họ không tin truyền thông vì theo họ, xu hướng chung của truyền thông Mỹ là phiến diện, có xu hướng thiên về vùng biển (coastal) và tự do (liberal), không mấy khi quan tâm đến những nhu cầu của “heartland”. Theo họ, sao cũng được, miễn là phải trả về lại khung cảnh của một nước Mỹ với các giá trị truyền thống của nó, thứ giá trị mà theo họ, đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trước đây. Ông Trump nắm bắt được nguyện vọng cốt tủy của thành phần này. Chỉ cần thỏa mãn nguyện vọng đó là đủ, còn những thứ linh tinh khác thì sao cũng được. Chả thế mà trong một lần vận động tranh cử năm 2016, ông không ngần ngại tuyên bố, “Tôi có thể đứng ngay giữa Đại Lộ Số Năm, bắn [chết] một ai đó mà không bị mất bất cứ cử tri nào” [23].

Xin ghi lại một vài chi tiết lấy từ cuộc phỏng vấn những người ủng hộ Trump của CNN tại Florida vào ngày 9/6/2020 [24]:

Nói chung, những người ủng hộ Trump không phải không biết những khuyết điểm của Trump, nhưng nhìn chúng qua một lăng kính khác. Chẳng hạn với bà Karen Deeter, một người hưu trí: “Tôi cho rằng cá tính của Trump rất khó để bàn, cách xử thế của ông cũng khó. Ông không phải là chính trị gia, nhưng ông đã làm được một số việc”. Bà không thích những cái “tuýt” của Trump và muốn ông đừng “tuýt” nữa. Bà cũng không thích cách sử dụng ngôn ngữ của Trump, muốn ông dịu giọng bớt, nhưng đồng thời lại cho rằng đó đã là cá tính thì không thể thay đổi. Do đó, bà không quan tâm đến cách ăn nói mà quan tâm đến các chính sách của Trump và kết quả của chúng. Được hỏi về chuyện ông Trump cho giải tán biểu tình để đi chụp ảnh ở nhà thờ Saint John’s Church hôm 1/6/2020, một bà nói “Tôi nghĩ là ông muốn bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Thiên Chúa giáo. Ông dám đi bộ đến đó là rất can đảm”. Bà không trách Trump về tỷ lệ thất nghiệp trong cơn dịch. Một người khác thì mong ông phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gửi ra những cái “tuýt” có tính gây gổ. “Ông luôn luôn muốn nói ra những gì có trong đầu và tôi thì tôi đánh giá cao những cái tuýt của ông. Đôi khi tôi nhìn vào ông và nghĩ, OK, cái đó có lẽ ông đã đi quá giới hạn rồi đó, nhưng không sao, ông có ý tốt, ông là người yêu nước”. Được hỏi về những lời phát biểu bất lợi cho Trump của các tướng Powell và Mattis, những người được phỏng vấn đều cho rằng ai cũng có ý kiến của riêng mình. Theo họ, những người chống đối Trump chỉ là số it. Đại đa số những lãnh tụ CH và những người theo CH vẫn đứng sau lưng và tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những gì ông thực hiện.

Vậy tâm lý hay thần kinh những người ủng hộ Trump khác với những người khác như thế nào? Cái gì trong đầu óc họ khiến cho họ tin tưởng Trump một cách gần như tuyệt đối như vậy? Có người cho rằng người ta ủng hộ Trump là vì họ thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng bởi tin giả. Khi ông nói những điều rõ ràng là sai, họ vẫn không cho là sai. Tiến sĩ Bobby Azarian, một nhà nghiên cứu thần kinh về nhận thức (cognitive neuroscientist), có một cái nhìn khác. Trong cuốn biên khảo “The Psychology Behind Donald Trump’s Unwavering Support” [25], ông giải thích hiện tượng tôn sùng Tổng thống Trump qua một số tính cách sau:

Hiệu ứng The Dunning-Kruger (The Dunning-Kruger effect) (thiên kiến nhận thức). Các nghiên cứu cho thấy những người thiếu kiến thức trong một số lãnh vực nào đó thường có một thiên kiến nhận thức (cognitive bias) khiến cho họ không nhận ra là họ sai lầm. Hơn thế nữa, họ còn tự cho rằng họ luôn luôn đúng. Những người tôn sùng Trump không phải vì họ thiếu thông tin mà vì không nhận biết là họ nhận thông tin sai.

Tâm lý sợ hãi quá đáng (Hypersensitivity to Threat). Người có xu hướng bảo thủ thường có những phản ứng sinh lý mạnh mẽ hơn khi nghe tiếng ồn hay nhìn thấy những hình ảnh sinh động hơn là người có đầu óc tự do. Các khảo sát về hình ảnh não bộ (brain-imaging study) cho thấy não bộ của những người bảo thủ thường phản ứng tự động, không chịu ảnh hưởng của lý trí hay luận lý. Chừng nào mà ông Trump còn kích hoạt nỗi sợ hãi Hồi giáo, sợ hãi di dân thì óc não của họ tự động sáng lên y như thể được kiểm soát bởi một cái nút bấm.

Gây sự chú ý cao (High Attentional Engagement). Theo một khảo cứu về não bộ những người tham dự tranh cãi của các ứng viên tổng thống, người ta nhận thấy ông Trump có điểm độc đáo: khả năng giữ cho não bộ khán giả thường xuyên hoạt động. Trong lúc bà Hillary chỉ có thể giữ sự chú ý của khán giả một khoảng thời gian ngắn, thì Trump lại giữ mức độ chú ý và cảm xúc cao, xuyên qua suốt cả thời gian tranh cãi. Cách nói (cố ý) khoe khoang và những thông điệp đơn giản mà ông đưa ra đánh động mạnh vào xúc cảm của người nghe, để lại nhiều âm vang về sau.

Chứng nghiện giải trí và truyền hình thực tế (Reality TV). Truyền hình thực tế là chương trình người thực việc thực, không cần đạo diễn, không cần diễn viên. Xem truyền hình thực tế, khán giả không thể suy đoán câu chuyện. Trong các cuộc vận động tranh cử, thông thường các chính trị gia chỉ đọc những bài đã soạn sẵn, khán giả hầu như có thể đoán biết sẽ được nghe những gì. Trump khác hẳn. Là một người dày kinh nghiệm về truyền hình thực tế, mỗi lần xuất hiện, ông ứng khẩu, dựa vào thực tế, lúc nào cũng có điều bất ngờ, mới mẻ để nói. Trong buổi nói chuyện tại Tulsa (20/6/2020), ông dành cả hơn chục phút để giải thích tại sao ông phải bưng ly nước hai tay để uống hôm đọc diễn văn ở trường West Point: bận đưa tay lên chào các tân sĩ quan đến… 600 lần; vừa nói ông vừa làm điệu bộ, cử chỉ minh họa. Và khán giả vỗ tay rầm trời. Nói chung, khi nghe ông nói, khán giả thường ít khi suy đoán được những gì ông sắp nói hay sắp làm. Nên hứng thú, hồi hộp, chờ đợi. Đang họp báo, ông đột ngột chấm dứt, quay lưng bỏ đi, không thèm trả lời câu hỏi của thông tín viên, khiến mọi người chưng hửng; đang ở trong tòa Bạch Ốc theo dõi cuộc biểu tình ở bên ngoài, ông đùng đùng ra lệnh giải tán biểu tình để đi bộ tới nhà thờ, cầm cuốn Thánh Kinh chụp hình rồi đi về, khiến ngay cả đoàn tùy tùng đi theo ông cũng ngẩn ngơ. Bất ngờ như trong một phim kinh dị!

Tóm lại, hễ xuất hiện, Trump bao giờ cũng tìm cách “make news”: làm cho sự kiện trở thành tin nổi bật. Hoặc khoe khoang thành tích của mình, hoặc rủa sả truyền thông hoặc đưa ra những giả thuyết khác thường: thuốc ngừa sốt rét chống được con siêu vi, tiêm chích thuốc sát trùng vào cơ thể để chữa bệnh, vân vân và vân vân. Chẳng lạ gì, như được “kích hoạt”, các hành vi hay phát biểu của ông bao giờ cũng được truyền thông đưa lên tin hàng đầu, không những thế, được nhắc đi nhăc lại vô số lần. Có vẻ như họ bị lọt vào bẫy! Theo nhận xét của một thành viên trong cuộc thảo luận về bầu cử ở trang “FiveThirtyEight” [26], Trump có năng khiếu tạo ra tranh cãi, (nguyên văn: controversy/tranh cãi, chaos/hỗn loạn, division/chia rẽ). Khả năng đó làm cho ông trông mạnh, vững, ra vẻ lãnh tụ (leader-ish). Đã thế, Trump còn tìm cách thay đổi trò chơi nhiều lần để kích thích trạng thái tâm lý của những người ủng hộ, thúc đẩy họ tiếp tục duy trì quan điểm cực đoan của mình và ủng hộ ông. Dưới mắt họ, Trump không bao giờ sai. Cố Thượng nghị sĩ McCain nhận xét: nghệ thuật của Trump là nghệ thuật thổi bùng sự cuồng nhiệt (crazies) [27].

Tắt lại, sự tôn sùng thường tập trung vào cá nhân. Tôn sùng một người là tôn sùng chính bản thân người đó trước. Người được tôn sùng, Trump, trở thành mẫu mực. Trump chống bác sĩ Anthony Fauci là người ta chống Anthony Fauci; Trump chống Bill Gates là người ta chống Bill Gates, Trump chống Tedros Adhanom (tổng giám đốc WHO) là người ta chống Tedros, Trump ủng hộ thuốc sốt rét là người ủng hộ thuốc sốt rét, Trump nói đừng đeo mặt nạ là người ta không đeo mặt nạ… Mặt khác, ai đụng đến Trump là bị “đánh” te tua, không thương tiếc, dù đó là các khuôn mặt cao cấp vốn từng được kính trọng như các Thượng nghị sĩ McCain, Romney hay cựu Tổng thống Bush (Con), cựu cố vấn John Bolton, hay tướng Mattis, vân vân và vân vân.

Ham vui với sự cổ võ nhiệt tình của những người ủng hộ hay tôn sùng, có lẽ đôi khi ông quên rằng ông là TỔNG THỐNG CỦA HOA KỲ chứ không chỉ là tổng thống của những “fan” hay “base” của ông. Lẽ ra, một khi đã là tổng thống, ông phải là tổng thống của cả những người “ÔNG KHÔNG ƯA”, chẳng hạn những Low Energy Jeb (Jeb Bush yếu đuối), Lyin’Ted (Cruz dối trá), Crooked Hillary (Hillary lươn lẹo), Cheatin’ Obama (Obama lừa đảo), Little Marco (Marco bé bỏng), Wacko John Bolton (Bolton dở hơi), Nervous Nancy (Nancy hoảng hốt)… lẫn những người “KHÔNG ƯA ÔNG”, kể cả những Do-Nothing Democrats (đám Dân Chủ Không-Làm-Nên-Trò-Trống-Gì-Cả) hay phong trào BLM, vốn chiếm khoảng một nửa số cử tri Hoa Kỳ [28].

Nhưng nghĩ cho cùng: người tôn sùng thì làm cho ông vui đã rồi, nhưng những người chống ông, tuy làm ông bực, nhưng lại là những tấm gương soi quý giá để ông nhìn lại chính ông và những việc ông làm.

Chẳng lợi lắm ru!

Trump vs Not-Trump

Rốt cuộc, nói một cách nghịch lý, theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc tranh cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa Trump và chính ông! Một hình thức trưng cầu dân ý về Trump. Vì sao?

Đối thủ của ông, nguyên Phó Tổng thống Joe Biden, không phải là một ứng cử viên sáng giá của DC. Trong lúc Trump ăn nói lưu loát, hùng biện trước đám đông thì Biden khá yếu về mặt này. Biden ăn nói không trôi chảy, lại hay vấp váp, nhất là khi phải trả lời những câu hỏi bất ngờ từ báo chí. Điều này đã được chứng minh qua những lần tranh cãi giữa Biden và các ứng cử viên DC khác. Nắm vững điểm yếu này, hễ có dịp là Trump mang Biden ra bêu riếu. Trump đặt cho Biden biệt danh là “Sleepy Joe” (Biden ngái ngủ). Bóng bẩy hơn, Trump gọi Biden “là một con búp bê bơ vơ của đám cực tả” (Biden is a helpless puppet of radical left). Mới đây, ông còn tố cáo Biden là “giấu giếm những dấu hiệu suy đồi về nhận thức” (cognitive decline) và thách thức ông Biden đi thử nghiệm về chứng mất trí nhớ (dementia test) [29].

Có điều, trong lúc không có gì đáng nói về Biden, thì những vấp váp và lẫm lỗi của Trump đâm ra có lợi cho Biden. Khi không khí đảng tranh càng ngày càng tiêu cực, cơn dịch vẫn còn trong vũng lầy và phong trào BLM chưa có dấu hiệu lắng xuống, nếu ông Trump-tổng-thống càng vấp lỗi lầm thì điểm của Biden-ứng-cử-viên càng lên cao. Lẽ thường: ít nói, ít vấp; nói nhiều, vấp nhiều. Ông Trump nói nhiều, sao khỏi vấp. Đó là lý do khiến trong tháng Sáu, Biden cao điểm hơn hẳn Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò, kể cả thăm dò của hệ thống Fox thân-Trump. Sáu mươi phần trăm (60%) những người được thăm dò cho biết họ ủng hộ Biden là vì họ chống Trump, theo CNN trong cuộc thăm dò dư luận vào đầu tháng 6/2020. Cũng thế, đầu tháng Bảy, thăm dò dư luận của USA Today (2/7/20) [30] cho thấy chống-Trump là yếu tố then chốt khiến người ta ủng hộ Biden.

Bởi thế, thay vì là cuộc đối đầu Trump vs Biden, các chuyên gia bầu cử hình dung cuộc bầu cử tổng thống năm nay một cách khác: cuộc đối đầu Trump vs Not Trump. Trump và/hay Không Trump! Cụ thể ra: hoặc Trump hoặc bất cứ ai. Đúng là xem thường ông Biden. Phải chăng bóng dáng Trump quá lớn, lớn đến nỗi choán hết không gian bầu cử?

Chờ xem: dzậy mà đôi khi không phải dzậy! Sau quá nhiều sóng gió do cung cách làm việc và những phát ngôn đầy cá tính của Trump, bầu cho Biden, đối với một số người, là bầu cho sự trở về nguyên trạng (status quo), bầu cho sự ổn định. Chính đây cũng lại là xu hướng của một số nhân vật CH cao cấp, trước đây đã từng là quan chức dưới thời Tổng thống Bush (Con). Kristopher Purcell, một trong số đó, phát biểu, “Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nghị trình của DC, nhưng lần này là cuộc “bầu cử một-chủ-điểm” (one-issue election): “Bạn ủng hộ Trump hay ủng hộ nước nước Mỹ” (Are you for Donald Trump, or are you for America) [31]. Chỉ là một cách nói. Tóm lại:

Trump hay Không-Trump.

Chẵn hay lẻ.

Thế thôi!

IV. Kết

Từ ngày có quốc tịch, tôi đã từng năm lần đi bầu tổng thống với tính cách cử tri độc lập, nhiều lần đi bầu thượng viện, Hạ viện, liên bang cũng như của tiểu bang, và các cuộc bầu cử địa phương linh tinh khác. Thỉnh thoảng có đi bầu sơ bộ (primary). Khi thì tôi bầu cho CH khi thì cho DC. Có khi bầu cho Tổng thống DC nhưng lại bầu cho Thượng nghị sĩ hay dân biểu CH, có khi thì ngược lại. Cũng có vài lần tình nguyện đi xem phòng phiếu (poll worker). Khác với không khí tranh cử ồn ào, náo nhiệt và gay gắt khi tranh cử, ngày bầu cử lúc nào cũng diễn ra êm thắm, trật tự. Bầu xong, ai về nhà nấy đợi xem kết quả.

Trong tất cả các lần đi bầu, tôi thích thú theo dõi cách người Mỹ giải quyết cuộc bầu cử tổng thống khá gay cấn năm 2000. Kết quả phiếu cử tri đoàn của 47 tiểu bang cho thấy hai ứng cử viên George Bush (CH) và Al Gore (DC) ngang ngửa nhau: Gore 250, Bush 246. Còn lại 3 tiểu bang chưa có kết quả. Vì hai tiểu bang kia, con số cử tri đoàn quá nhỏ, nên tiểu bang Florida với 25 phiếu cử tri đoàn đóng vai trò quyết định, ai thắng Florida, sẽ đắc cử tổng thống [32]. Sau khi đếm phiếu, Bush thắng. Nhưng chênh lệch phiếu giữa hai ứng cử viên quá nhỏ (Bush hơn Gore 1784 phiếu) nên theo luật, phải tiến hành thủ tục đếm phiếu lại (recount). Đếm xong, ông Bush vẫn dẫn trước nhưng số chênh lệch còn ít hơn nhiều, nên DC đòi đếm lại phiếu bằng tay (manual recount). Hai bên tranh cãi nhau kịch liệt, cuối cùng phải nhờ đến Tối cao Pháp viện (TCPV) phân xử. TCPV bang Florida bênh DC, ra lệnh cho đếm phiếu lại bằng tay. CH không chịu, kiện lên TCPV liên bang. TCPV liên bang bênh CH, không chấp nhận đếm phiếu bằng tay, rốt cuộc, ông Bush (Con) thắng cử với cách biệt 547 phiếu bầu trong sự cay đắng của Đảng DC. Trước sự giận dữ của toàn Đảng DC và người ủng hộ, Phó Tổng thống Al Gore thẳng thắn tuyên bố, “Bây giờ TCPV đã lên tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong khi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của tòa, tôi chấp nhận nó” [33].

Đẹp!

Năm nay, vừa tự nhốt ở nhà để tránh dịch, lại vừa nhìn hai đảng đem nhau ra bêu riếu trước bàn dân thiên hạ năm châu bốn biển để tranh phiếu, nhìn những người trong phong trào BLM rùng rùng đi biểu tình trong lúc có cơn dịch bệnh, tôi thật chán nản pha lẫn đôi chút ngượng ngùng. “Miếng đỉnh chung” làm cho một nước văn minh như Mỹ mà chia rẽ, đấu đá nhau, dày vò nhau, rủa sả nhau, bần tiện và thô lỗ đến như vậy sao? Ai đúng ai sai?

Tôi tự trả lời tôi: Trong một xã hội vô cùng mở như Hoa Kỳ, không có cái gì là duy nhất Đúng và cũng chẳng có cái gì là duy nhất Sai. Trong mỗi Đúng có cái Sai và trong mỗi Sai có cái Đúng; hôm nay Đúng ngày mai Sai; chỗ này Đúng chỗ kia Sai. Đúng trong sai, sai trong đúng, chính là dân chủ vậy. Tôi vẫn thích phát biểu này của nhà văn Voltaire, Pháp: “Tôi không đồng ý với những điều bạn nói nhưng tôi sẽ tranh đấu đến cùng quyền của bạn được nói lên điều ấy” (Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire). Dân chủ là tạo cơ hội để đối thủ mình nói chứ không tìm cách bịt miệng đối thủ. Khác với cái ổn định buồn nản, trơ tráo của những nước độc tài, ổn định ở Mỹ là một ổn định… sinh động. Báo chí, truyền hình và các trang mạng Mỹ tràn đầy những tranh cãi không dứt. Tranh cãi mà không bôi bẩn. Hãy theo dõi Fox và CNN chẳng hạn: liên miên phê phán, chỉ trích lẫn nhau, nhưng không miệt thị nhau.

Ông Donald Trump được bầu làm tổng thống có thể là vì người Mỹ cần điều chỉnh những gì không đúng trước đó. Nếu ông được bầu lại thì có lẽ nước Mỹ vẫn còn cần ông để tiếp tục công cuộc điều chỉnh. Nhưng nếu ông không còn được tín nhiệm nữa, thì có lẽ nước Mỹ không chấp nhận cái cách điều chỉnh của ông, hoặc điều chỉnh như thế là … quá đủ.

“It’s time for me to go” (Đây là lúc tôi phải ra đi). Đó là câu kết thúc trong lời tuyên bố chấp nhận thất cử của ứng cử viên Al Gore 20 năm trước đây. Sau đó, ông cựu Phó Tổng thống này lặng lẽ biến mất khỏi chính trường.

Cái hơn người của Mỹ là ở chỗ đó: định chế.

Nước Mỹ không cần “minh quân”, cũng chẳng cần “vị cứu tinh” nào cả.

Cứu tinh của Mỹ chính là nền dân chủ.

7/2020

T.H.T.

________

(Ghi chú: tác giả viết bài này dựa trên khoảng 6, 7 chục bài báo và bản tin Anh ngữ có sẵn trên Internet. Chỉ những chi tiết nào thật đặc biệt cần ghi lại để kiểm tra, tác giả mới chỉ rõ nguồn ở các chú thích cuối bài viết. Vì thế, để tránh rườm rà, tác giả không liệt kê phần tài liệu tham khảo. Mong quý độc giả thông cảm.)

________

Chú thích:

[1] Nhà văn Pháp-Mỹ gốc Cuba (1903-1977)

[2] Phát biểu tại Sioux City, Iowa, 23/1/2016. Xem video:

https://www.realclearpolitics.com/video/2016/01/23/trump_i_could_stand_in_the_middle_of_fifth_avenue_and_shoot_somebody_and_i_wouldnt_lose_any_voters.html

[3] Hai nhóm chữ Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ được nhắc lui nhắc tới nhiều lần trong bài viết, nên trong suốt bài, tôi sử dụng chữ viết tắc: CH = Cộng Hòa (hay đảng Cộng Hòa); và DC = Dân Chủ (hay đảng Dân Chủ).

[4] Nguyên văn: This is not about electing a personality, this isn’t Hollywood, this is the rough, tumble world of politics.

[5] https://www.foxnews.com/media/mike-huckabee-republicans-president-trump-reelection

[6] If Biden, Pelosi and Schumer are in charge in 2021 get ready for this nightmare

https://www.foxnews.com/opinion/biden-pelosi-schumer-2021-newt-gingrich

[7] Our choice in November will not be between President Trump and President Perfection. It will be between President Trump and a nightmare that would end America as we have known it.

[8] Được Hạ viện do DC kiểm soát thông qua với số phiếu 407-1, Thượng Viện thông qua với số phiếu 100% và tổng thống Trump ký hôm 17/6/20 biến nó thành đạo luật,

[9] https://news.yahoo.com/exclusive-republican-former-u-national-155146283.html

[10] Thực ra, Mỹ còn có nhiều đảng chính trị khác như Constitution, Green, Libertarian… nhưng ảnh hưởng không đáng kể, nên vẫn được xem là lưỡng đảng (two-party system).

[11] Xem: “Metaphor, Morality, and Politics, Or, Why Conservatives Have Left Liberals In the Dust” (1995) và “Understanding Trump” (2016).

[12] Xem: https://www.whitehouse.gov/about-the-white-house/our-government/

[13] We Are Living in a Failed State, George Packer

Xem: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2020/06/underlying-conditions/610261/

[14] Today, CNN does not broadcast the news; it broadcasts what it wants you to think the news is. At long last, it has become Fox.” (Charles Cooke). Xem:

https://www.nationalreview.com/magazine/2019/12/31/cnn-is-not-a-news-network/

[15] Theo câu phát biểu có tính cách than phiền của thượng nghị sĩ Cộng Hoà Lamar Alexander về chuyện khẩu trang.

[16] Black Lives Matter Philadelphia leader proposes five-year plan to abolish police

https://www.foxnews.com/us/black-lives-matter-philadelphia-leader-abolish-police

[17] Trump’s remarks at Mount Rushmore 7/4/2020

https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-south-dakotas-2020-mount-rushmore-fireworks-celebration-keystone-south-dakota/

[18] Biden rejects calls to defund police (CBS interview 6/8/20)

https://www.politico.com/news/2020/06/08/biden-campaign-rejects-defund-police-307401

[19] Xem:

https://www.bushcenter.org/about-the-center/newsroom/press-releases/2020/06/statement-by-president-george-w-bush.html

[20] Why Trump’s supporters will never abandon him

https://www.bbc.com/news/world-us-canada-41028733

[21] THT, Như một phản diện: Donald Trump,

https://damau.org/39541/nhu-mot-phan-dien-donald-trump

[22] Hoặc tạm dịch một cách khác là “phải đạo” (political correctness/politically correct)

[23] Nguyên văn: The polls, they say I have the most loyal people (…) Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters, okay?” (2016)

[24] A world away from Washington, loyal supporters stand by the President in Trump country

https://www.cnn.com/2020/06/09/politics/trump-supporters-florida/index.html

[25] The Psychology Behind Donald Trump’s Unwavering Support

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/mind-in-the-machine/201609/the-psychology-behind-donald-trumps-unwavering-support

[26] Is Public Opinion Turning Against President Trump? (Discussion) FiveThirtyEight 10/6/20, Lee.Drutm

[27] What he did was he fired up the crazies (McCain)

[28] Những nhóm chữ in nghiêng là những biệt danh (nicknames) mà Trump đặt cho những người “ông không thích” và những người “không thích ông”.

[29] Xem: https://www.yahoo.com/news/trump-challenges-biden-cognitive-test-125820477.html

[30] USA Today

https://www.yahoo.com/news/exclusive-usa-today-poll-biden-180009225.html

[31] ‘We’ve got to do something’: Republican rebels come together to take on Trump, Daniel Straussin Washington. (The Guardian, 7/5/20)

https://www.yahoo.com/news/weve-got-something-republican-rebels-090038966.html

[32] Để đắc cử tổng thống, một ứng cử viên cần 270 phiếu cử tri đoàn trở lên. Nếu Gore thắng Florida, sẽ được: 250 + 25 = 275 (>270); nếu Bush thắng Florida, sẽ được: 246 + 25 = 271 (>270).. [33] Now the US supreme court has spoken. Let there be no doubt, while I strongly disagree with the court’s decision, I accept it.

PHÂN ƯU

Nhạc sĩ TRẦN QUANG LỘC qua đời

Trần Quang Lộc (1949–7 tháng 6 năm 2020[1]) là một nhạc sĩ Việt Nam được biết đến nhiều qua hai sáng tác Về đây nghe emCó phải em mùa thu Hà Nội và Áo hoa.

Tiểu sử

Trần Quang Lộc sinh năm 1949, tại Gio LinhQuảng Trị. Năm 20 tuổi, ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông là “Hát trong dòng sông xưa” được xuất bản năm 1970.

Những bài hát của ông hầu hết đều mang sắc thái tình người, tình quê hương, như Về đây nghe emEm còn nhớ Huế khôngCó phải mùa thu Hà NộiChợt nghe em hátÁo hoa,…

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại trong nước và sống tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đến khi qua đời vào ngày 7 tháng 6 năm 2020.[2]

Ở trong nước, các sáng tác của ông được biết đến và biểu diễn thành công qua tiếng hát của Hồng Nhung và Thu Phương.[3]

Ở hải ngoại, các sáng tác của ông được thâu âm và trình diễn đầu tiên bởi Hương Lan.

Có phải em mùa thu Hà Nội

Bản nhạc nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc là bài Có phải em mùa thu Hà Nội? hoàn tất năm 1972, phổ từ thơ của Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Thăng Long xưa với “hồn Trưng Vương sông Hát”.

Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Ngày sang thu anh lót lá em nằm

Bên trời xa sương tóc bay

Về đây nghe em

Cũng là bài thơ phổ nhạc, nhạc phẩm Về đây nghe em trích từ bài thơ của A Khuê. Tác phẩm này ra đời năm 1967 nhưng bị vùi quên sau năm 1975 và mãi đến năm 1990 mới được phổ biến ở Việt Nam.[4] Lời hát nghe mộc mạc, gần gũi với bất cứ một ai đã từng sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Nam.

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu

Để hận thù người người lắng xuống

Và tìm nhau như tìm xót xa

Trong lúc lệ đã đầy vơi

Woman4

 

VẾT SẸO CÔ ĐƠN

 

Cô đơn có bao giờ cũ ?

Niệm cầu trong mỗi phút giây

Thả rơi dọc đường thiên lý

Lấp vùi khoảng trống xót xa

 

Chiều nay bước chân sao vội

Xanh xao gót nắng vào đêm

Nghe rơi một niềm thương nhớ

Cô đơn

Ôi vết sẹo buồn

 

Nhạc ngân khúc hát từ ly

Héo mòn lời ca ân ái

Cô đơn lên ngôi

Hoàng hậu

 

Đêm nay

Bên trời mong nhớ

Gục đầu

Tựa nỗi cô đơn

 

 

Đặng Lưu San

 

 

 

HOA HỒNG

 

 

Những cánh hồng thơm môi con gái

Ngọt mật ong

Song sánh men tình trong ánh mắt

Ngã

Đuối

Những cơn say

 

Loạng choạng đêm

Em

Một giấc dài mộng mị

 

Mầm gai khẽ cựa

Nét chì gãy trên tờ giấy vẽ

Toạc giấc mơ

Ngày

Anh

Thức giấc

 

Hoa hồng cả triệu năm

Nở

Vẫn thơm mùi ân ái

 

Đóa hồng

Tình yêu

Anh

Cớ sao

Vội tàn lụi

Theo mùa

 

Đặng Lưu San

 

 

VIẾT CHO NGÀY VALENTINE ĐEN

 

 

Ta nhìn ta qua tấm gương

Nét nhòe nghiêng mái tóc buông

Phấn mờ phai sắc hương trên má

Môi son nhạt thêm những hững hờ

 

Ta ngắm hồn ta qua tấm gương

Đục trong khơi gạn một thời nhớ

Lãng đãng xa rồi

Lãng đãng mây

 

Ta ngắm nhìn nhau qua tấm gương

Lung linh hồn ai qua đôi mắt vương

Ta ngắm nhìn nhau trong bóng đêm

Trang phục đen phủ bóng quen

 

Thấp thoáng bóng ai qua tấm gfương

Vòng tay ôm riết đêm biển nhớ

Ắp tiếng cười em

Tiếng cười anh

 

Ta nhìn đời nhay qua tấm gương

Có điều chi ta giấu nhau

Ta giấu nhau một đời quạnh hưu

Ta giấu nhau một đời nhạt nhòa

 

Ta nhìn mắt ai qua tấm gương

Bóng người đã xa như sương khói

Giấu giọt lệ rơi

Em với anh.

 

 

Đặng Lưu San

 

 

 

Mark Surridge

MÙA ĐÔNG QUÊ MẸ
Đã qua những ngày hửng nắng
Mùa đông xịu mặt quay về
Ngọn gió tươi non mắt tím
Ào ào thổi dọc triền đê…

Cánh đồng xa trơ gốc rạ
Ai như bóng mẹ trên đồng
Mùa đông còng trên lưng mẹ
Đường xa đỏ mắt mẹ trông…

Cải ngồng sắp dâng màu nắng
Ngô non mong ngóng phất cờ
Dòng sông con đò đi vắng
Để hàng tre đứng ngẩn ngơ…

Đã lâu không về quê mẹ
Lòng ai chợt thấy bơ vơ
Vòm cây đang mùa rụng lá
Sương bay lạnh cả mộng mơ…

Hương mùa đông trong khói bếp
Mùi cơm nếp chín thơm chiều
Tóc em ngọt ngào khoai nướng
Cá giềng hay thịt kho tiêu…

Cho em bay về nơi ấy
Làng quê dịu ngọt thân yêu
Dù không sáo diều vi vút
Mùa đông vẫn hát bao điều…

Bùi Thanh Hà

 

SÓNG LÒNG

Chạm tay vào mùa đông
Tôi thấy dòng sông nổi sóng…

Con sóng mênh mông thăm thẳm lòng người
Con sóng nổi nênh bao chuyện khóc cười
Cõi đời ngổn ngang
Giọt nước mắt bay xiên vào đêm trắng…

Những con chữ muốn trốn vào im lặng
Ú tìm những cách tân rổn rảng tựa đùa chơi…

Những ngọn sóng đầy vơi
Cuốn trôi mọi bọt bèo, rác rến
Như cõi lòng khát khao tình thương mến
Đâu để nỗi đau, sự tha hóa cuốn trôi mình…

Này những bé em với cánh môi xinh
Những Mầm xanh, con đừng khóc!
Mẹ ru con và tự ru mình vào câu hát
Thuở ông bà thân cò, thân vạc lặn lội bờ sông…

Con sẽ biết về thảm vàng lúa trải mênh mông
Về “nụ tầm xuân nở ra tím biếc”
Con sẽ vẫy vùng thỏa thuê trong lời ca mẹ hát
Có đám mây dịu dàng cánh hạc đưa nôi…

Con sẽ biết nàng Kiều trong khúc hát à… ơi…
Nhìn thấy bầu trời ” long lanh đáy nước”
Sẽ hiểu nỗi buồn những ai lênh đênh xuôi ngược
tha hương thăm thẳm phương trời…

Mẹ mong sao khúc hát à… ời…
Không bao giờ lạc mất
Để những người dân quê chân đất
hát vang cùng các nhà bác học tài ba
Để lời ru ngân nga… vang xa…
Về những cánh buồm vỗ sóng
Về “gừng cay muối mặn”
Về “con Lạc, cháu Hồng”
Về các đức vua Hùng
Về Bà Trưng, bà Triệu…
Những lời ru như ngàn lời hiệu triệu
tâm hồn Việt bốn nghìn năm…

Liệu những con chữ xa xăm
Có thể mọc mầm Văn hóa Việt?

Ai là người thông minh hơn nhân dân
Bạn có thể cho tôi biết?

Bùi Thanh Hà
(2017)

 

NỖI NHỚ NGƯỜI XA

 
Miền đất nơi em đầy gió
Mà không có hạt bụi nào
Ước gì anh làm hạt bụi
Bám má em hồng hanh hao…

Miền đất nơi em đầy nắng
Trời xanh, mây trắng cao vời
Ước gì anh là hạt nước
Đọng mi em buồn chơi vơi…

Miền đất em không biển khơi
Cỏ cứ xanh ngời bất tận
Anh muốn làm chút muối mặn
Rưng rưng bờ môi em cười…

Thôi đừng ước nữa người ơi!
Em cũng muốn làm nắng, gió
Muốn mình li ti bụi nhỏ
Làm muối mặn tan biển đời…

Làm cả trời xanh anh ơi!
Làm núi, làm mây, làm nước
Làm cánh chim bay xanh biếc
Làm lá hoa xôn xao trời…

Nhưng em làm em mất rồi
Mong manh, dịu dàng, bé nhỏ
Giống như một bông hoa cỏ
Anh vừa chạm khẽ…
… bay lên…

Bùi Thanh Hà

 

NỖI BUỒN MÙA HOA CẢI

 

Ngày em đi lấy chồng
Hoa cải vàng ngơ ngẩn
Mây lang thang vơ vẩn
Sông buồn thao thiết trôi…

Nắng lên xuống đầy vơi
Gió thì thầm lưu luyến
Trời cứ xanh xao xuyến
Đất quên mùa sinh sôi…

Có giọt đắng trên môi
Giọt buồn rơi khóe mắt
Sóng không thôi dào dạt
Giá băng tim anh rồi…

Hoa vàng cứ vàng thôi
Gửi bao lời thương nhớ
Hắt hiu bao mắt cỏ
Dõi em sang nhà người…

Xe hoa đã xa rồi
Lòng anh còn nổi gió
Khát một trời nắng nỏ
Hoa cải vàng đơn côi…

Bùi Thanh Hà

 
NHỚ MỘT MÙA HOA

 
Đã sắp xa mùa nhung nhớ
Cải hoa mấy độ khoe màu
Rau dăm cứ xanh ngời ngợi
Lời tình dan díu lòng nhau…

Anh đi qua miền gió biếc
Sợi buồn cuốn trái tim đau
Mùa vàng rưng rưng nuối tiếc
Nắng vương, vương mấy giọt sầu…

Nhớ mùa đông nào tê tái
Mắt em lấp lánh muôn màu
Hoa vàng cài trên mái tóc
Em cười… nắng tỏa mùa sau…

Lại sắp qua mùa hoa cải
Sắc hương xin gửi lại trời
Anh cùng rau dăm ở lại
Đắng cay… chỉ một mình thôi…

Bùi Thanh Hà

 

THƯƠNG NHỚ

 

Anh à
đêm qua em khóc
Chiếc khăn vắt trên vai
bỗng rơi xuống đất
Nước mắt nhòe
Đèn thắp thâu đêm…

Đêm đô thành lạnh lẽo
mờ sương
Trăng buốt giá
Sao chìm vào nỗi nhớ…

Anh xa quá
Trái tim em một nửa
Từng giọt đợi chờ
Máu ứa
Bầm đêm…

Có tiếng lá cây xào xạc bên thềm
Tiếng cú rúc vào bóng tối
Anh đang ở đâu anh hỡi
Có nhớ người “nhát thối” hôm xưa…

Đã bao đêm em nằm nghe tiếng mưa
Gõ vào lòng hy vọng
Hình dung những nụ hôn say đắm
Ngày anh trở về…

Để rồi thức dậy tái tê
Đèn không hắt bóng
Căn nhà trống rỗng
Tìm đâu con nhện giăng mùng…
Bùi Thanh Hà 

 

Tưởng nhớ Chân Phương

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Chân Phương từ giã cõi đời chiều ngày 6 Tháng Năm, 2020, tại nhà riêng của chàng, một căn nhà tuyệt đẹp, tọa lạc tại một hòn đảo nhỏ thuộc thị trấn Hull, cách Boston, Massachusetts, chừng vài dặm theo đường chim bay.

Về hưu, chàng chọn mua căn nhà này, hàng ngày thù tạc một mình với sách vở, gió biển, chân trời và những bài thơ.

“ngày tàn
rượu sắp cạn
lũ chim tha đi mớ vỡ vụn tâm trạng
sắc chiều loang
bệnh chứng thời gian
trước màn đêm và mấy cột thuyền
sự đơn độc kéo tôi lên
như lá cờ phất phơ
giữa hằng hà giấc mơ số hóa”


(Phiên Bản Của Tâm Trạng)

Bài thơ có nhiều hình ảnh rất quen thuộc: rượu, chim, cột thuyền, nắng tà, màn đêm và những hình ảnh không mấy quen thuộc: bệnh chứng thời gian, giấc mơ số hóa.

Đọc, ta cảm nhận một cái gì đang trôi, trôi qua trong sự đơn độc và buồn. Theo chàng, một bài thơ, dù không có vần, điệu nhịp nhàng, đọc nghe không êm tai, nhưng là một vũ điệu, “vũ điệu của lời.” Nó đòi hỏi một sự phối hợp hài hòa giữa ngôn ngữ, nhịp điệu và cấu trúc.

Chàng phát biểu, “Nếu ví bài thơ như một bức tranh thì mỗi câu là một hoa văn hài hòa với các đường nét màu sắc, tất cả tổ hợp thành một toàn thể thẩm mỹ mới. Tạm gác một bên bí mật và động cơ của sáng tạo, thao tác cơ bản của người làm thơ gồm các việc: chọn chữ, đúc câu, kiến trúc cả bài. Nếu câu văn chỉ cần cú pháp, câu thơ còn cần thêm cú điệu. Không chỉ là phù thủy ngữ pháp (đảo ngữ, kiệm từ, ngắt câu, vắt dòng…), thi nhân còn là nhạc sư của tiếng nói (thanh điệu, ngữ điệu, trường độ, trọng âm, tiết nhịp…). Trong kiến trúc cao cấp và phức hợp của mỗi bài thơ, chữ gọi chữ, câu gọi câu, ý gọi ý, tượng gọi tượng, tất cả mời nhau tham dự vào vũ điệu của lời.” (1)

Suốt đời, chàng đã sáng tác hàng trăm “vũ điệu của lời” như thế, rải rác đó đây trên những tạp chí văn chương, giấy cũng như mạng. Vũ điệu của chàng có nét riêng, khá riêng như thế, nên bút danh Chân Phương vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Không sao. Chàng ít quan tâm đến sự nổi tiếng mà chỉ tìm cách thể hiện chính mình. Độc giả có thể tìm thấy tất cả sự nghiệp của chàng trên hai trang “Ăn Mày Văn Chương” và “Tri Âm Club.” (2)

NhaTDN_2

Từ trái Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho, Đỗ Quý Toàn, Chân Phương. Đặng Ngọc Cương và Trần Thu Miên ( quay lưng )

***

Chàng ra đi, để lại một khoảng trống lớn trong lòng bạn bè. Với riêng tôi, và với cả Nguyễn Trọng Khôi, một trong những người bạn rất thân và rất gần gũi, thù tạc vãng lai với chàng trong gần cả 25 năm ở Boston, khoảng trống đó còn lớn hơn bội phần.

Sáng sớm 6 Tháng Năm, 2020, đọc mấy dòng điện thư của Nguyễn Trọng Khôi báo tin chàng mất, tôi có cảm giác như đột nhiên bước hỏng chân nơi bậc thềm, ngã xuống, gượng đứng lên, bàng hoàng nhìn ánh nắng rơi bên ngoài cửa sổ hốt hoảng nhòe đi trong màn mưa. Biết sớm muộn, chàng cũng sẽ ra đi, nhưng sao mà vội thế. Buồn, buồn hết biết!

Chàng mang căn bệnh nan y cả 10 năm, ấy thế mà, chàng vẫn sống, vẫn vui chơi với bạn bè y như một người bình thường, rất bình thường. Đến nỗi mãi đến vài năm trước đây, tôi mới biết chàng có bệnh.

Còn nhớ, khi nâng cốc bia hơi trong tửu quán John Harvard’s Brewery & Ale House, Cambridge (gần Đại Học Harvard) nơi chúng tôi thường gặp gỡ hay tiếp đãi bạn bè từ xa đến, chàng nói, “Moi bị ung thư, đang chữa trị.” Tôi sửng sốt nhìn chàng, định hỏi thêm, nhưng chàng xua tay, lảng sang chuyện khác. Và từ đó về sau, không hề nghe chàng nói một lời nào về bệnh tật của mình. Chàng vẫn họp mặt cùng bạn bè, khi thì ở Worcester (nhà Trần Doãn Nho), khi thì Waltham (nhà Nguyễn Trọng Khôi), khi thì Hull (nhà Chân Phương), khi thì Milton (nhà Trần Thu Miên), khi thì Dorchester (nhà Nguyễn Ngọc Phong), khi thì Randolph (nhà Bùi Thạch Trường Sơn), khi thì Reading (nhà Nhất Chi Vũ) khi thì lang thang, la cà các tửu quán hay quán Cà Phê ở Cambridge,  vui vẻ, lạc quan. Hôm tháng Mười Hai, 2019, họp mặt tại nhà Nguyễn Trọng Khôi, trời lạnh, chàng vẫn lái xe chở anh Nguyễn Huệ Chi đến và như thói thường, vẫn mang theo chai rượu ngon. Lúc này, chàng gần như mất tiếng, giọng nói khàn khàn. Suốt bữa tiệc, chàng nói ít, không hát và vẫn nâng ly cùng bạn bè. Cuối tiệc, chàng lấy điện thoại cầm tay ra, mở cho mọi người nghe lại bản nhạc “Thập Giá và Mạn Đà La,” thơ của chàng, tôi phổ nhạc, Nguyễn Trọng Khôi đệm đàn và Nguyễn Ngọc Phong hát. Chia tay ra về, chàng còn hẹn gặp. Biết là chàng yếu lắm rồi, nhưng không ai ngờ đây là lần gặp cuối cùng của chàng với chúng tôi.

Khoảng hai tháng trước khi mất, tôi gửi cuốn sách mới (trong đó có bài tôi bình thơ chàng), chàng gọi điện thoại cho tôi, giọng vẫn khàn khàn, cám ơn tôi tặng sách và nhận xét tập sách trình bày đẹp, chỉ than phiền cái hình bìa hơi tối. Hỏi về sức khỏe, chàng bảo bác sĩ nói chàng bị nhiễm một loại virus làm khan giọng, nhưng rồi sẽ hết.

Năm ngày trước khi mất, tôi gửi chàng xem một bài tôi mới viết nhân ngày 30 Tháng Tư, chàng gửi email cho tôi, chỉ có mấy chữ: “Thanks. CP.” Đây là email cuối cùng tôi nhận được từ chàng. Người con (trai) độc nhất của chàng, Mặc Trí, cho biết sức khỏe chàng đã suy yếu hẳn từ cuối Tháng Ba.

Những ngày tháng cuối cùng, biết mình không qua khỏi, nhưng chàng không chịu vào bệnh viện trong thời gian đang có dịch bệnh, chỉ muốn ở nhà, đọc sách, chấp nhận số phận. Phút cuối cùng, chỉ có đứa con trai bên cạnh chàng. Vợ chàng còn ở Việt Nam, mẹ và em chàng ở Pháp, trong cơn đại dịch, ai ở chỗ nấy, không đi đâu được. Mặc Trí cho biết, “Ba con đi bình an, trong khung cảnh và môi trường ông yêu cầu,” qua một “text message” cháu gửi cho tôi vào ngày 7 Tháng Năm khi cháu chuẩn bị để nhà quàn tới mang chàng đi.

Chàng mê sách. Nhà chàng là một thư viện nhỏ, gồm toàn những sách thuộc dạng “cao cấp,” nhất là về thi ca. Đọc và suy gẫm nhiều nên chàng là một tay “connoisseur,” sành sỏi và hiểu tường tận rất nhiều vấn đề, từ hội họa, âm nhạc, thơ, văn, lịch sử cho đến chuyện du lịch, tình dục, rượu vang… Bất cứ đề tài nào, đã không nói thì thôi, hễ nói là nói tường tận, chi li, cụ thể. Tôi có cảm giác chàng là một thứ tự điển sống. Hỏi đến là chàng kể vanh vách chuyện này chuyện nọ với những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Chàng mê rượu. Chàng chọn mua rượu ngon, cất trong kho, để dành năm này qua năm khác, hễ có dịp là mang ra đãi bạn, biếu bạn.

Chàng mê bạn, quý bạn. Chàng vẫn thường mời bạn về nhà chàng ngoài đảo, uống rượu, ngắm biển và bàn luận chuyện văn chương. Nhiều bạn đến từ rất xa, từ Việt Nam, Pháp, Canada, có khi ở lại chơi với chàng cả một, hai tuần. Những dịp như thế, chàng tự nấu nướng, phục vụ bạn bè từ đầu chí cuối theo một cung cách rất “Tây,” từ các món ăn, thức uống cho đến cách ăn và cách uống.

Chàng sáng tác nhạc. Và thích ca. Mỗi lần như thế, chàng vừa đàn guitar vừa hát, và đặc biệt, xen vào đó, chàng còn thổi harmonica phụ họa.

Chàng…

Chàng…

Rồi chàng ra đi, ra đi…Mãi mãi!

 

Cầu mong thơ sẽ đưa hương linh chàng về cõi tịch lặng bình an!

Tâm trạng. (Hình: Chân Phương, Tri Âm Club)

Tưởng niệm Chân Phương, xin giới thiệu với quý độc giả hai bài thơ của chàng.

Một, “Bài Ca Đất Khách,” cô đọng nỗi niềm của người di dân:

“mớ nhạc khí hư nát
rơi khắp nẻo ký ức

xuân hạ thu đông
bản giao hưởng lưu vong

giáng thăng
hai bàn tay trống

chỉ có trăng già
làm khán giả thủy chung

mỗi tháng một lần
diện trang phục mới

chờ nghe
khúc hát của trái tim bụi bặm”

Hai, “Thập Giá và Mạn Đà La” (3) làm theo thể thơ truyền thống, mô tả một cuộc tình đổ vỡ với ý thơ, tứ thơ, ngôn ngữ và khung cảnh rất lạ, hiếm khi tìm thấy ở bất cứ bài thơ nào cùng đề tài:

“từ ngày em ra đi
tôi về cưa khúc gỗ
đóng một cây thập giá
vác lên đồi săn chim

ngày lại rồi ngày qua
em ra đi biền biệt
tôi làm như không biết
mãi săn chim đồi xa

những đêm trời mưa bão
những sáng sớm mù sa
tôi đìu hiu trở giấc
hát nhỏ lời đơn ca

chim bay đi bay về
thu đông bao mùa qua
quay tròn vòng nhật nguyệt
buồn vui cũng phôi pha

hai bàn tay gỗ đá
hứng tro bụi nhạt nhòa
chim dần dà chết sạch
trên ngọn đồi tha ma

khi nào em trở lại
(ví dụ chơi ấy mà)
nếu em còn về lại
nhớ viếng mộ tình ta

đó là cây thập giá
treo vọng tưởng mù lòa
đó là cây thập giá
gãy giữa mạn đà la”

***

Chân Phương, tên thật là Phương Kiến Khánh, sinh năm 1951 tại Nam Vang, Cambodia. Hồi hương về Việt Nam Tháng Bảy, 1970, theo học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

Định cư ở Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1980, dạy học tại Boston, tốt nghiệp Cao Học Giáo Dục tại Lesley University, Cambridge.

Chân Phương làm thơ, viết truyện ngắn, biên khảo văn học và dịch thuật, đặc biệt dịch thuật thi ca hiện đại Âu-Mỹ.

Cộng tác với các tạp chí Việt Nam hải ngoại: Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Việt, Diễn Đàn (Paris), VietNam Forum (Đại Học Yale), Da Màu, Tiền Vệ, Lá Xanh và các tạp chí nước ngoài: Illuminations (Đại Học Charleston), Tribuna (Rumania).

Là một trong sáu thành viên chủ chốt của trang mạng “Ăn Mày Văn Chương” (Pháp) do Phan Huy Đường sáng lập.

Các thi phẩm đã xuất bản: “Chú Thích cho Những Ngày Câm Nín” (1989), “Bản Án cho Các Vĩ Cầm” (1992), “Nghĩa Đen” (1993), “Bổ Túc Lý Lịch cho Loài Di Dân” (1994), “Biển là Một Tờ Kinh” (1996), nhà xuất bản Trình Bầy (do cố thi sĩ Diễm Châu chủ biên ở Strasbourg, Pháp) xuất bản.(Trần Doãn Nho) [qd]


Chú thích:

(1) Chân Phương, “Vũ Điệu Của Lời,” tiểu luận về thơ.

(2) Ăn Mày Văn Chương: http://amvc.free.fr/Damvc/ChanPhuong/ChanPhuongTab.htm

Tri Âm Club: http://triamclub.blogspot.com/2014/11/tho-chan-phuong-9.html

(3) Thập Giá là biểu tượng của Thiên Chúa Giáo (phương Tây) và Mạn Đà La là biểu tượng của Phật Giáo và Ấn Độ Giáo (phương Đông).

Lyrics Lam Tho Tren Cat - Chan Phuong NCV.MUS

NGÀY VUI, NGÀY BUỒN

 

ca khúc Chân Phương –
Nguyễn Trọng Khôi phối âm và hát

 

CHIỀU ĐÔNG HIU QUẠNH

 

– ca khúc Chân Phương –
– Nguyễn Trọng Khôi phối âm
– Bùi Thạch Trường Sơn trình bày

MƯA MODERATO

 

ca khúc Chân Phương –
hòa âm Nguyễn Trọng Khôi –
Bùi Thạch Trường Sơn hát

 

THẬP GIÁ và MẠN ĐÀ LA 

 

thơ Chân Phương,
nhạc Trần Doãn Nho
Nguyễn Ngọc Phong trình bày

 

 

 

Thập Giá và Mạn Đà La

Từ ngày em ra đi
tôi về cưa khúc gỗ
đóng một cây thập giá
vác lên đồi săn chim

ngày lại rồi ngày qua
em ra đi biền biệt
tôi làm như không biết
mãi săn chim đồi xa

những đêm trời mưa bão
những sáng sớm mù sa
tôi đìu hiu trở giấc
hát nhỏ lời đơn ca

chim bay đi bay về
thu đông bao mùa qua
quay tròn vòng nhật nguyệt
buồn vui cũng phôi pha

hai bàn tay gỗ đá
hứng tro bụi nhạt nhòa
chim dần dà chết sạch
trên ngọn đồi tha ma

khi nào em trở lại
(ví dụ chơi ấy mà)
nếu em còn về lại
nhớ viếng mộ tình ta

đó là cây thập giá
treo vọng tưởng mù lòa
đó là cây thập giá
gãy giữa mạn đà la

Chân Phương

Le Pont Mirabeau –

Ngồi Lại Bên Cầu Mirabeau

ca khúc Chân Phương


giọng đọc thơ: Chân Phương
giọng hát: Nguyễn Trọng Khôi


 

CP_NgTTBinh

BÀI TẶNG CHÂN PHƯƠNG

Trịnh Cung

 

Một nhà thơ Việt
lưu vong khi mới lọt lòng*
Đã giã từ ngôi nhà tạm
Cái tổ cô đơn
Cho con hải âu không còn sức để bay
Mỗi ngày đứng trên mép cửa
Nhìn ra biển
Boston

Hôm qua
Hắn không nhìn ra biển nữa
Không nhìn ra biển
Mãi mãi
Hắn đã nhắm mắt
Bỏ lại cái ly
Cùng những vỏ chai
Và vô số giấc mơ đã vỡ
Trừ nỗi cô đơn
Để làm cánh bay vào cõi thơ
Miên viễn
Lưu vong

Bolsa, May 7-2020

* Chân Phương lọt lòng ở Nam Vang, Campuchia năm 1951. Vế SG năm 1970, sang Mỹ năm 1987 (?),1992 học Master of Education tại Cambridge University. Sống và viết tại Boston, Massachusetts từ đó đến ngày mất 6-5-2020.

Tưởng niệm nhà thơ Chân Phương (mất ngày 6/5/2020 tại Boston)

Chân Phương: những ngày câm nín

 Trần Hữu Thục

HH_3

Từ trái: Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Doãn Nho
(Hình: NTKhôi, tại tư gia Chân Phương, Spinnaker, thị trấn Hull, Boston, mùa đông 2018)
Tập thơ bắt đầu bằng một “tin vắn” dựng lên chân dung về “tôi”, một cái “tôi” hết sức đặc thù sau ngày
Cộng Sản chiếm trọn miền Nam.
Tôi là cơn điên
Còn sống sót giữa sự vật mồ côi
(….)
Là miếng giẻ nhét vào mồm
Là mảnh vải đen bịt mắt
Là vũng máu khô
Không còn nhớ những phát đạn bắn vào đầu
(tin vắn)
“Tôi” là một hiện hữu phi-hiện-hữu: câm và nín.
Tôi chính là sự câm nín hèn hạ của các người.
Rốt cuộc:
Tôi không còn tiếng nói

chỉ còn hơi thở tôi và bát cơm nhỏ của con tôi
(Tuyên ngôn của tôi)

“Tôi” ở đây là một thực thể bị thu gọn, bị bần cùng, bị tước đoạt cả trong lẫn ngoài. Tự bản thân, mỗi
một “tôi” là một nạn nhân, thậm chí là một/những sự vật; hay nói cách khác, một hiện hữu bị biến thành sự vật,
bị sự-vật-hóa. Không còn “tiếng nói”, chỉ có “hơi thở” và “bát cơm”. Đó là một xã hội trong đó cá nhân chẳng
khác gì hơn là một chuỗi chuyển động:
…một thực quản xếp hàng đằng sau hằng hà thực quản
…hai bàn chân di động giữa mớ tiêu chuẩn thấp cao
…mười ngón tay quờ quạng tìm chút hy vọng khẩu phần (tôi có nói gì đâu)
Bằng cách sử dụng hoán dụ, bài thơ khắc họa rõ nét điển hình trong một cửa hàng mậu dịch, nhưng cũng
là khắc họa đầy hình tượng một xã hội, trong đó mọi hoạt động tinh thần bị thanh tẩy toàn diện! Tất cả sinh hoạt
gói gọn trong những chuyển động vô cùng “sinh vật”: một con thú tìm kiếm miếng ăn. Không hơn không kém.
Cái mà cá nhân sở hữu duy nhất (nếu còn có thể gọi là sở hữu) mà bạo lực “cách mạng” (!) không thể
tước bỏ: không khí.

2

Ba trăm sáu lăm ngày
Là độc quyền của mặt trời chủ nghĩa
….
Phần còn lại của chúng ta
Là không khí và không khí
(tần trung ngâm 1982)
Mà ngay cái “sở hữu” đó cũng không yên, vì:
làm sao mô tả cái không gian nằm ngoài mọi không gian ấy
có bàn tay khổng lồ cầm lưỡi dao vĩ đại
xắn vào miếng thịt tí hon.
(mặc niệm tôi)

Mỗi một “tôi”, mỗi một cá nhân bị hư vô hóa ngay khi hắn đang hiện hữu.
Những dòng thơ trên đẩy hình ảnh của một xã hội toàn trị đến chỗ tận cùng bản chất của nó.

*

PhuongSinh

Hình bìa: Chú thích cho những ngày câm nín (Ấn bản 1992)

 

Trong không khí của những ngày tháng Tư, đọc lại “Chú thích cho những ngày câm nín” của Phương
Sinh, tôi tưởng chừng như sống lại cả cái thời kỳ lạ lùng đó qua một thứ ngôn ngữ đan kết giữa hiện thực và trí
tuệ trong một cấu trúc thơ mới mẻ. Hiện thực được chắt lọc, được vắt hết râu ria, được tinh chế để lột trần ra cốt
lõi của nó. Một thứ hiện thực trí tuệ hóa. Đó là thời mà từng cái “tôi” – những cái “tôi” trong “nhân dân” thuộc
phe chiến bại – bị xem là kẻ thù. Cực kỳ đen tối và cực kỳ phi lý. Đến nỗi mỗi lần nhớ lại, tưởng như tất cả là
một hư cấu lớn, chỉ nằm trí óc hoang tưởng của con người.
Phương Sinh là bút hiệu khác của một nhà thơ tại hải ngoại hiện nay, Chân Phương. 1 Theo lời giới thiệu
của nhà xuất bản, Trình Bầy, anh “là một nhà trí thức trẻ tuổi, thi sĩ, người viết truyện, viết tiểu luận và nhà biên
khảo.” Trong thời gian còn ở trong nước, anh “đã sáng tác hàng trăm bài thơ được chuyền tay trong giới văn
nghệ và bạn bè.” Chú thích cho những ngày câm nín là tác phẩm đầu tay của anh, gồm 56 bài, “tuyệt đại đa số
chính là các thi phẩm nói trên được phục hồi từ ký ức của tác giả.” Đọc tập thơ như là đọc một bản tường trình
về cuộc sống. Nhưng đặc biệt là “KHÔNG có lấy một giọt nước mắt! (…) Tất cả là căng thẳng, là trực diện, là
nói xiên (…) là chữ nghĩa nho nhã, hiện thực, nóng hổi,… nhưng không một giọt nước mắt,” theo nhận xét của
nhà thơ Diễm Châu. (Tiền Vệ)
Vâng, không xúc động. Nhưng chứa chan nỗi niềm. Chất ngất suy tư. Chú thích cho những ngày câm
nín trước hết là cách vận dụng chữ nghĩa. Khô, trần trụi, một mặt. Mạnh, gân guốc, khỏe, một mặt khác. Như
những nhát dao chém vào hiện thực. Những phát súng bắn vào đá sỏi. Không lý giải. Chữ nghĩa tự nó phơi bày
cái xã hội dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm. Nhân vật vẫn cười, vẫn khóc, vẫn đi, vẫn đứng, vẫn chơi đùa, tắm,

3

ngủ…nhưng chỉ là cái rộn ràng của một cỗ máy khô, chết. Động mà bất động. Cõi nhân sinh là một rừng sự vật
khô, chết.
Dẫu vậy, ngôn ngữ thơ ở đây lại vẫn là ngôn ngữ thời sự, ngôn ngữ xã hội sống. Là những sự kiện nóng
hổi diễn ra hàng ngày.
bọn giàu đem vàng đô la hột xoàn giấu
lũ nghèo đem con cháu giấu
cán bộ thiếu ăn dốt nát giấu
dân đói rách bệnh tật giấu
công an thích gái ham tiền giấu
nhà nước tham ô bất lực giấu
quốc hội tòng phạm đồng lõa giấu
đảng có vô số sai lầm giấu
tôi nhà thơ
còn chút đau khổ với lương tri giấu
(xu hướng tất yếu)
Cốt lõi của bài thơ nằm trong một chữ: giấu. Con chữ đơn giản này, kỳ lạ thay, giúp soi rõ hiện tượng
toàn trị Cộng Sản. Có thể nói, phương sách cai trị cộng sản là Giấu. Bằng mọi giá. Thắng lợi của họ trong thời
kỳ chiến tranh, chính là kỹ thuật giấu. Giấu súng, giấu cán bộ dưới hầm. Giấu thất bại, giấu khuyết điểm. Giấu
cán binh, bộ đội chết. Lúc hết chiến tranh, cũng tiếp tục giấu. Nhà nước giấu. Cán bộ giấu. Nhân dân giấu.
Người người đua nhau giấu. Nhà nhà đưa nhau giấu. Hãy gọi chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa Giấu. Nếu hành
trình của nhân loại đi từ bưng bít đến mở rộng, tự do, thì chủ nghĩa Cộng Sản kéo giật lùi: từ mở đến đóng.
Đóng chặt mọi cánh cửa. Đóng chặt những sai trái, những bất công, đàn áp. Bằng cách đóng chặt tư duy của
mỗi cá nhân.
Trong “tình khúc mới”, nhà thơ vẽ ra bi kịch của tình yêu dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ bằng
những mác-lênin toàn tập, quốc tế ca, phim liên xô, khẩu hiệu, công an khu vực, đại biểu công đoàn, lăng bác,
nhật ký trong tù, vân vân và vân vân. Bi thảm nhất có lẽ là lời dặn dò:
chỉ xin em một điều duy nhất
từ đây đến ngày tóc bạc da mồi
rủi anh có say rượu hoặc nằm mơ ăn nói lỡ lời
em nhớ đừng đi báo cáo
Tình cũng giấu. Yêu cũng giấu. Đúng là tận cùng bằng số! Chỉ vì, nói như Lê Đạt, hàng chục năm trước
đó:
…đem bục công an đặt giữa trái tim người…
*

Đặc điểm của thơ Chân Phương là ẩn dụ nghịch – nghịch dụ. Một ví von ngược giữa ý niệm và hiện
thực, giữa hiện thực và hiện thực cũng như giữa ý niệm và hiện thực. Với hình thức nghịch dụ, nhà thơ làm đậm
nét thêm tính cách kỳ quái, lạ lùng của xã hội. Biến tất cả thành hiện tượng trào lộng.
Nét nổi bật nhất của tập thơ là tính trào lộng rất riêng của nó.
Lý tưởng của nhân loại mà người Cộng Sản kêu đòi biết bao nhiêu người hy sinh hết mấy thế hệ chỉ là:
bình đẳng – nàng út bị hãm hại
lẽ phải – vua già bị soán ngôi
tự do – thằng hề đang lải nhải
(kịch mới)
Một đối chiếu đầy cay đắng, giữa khẩu hiệu, chiêu bài và hiện thực. Chúng không chỉ so le mà nghịch
đảo. Thậm chí, không cái gì dính dáng đến cái gì. Chữ theo đàng chữ, nghĩa theo đàng nghĩa, hiện thực theo
đàng hiện thực. Bởi thế mà:
vứt mẹ nhân phẩm đi mà sống

4

tốc độ xung động thần kinh làm sao đuổi kịp lạm phát gia tăng
hãy vá víu hình hài bằng những cơn say
và đến cửa hàng quốc doanh mua chịu một lời hứa

(Thư cho bạn trong nước)

Khó khăn ư? Không sao. Tiêu cực ư? Không sao. Thời nào chả thế. Vả lại:
dù sao cũng khá hơn nhiều so với thời khuyết sử
hãy tự trang bị thật nhiều chủ nghĩa duy vật với tối đa kiên nhẫn
mày sẽ hiểu ra tính hợp lý của mấy ký gạo
khi đã được độn đầy những hứa hẹn nhân đạo

(Thư cho bạn nước ngoài)

Tốt hơn thời khuyết sử, một lời ca ngợi chế độ đầy hào phóng! Vì không ở đâu, bạn được hưởng nhiều
lời hứa hơn trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Những lời hứa cộng với rất nhiều kỹ thuật trị dân khác đã biến “tôi”
– chủ thể tư duy – trở thành một thực thể sẵn sàng cống hiến tất cả. Kể cả chính bản thân mình:

tôi ký tên ủng hộ việc xây dựng trại tập trung
tôi ký tên tán thành phòng giam có trang bị hơi ngạt
tôi ký tên quyên góp nhẫn cưới của vợ chồng tôi
tôi ký tên ưng thuận cho kỹ nghệ xà phòng sử dụng mỡ của tôi với con tôi
tôi ký tên bằng lòng cho công nghiệp mỹ phẩm khai thác hàm răng mái tóc vợ tôi
tôi ký tên phấn đấu cho ban điều hành trại được vui lòng
tôi ký tên sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn hơn
tôi ký tên và vận động mọi người cùng ký (tôi ký tên)
Nghe đầy vẻ cuồng tín! Vâng. Nhưng là một thứ cuồng-tín-tiền-chế. Hay nói theo ngôn ngữ
Chân Phương, thuần hóa. Y như phản ứng có điều kiện của con chó trong phòng thí nghiệm của Pavlov:

té ra
đã X
thì X nào cũng thế

 

gõ một tiếng chuông
X sẽ đứng thẳng bằng hai chân sau

 

gõ hai tiếng chuông
X sẽ giơ hai chân trước lên khỏi đầu

 

gõ ba tiếng chuông
X sẽ bắt đầu nói

 
  TRUNG TÂM THÍ NGHIỆM THUẦN HÓA CHÚNG TÔI
  (lại nói về điều khó nói)
Chắc không có ý niệm nào hay hơn để diễn đạt con người trong xã hội toàn trị.
Trong một đất nước như thế, lòng người không thể tụ, mà tán. Người ta phải bỏ đất nước mà đi. Thảm
cảnh vượt biên được diễn tả bằng một hình ảnh vô cùng ấn tượng và điển hình: chết chìm trên biển. Phút cuối
cùng của một đời người diễn ra trong sự cô độc tuyệt đối: 

hãy quên huế sài gòn hà nội
hãy quên hộ khẩu chủ tịch phường
hãy quên công an khu vực giấy phép đi đường
hãy quên chèo quan họ cải lương
hãy quên khát vọng tự do
hãy quên tờ khai lý lịch

5

hãy quên vùng kinh tế mới những đêm mất ngủ hè đường
hãy quên vĩnh phú hỏa lò chí hòa côn đảo
hãy quên nước mắm gỏi bún rau thơm
hãy quên vàng đô la kim cương
hãy quên tất cả
để từ từ
chìm
xuống
                       lần thứ nhất
 

rồi
thong thả nổi lên
kiểm tra lại
chẳng còn gì ràng buộc
với thế gian
đoạn
chìm

                                   lần thứ hai
 

thanh thoát hoàn toàn
sau đó
nếu không tìm được chỗ nào
để tắp xác vào
thì đây

 
 

khoảng trống nhỏ hẹp
cuối bài thơ này

 
 
                       mày có thể
 
           lênh đênh                                                        lênh đênh
 
                                               lênh đênh mãi mãi
(văn tế)

Theo tôi, văn tế là một diễn đạt cực kỳ tinh tế, và cực kỳ bi thảm của thảm nạn vượt biên vượt
biển sau tháng 4/1975. Không khí bài thơ là không khí của một trạng thái bình tĩnh đến lặng người.
Không mảy may dao động, cuống quýt. Hồn nhiên như chẳng thể hồn nhiên hơn. Đoạn đầu bài thơ
là một mô tả sống động cái xã hội bỏ lại đàng sau. Đoạn cuối bài thơ là một kết hợp giữa ngôn ngữ
và các khoảng cách, cho ta cảm giác của một trôi nổi bập bềnh, bập bềnh đến vô tận!
Cũng là trào lộng. Một trào lộng đau đớn !

6

NhöngNgayCamNin3

Hình bìa (Nguyễn Trọng Khôi vẽ):
Chú thích cho những ngày câm nín (Ấn bản 2, 2005)

 

Chú thích cho những ngày câm nín ra đời vì cảm hứng? Không. Vì xúc động? Cũng không.
Đây là những bài thơ đầy ý thức. Thoát thai từ những trải nghiệm chua chát. Của một nhân
chứng. Của một phán xét. Hơn thế nữa, một cảnh giác.
Ghi nhận cuối cùng của người đọc :
Trong tập thơ đầy cả bức bối, trào lộng, có lúc, tôi tìm thấy một quãng lặng. Nhẹ nhàng. Hồn
hậu. Ngôn ngữ đột nhiên nghe mềm, non, nhẹ. Trong nỗi bức xúc vì bị tước mất tất cả đó, cũng có lúc, nhà thơ
dịu giọng. Đó là lúc – và chỉ lúc đó thôi, rất hiếm hoi – anh tìm thấy lại một điều tưởng chừng cũng đã
bị guồng máy toàn trị nghiền nát: ước mơ.

những đêm tối trời
tôi đã âm thầm vùi chôn như thế nào
mớ trứng non vào cát lạnh
hy vọng một ngày rực nắng
chan hòa gió mặn trùng khơi
(tự họa)

Nhất định nắng sẽ rực.
Và đất nước sẽ chan hòa gió.
Mặn.
Trùng khơi!

Trần Doãn Nho
(4/2017, nhuận sắc 5/2020)

PHÂN ƯU

X_ChanPhuong (6)

Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước

 

  • Trần Doãn Nho

1.

 

30/4/1975, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)[1] tức tưởi chết!

Đọc được từ một email tình cờ lạc vào inbox tôi:

Còn nhớ trưa ngày 30/4/1975 dưới bầu trời u ám như muốn đổ lệ, tôi đứng ngay cổng xe lửa số 6 trên đường Trương Minh Giảng – Phú Nhuận. Lúc đó lính Cộng Hòa đã trút bỏ quần áo đi bộ từng đoàn thất thểu.  Súng ống, ba-lô, quân phục họ vất đầy lề đường. Xe tăng và các binh đoàn Motolova của Cộng Sản đã tràn vào thủ đô Sài Gòn, chạy rầm rầm hướng về Bộ Tổng Tham Mưu. Chung quanh ai cũng hốt hoảng lo tìm đường chạy về nhà, giờ này đi di tản kể như đã quá trễ. Lâu lâu lại thấy một vài đứa khốn nạn Cách Mạng 30/4 đeo băng đỏ ngồi trên xe Jeep cầm súng chĩa lên trời, chúng bắn từng tràng đạn chào mừng ngày Giải Phóng. (…) Sau ngày 30/4 vào khoảng tháng 5 khi có chiến dịch Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy Mỹ Ngụy, có một vụ chấn động Sài Gòn là vụ nổ ở một tiệm cho mướn sách cũ. Chủ tiệm lùa hết bọn đeo băng đỏ vào trong rồi mở kíp lựu đạn tự sát cho dính chùm. Nghe đâu chết vài mống Cách Mạng 30/4, ông chủ cũng chết. Tiệm này nằm trong phường 10, quận Phú Nhuận (chung với phường của nhà mình bên đường Thiệu Trị – Nguyễn Huỳnh Đức). Còn một vụ khác vào khoảng năm 1976, có một gia đình bên khu đường rầy xe lửa hướng đi ra Cống Bà Xếp. Gia đình này có hai vợ chồng và tám đứa con. Vì căm phẫn chế độ Cộng Sản, họ đã tìm ra đường thoát. Hôm đó, họ nấu một nồi cháo vịt, bỏ thuốc giết chuột vô, cả nhà cùng ăn chung bữa cuối cùng rồi nắm tay nhau chết hết.[2]

Đọc được từ một nữ bộ đội miền Bắc, sau này là nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương: “Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette.  Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ.”[3]

 

                                                                       

2.

Chao ôi, đã bốn mươi lăm năm rồi kể từ cái ngày tang thương 30/4/1975!

Trong những ngày này, khi tất cả chúng ta ngậm ngùi nhớ lại thời điểm bi thảm đó, thì trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đang cố gắng vô hiệu hóa công hàm nhượng bộ Trung Quốc của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 bằng cách khẳng định tính cách hợp pháp của chế độ VNCH trong cuộc đấu tranh pháp lý giành lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua hai Công Hàm 257-HC năm 2016[4] và A/72/692 năm 2018 do họ gửi cho Liên Hiệp Quốc.[5] Xin dẫn một trích đoạn liên hệ:“Từ khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, chính quyền VNCH đã tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Pháp. Bằng Sắc Lệnh Số 143-NV đề ngày 22 tháng 10 năm 1956, Chính Phủ nước Việt Nam Cộng Hoà đã chuyển quần đảo Trường Sa từ tỉnh Bà Rịa về tỉnh Phước Tuy. Trong khoảng thời gian giữa 1954 và 1975, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai phần. Do vị trí địa lý, vào thời gian này, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới quyền cai trị của chính phủ VNCH (Miền Nam Việt Nam). Như thế, sự kiện chính phủ VNCH hành xử việc cai trị lãnh thổ hai Quần Đảo trong thời điểm đó là phù hợp với  thực tế và luật pháp trong bối cảnh của giai đoạn này. Thông lệ quốc tế chỉ rõ rằng trong thời Chiến Tranh Lạnh, có sự hiện diện của hai quốc gia giống Việt Nam như Đức, Yemen…(…) Vào năm 1975, sau khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa (vào tháng 1 năm 1974), Chính Phủ VNCH đã công bố một Bạch Thư đưa ra những bằng chứng lịch sử xác định một cách rõ ràng và đầy thuyết phục chủ quyền lâu dài của Việt Nam trên hai quần đảo này.”[6]

Trong lúc nguy cấp, rốt cuộc, nhà cầm quyền Cộng Sản buộc phải bỏ cái thói kiêu ngạo cổ hữu, chính thức thừa nhận sự hiện hữu hợp pháp của VNCH như một cái phao cứu sinh.

Thực tế là, VNCH đã từng là một quốc gia có cương thổ, có quân đội, có chủ quyền pháp lý, được 87 quốc gia trên thế giới công nhận và đã là thành viên của nhiều Uỷ Ban trong Liên Hiệp Quốc, trong lúc vào thời điểm đó, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của miền Bắc chỉ được một số rất ít các quốc gia trong khối Cộng Sản thừa nhận. Khi nói đến VNCH, thường thì người ta chỉ nghĩ đến các chính quyền: chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Nguyễn Khánh, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu… Và khi nghĩ đến các chính quyền, người ta chỉ nhìn thấy một VNCH đầy những hình ảnh tiêu cực: tham nhũng thối nát, thay ngôi đổi chủ xoành xoạch, lệ thuộc ngoại bang…và dựa vào đó, quy cho VNCH là phồn vinh giả tạo, là đầy dẫy các tệ nạn xã hội, là bất công, áp bức, vân vân và vân vân. Thực ra, cũng như những quốc gia khác, VNCH là một tổng thế, có cái tiêu cực, nhưng không thiếu những điều tích cực. Và những điều tích cực đó là hình ảnh của một VNCH khác, đẹp đẽ, nhân bản, dân tộc, thường bị che giấu bởi thiên kiến hay bị xuyên tạc một cách bất công.

Với riêng tôi (mà cũng là cả thế hệ chúng tôi) sinh trưởng trong lòng chế độ VNCH, nơi chúng tôi được trưởng thành như những con người tự do, được học hành, được mơ ước, được tranh đấu chống bất công, áp bức, nói tóm lại, được tự hào là người Việt Nam, thì VNCH không chỉ là một một quốc gia, một dân tộc mà hơn thế nữa, đó là một quá khứ thân thuộc, êm đềm, sinh động, đa dạng và phong phú. VNCH tuy không còn nữa, nhưng với chúng tôi, VNCH không hề biến mất.

 

3.

 

Người bạn học thời trẻ của tôi, Lê Hiếu Đằng, một cán bộ Cộng Sản hoạt động nằm vùng, trong “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…”, kể lại:

            “Nhắc đến đây tôi có một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi. Tôi theo ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đình Thi trước năm 1975. Gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ. (…) Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?[7]

            Những chi tiết Lê Hiếu Đằng trình bày ở trên là hoàn toàn chính xác, theo tôi. Lê Hiếu Đằng học Đệ Nhất C, Lý Thiện Sanh và tôi Đệ Nhất B, dù không ngồi cùng lớp, nhưng thường hay đi cà phê cà pháo, bàn luận chuyện văn chương thế sự với nhau. Các bạn nào đã từng học Quốc Học vào thời điểm đó (1964) đều ít nhiều biết rõ vụ Lê Hiếu Đằng và Lý Thiện Sanh bị bắt giam vì bị nghi là hoạt động cho Cộng Sản, nhưng được chính quyền địa phương cho mang sách vở vào lao Thừa Phủ học thi, được ra đi thi như những học sinh bình thường khác và rồi đậu tú tài II. Được phóng thích sau gần nửa năm bị cầm tù, Lê Hiếu Đằng tiếp tục tham gia hoạt động cho Cộng Sản ở các trường đại học Sài Gòn, còn Lý Thiện Sanh theo học Y Khoa, tốt nghiệp bác sĩ, làm việc tại bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định. Thành thật mà nói, trong nhiều bài viết có tính cách phản tỉnh một cách triệt để vào lúc cuối đời của Đằng, thì những giòng này khiến tôi cảm động, vì  anh nêu ra một chi tiết rất nhỏ nhưng lại nói được một điều khá lớn và đầy ý nghĩa. Những cái “ưu việt” của Cộng Sản mà Đằng đã từng vì chúng mà theo suốt cuộc đời, hóa ra không thể so sánh được với cái “nghĩa cử” đầy tình người của chính quyền Thừa Thiên-Huế hồi đó. Nghĩa cử này chắc chắn không xuất phát từ lòng xót thương của một cá nhân, hay từ lỗ hổng của luật pháp mà từ cái cơ chế bình thường của nó, của VNCH. Biết đâu chính cái chi tiết nho nhỏ này đã ám ảnh Đằng và là động lực khiến anh chọn lựa ra khỏi đảng Cộng Sản vào lúc cuối đời! 

Nhân chi tiết khá lý thú đó, tôi thấy cần phải giới thiệu lại một bài viết, đúng hơn là một phần trong tập hồi ký của một trong những khuôn mặt trí thức tả khuynh nổi tiếng hàng đầu ở miền Nam trước năm 1975, giáo sư Nguyễn Văn Trung: “Tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa” (In memoriam Việt Nam Cộng Hòa); hồi ký này được viết từ năm 1993 và được công bố lần đầu tiên trong tạp chí Văn Học (Cali) năm 2000.[8] Giới thiệu phần hồi ký đặc biệt này, tạp chí Văn Học viết, “Chúng tôi xem bài viết của giáo sư Trung là một biểu hiện của sự liêm khiết và can đảm của người trí thức, vì cho đến nay, trên toàn cầu, giới trí thức khuynh tả vẫn chưa có can đảm “tự phán” một cách sòng phẳng, rốt ráo. Họ không dám nhận rằng chỗ đứng an toàn của họ không đâu khác hơn là xã hội cho phép họ được công khai bày tỏ lập trường khuynh tả, và khi chế độ bị họ khinh miệt tiêu vong, để thay thế bằng một chế độ toàn trị, thì số phận của họ cũng bị tiêu vong theo. Hay nói như Giáo sư Nguyễn Văn Trung, “tham gia cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.” (Thư tòa soạn)

Qua hồi ký, Nguyễn Văn Trung đã phác họa lại hình ảnh chân xác của VNCH bằng cách hướng cái nhìn vào một số nét cụ thể khá đa dạng và phong phú không lệ thuộc vào các chính phủ, thường bị bỏ quên hay bị che mờ bởi thiên kiến hay bởi một nhãn quan lệch lạc, thậm chí có tính cách thù nghịch. Một trong những nền tảng của VNCH là cơ chế công chức. Theo ông,  “Khi người Pháp ra đi, một trong những điều tích cực của họ để lại là một số thể chế nhà nước, cụ thể là một nền hành chánh và một giới công chức được đào tạo theo tinh thần phân biệt tôn giáo và nhà nước.[9] Trong vòng 20 năm (1955-1975), dù có nhiều thay đổi trong chính phủ, cái hệ thống hành chánh, guồng máy đó vẫn như thế, vẫn chạy đều như không có gì xảy ra. Công chức cấp dưới có trình độ văn hóa tương đối, còn công chức cao cấp tối thiểu cũng có bằng tú tài hay tốt nghiệp đại học. Và dù ở cấp nào, giới công chức vẫn giữ phong cách của những người làm việc công: mực thước, tôn trọng của công, tôn trọng luật pháp và phục vụ công chúng.

Một đặc điểm khác của VNCH là “xã hội dân sự”. “Những “chính quyền” hay [những] thay đổi ở miền Nam cần phân biệt với “chế độ xã hội” miền Nam ít nhiều vẫn duy trì và phát huy những sinh hoạt của điều mà ta gọi là xã hội dân sự (société civile).”(…) “Nếu phân biệt “xã hội công” (le social public) với “xã hội tư”(le social privé) thì “xã hội dân sự” là một loại hình xã hội trong đó nhà nước không can thiệp vào  xã hội tư về các quan hệ nghề nghiệp, giáo dục, tư tưởng, văn hóa, cứu tế, liên đới xã hội và các quan hệ về mặt tình cảm (gia đình, họ hàng, bè bạn, thầy trò…). Xã hội dân sự miền Nam, do đó, là một xã hội đa dạng với vô số tổ chức, hội đoàn tư nhân lớn, nhỏ hoạt động độc lập và hợp pháp, được chính quyền tôn trọng và giúp đỡ từ tôn giáo, nghề nghiệp, cho đến kinh doanh, văn nghệ, vân vân. Lợi dụng điều này, người Cộng Sản đã đứng ra thành lập nhiều hội đoàn, tổ chức hợp pháp để ngụy trang cho các hoạt động của mình. Có thể đây chính là lý do khiến nhà cầm quyền Cộng Sản hiện nay rất sợ hình thức “xã hội dân sự”.

Đề cập đến pháp lý và đạo lý, Nguyễn Văn Trung viết, “Một trường hợp cũng khá phổ biến trước đây ở miền Nam: Trong cái thế đối lập giữa hai trật tự: trật tự pháp lý chính trị và trật tự đạo lý tình người, có những lựa chọn trật tự cao hơn (đạo lý tình người), chẳng hạn anh em, con cháu, bạn bè theo Việt Cộng trà trộn trong cơ quan, trong dân chúng, biết mà không tố cáo, thậm chí còn cho tá túc trong nhà vì coi tình nghĩa ruột thịt, bạn bè cao hơn quyền lợi chính trị, pháp luật…”. Mặt khác, một người có người thân hay họ hàng đi theo Cộng Sản, con cái họ chẳng gặp khó khăn gì trong việc học hành, thi cử và những quyền lợi hợp pháp khác và khi lớn lên, nếu không trực tiếp tham gia hoạt động cho Cộng Sản thì vẫn được đi làm việc bình thường, không bị phân biệt đối xử. Có người còn được cấp học bổng đi du học nước ngoài, và về sau lại hoạt động chống đối kịch liệt VNCH. Chính vì thế, “Dù người dân có khinh ghét chính quyền Sài Gòn thế nào đi nữa, có lẽ ít ai nghĩ rằng mình đang sống trong vùng Mỹ-ngụy, vùng tạm chiếm mà chỉ nhìn nhận: Việt Nam là một dân tộc, nhưng hiện đang bị chia cắt, có hai thể chế chính trị: Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và mong muốn một ngày nào đó có thống nhất trong hoà bình,” theo ông.

Nói về quân đội, Nguyễn Văn Trung  nhận định, “Trong quân đội ngay từ những khóa hạ sĩ quan Nam Định hồi 1951-1952 đến các khóa học của trường Võ Bị Đà lạt, Nha Trang, Thủ Đức hồi đầu thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng dần dà tạo được một giới sĩ quan có trình độ tú tài hay đại học không hề mặc cảm là lính đánh thuê của quân đội viễn chinh, trái lại họ có được một điều mà nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã tạo cho họ đó là một bản sắc, một căn cước quốc gia (identité nationale).”

Một trong những mặt xuất sắc nhất của VNCH là văn học nghệ thuật. Nó thoát thai từ sự kiện: VNCH là một xã hội mở, xã hội tự do. Theo Nguyễn Văn Trung, trong kinh nghiệm rất riêng của mình, những nhà văn, nhà trí thức miền Nam viết bất cứ cái gì mà không bận tâm mấy về an ninh bản thân. Họ chỉ bận tâm về “viết cái gì” và “viết thế nào”, chứ không phải về “có thể viết được hay không.” Có được như thế là  nhờ phong cách làm việc trí thức của giới công chức trong các bộ liên hệ: bộ Văn Hóa, bộ Thông Tin và bộ Nội Vụ. Về điểm này, cũng theo Nguyễn Văn Trung, trong một bài viết khác, “Hướng về Miền Nam Việt Nam”, thì dưới chế độ VNCH, “Báo thì không phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra tòa. Trong khuôn khổ chính sách hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản công khai, hợp pháp, vẫn có thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả trên các sạp báo và có thể bị tịch thu… Người cầm bút viết những điều cấm kỵ, phê phán chính sách này, chính sách kia của nhà nước, thậm chí họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng trên báo mà không lo ngại về an ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè. Nói cách khác, viết phê phán mà không sợ nhà nước.”[10] Trong bài thuyết trình “Tính “văn học” trong Văn Học Miền Nam”[11] đọc trong buổi hội thảo về Văn Học Miền Nam tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt vào ngày 6/12/2014, tôi đã phân tích kỹ về tính chất đa dạng, tự do, hiện đại, kế tục, nhân bản…của Văn Học Miền Nam, những tính chất  khiến cho tự bản thân, nền văn học đó đã mang một giá trị bất khả bàn cãi và cao hơn hẳn một nền văn học được chỉ đạo bằng các nghị quyết chính trị.

Xin cụ thể hóa nhận định trên của Nguyễn Văn Trung bằng một trích đoạn đề cập đến việc tiếp quản trường Đại Học Vạn Hạnh sau ngày 30/4/1975 trong một bài viết ngắn của một người miền Bắc có tham gia vào công việc này:

Nhưng miền Bắc không chỉ giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỉ trước, miền Bắc chúng ta đã giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do. Trong số sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận ra Đại Học Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của mình, từ chống Cộng Sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ VNCH… Tất cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói chống lại hệ thống Cộng Sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng hoà lại để cho Đại Học Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng? Câu trả lời nằm ở Hiến pháp 1967 miền Nam Việt Nam: Đại học là tự trị. (…) Những trải nghiệm như thế làm cho mọi chàng “miền Bắc có lý luận” cảm thấy mình thuộc về “miền Nam”.[12]

Quy chế “đại học tự trị” quả là một ưu điểm đáng kể của VNCH, góp phần tạo nên một môi trường tri thức thực sự, không thua bất cứ một  đại học của một nước tiên tiến nào trên thế giới. Chính vì thế mà dù sống trong thời chiến, các giáo sư và sinh viên vẫn được hưởng một không khí thoải mái trong nghiên cứu và học tập, thậm chí trong các cuộc đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình và chống chính quyền.[13] Tác giả bài viết trên tỏ ra ngạc nhiên về tính cách “tự do tư tưởng” khi tiếp quản trường Đại Học Vạn Hạnh, một trường  mới được thành lập sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Thực ra, sự cởi mở của VNCH về phương diện tư tưởng đã hiện hữu từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Hồi đó, hầu hết các tác phẩm được viết trước năm 1945 của những tác giả đang sống và phục vụ dưới chế độ Cộng Sản miền Bắc (trừ một số tác phẩm nặng tính chất tuyên truyền của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…) từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Anh Thơ cho đến Thế Lữ, Nguyễn Tuân…đều được tái bản, không những thế, còn được đưa vào chương trình dạy văn của học sinh từ tiểu học đến trung và đại học, được đánh giá xứng đáng với giá trị nghệ thuật và vai trò của chúng trong lịch sử văn học. Các tác phẩm đó được nghiên cứu y như chúng hoàn toàn độc lập đối với lập trường và hành vi chính trị hiện đương của các tác giả. Nhờ thế mà thế hệ chúng tôi lớn lên ở miền Nam biết khá rõ giá trị văn chương của từng tác giả, để làm cơ sở đối chiếu với những sáng tác đầy tính chất tuyên truyền, phi-văn chương sau này của họ. Cũng cần ghi nhận ngay bản “Quốc ca” VNCH (đã đổi lời một phần) được sử dụng tại miền Nam hồi đó và tại hải ngoại hiện nay cũng được ghi tên tác giả là Lưu Hữu Phước vốn là một người Cộng Sản. Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã từng đưa lên trang mạng “Talawas” một Phụ Lục “Thay lời phi lộ” là lời của nhà xuất bản Hoa Tiên khi cho tái bản tại miền Nam các tác phẩm Lửa thiêng của Huy Cận năm 1967, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư năm 1968, Quê ngoại của Hồ Dzếnh năm 1969… Lời phi lộ cho thấy nhà xuất bản đã tách rời văn bản ra khỏi con người tác giả.[14]

Sau 1975, nhà nước Cộng Sản tìm mọi cách hủy diệt nền văn học nghệ thuật VNCH qua một chiến dịch rất bài bản, liên tục và quyết liệt bằng cách đốt sách báo và bắt bỏ tù nhà văn, nhà báo và cả những người giữ sách báo, nhưng rốt cuộc, chỉ là công dã tràng. Họ chỉ có thể đốt phá cái hữu hình nhưng không thể đốt phá được cái vô hình: tư tưởng và tấm lòng. Rốt cuộc, không những nền văn học đó không biến mất mà tồn tại, dai dẳng tồn tại và được trân trọng bảo tồn cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc. Càng về sau, văn học miền Nam càng được đánh giá một cách tích cực, từ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cho đến ngay cả từ chính nhà cầm quyền Cộng Sản. Trong bài nghiên cứu khá kỹ và ít thiên kiến, “Chiến tranh, xã hội tiêu thụ và thị trường văn học miền Nam 1954 – 1975”, đăng trên tập san “Nghiên cứu văn học”, một trong những cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của nhà nước Cộng Sản, có đoạn viết:

Thật vậy, những cơ sở báo chí và xuất bản trung thực đã giúp người đọc miền Nam nhìn rõ hơn xã hội ở chung quanh mình, đã liên kết những người thiện chí trong một nỗ lực vận động cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và một nền văn hóa văn nghệ tiến bộ, cho thấy mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, sinh hoạt văn hóa miền Nam không có tính chất một chiều mà còn có những mầm mống của dân chủ, thông qua tiếng nói phản biện và phản kháng.

          Trong đời sống văn học miền Nam, những sáng tác và công trình nghiên cứu chứa đựng những yếu tố dân tộc, nhân đạo, dân chủ và cách tân, xuất hiện trên cái nền của hoạt động báo chí và xuất bản rất đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Giữa các khuynh hướng đó không có ranh giới tuyệt đối, mà có sự giao thoa, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Sách báo thân chính quyền cũng có lúc ấn hành những tác phẩm đả kích quan chức của chế độ, thậm chí bị tịch thu. Sự chuyển biến của sách báo khuynh tả cũng là một quá trình từ tự phát đến tự giác. Trên một tờ báo hay một nhà xuất bản có thể xuất hiện những cộng tác viên đối lập nhau về lập trường chính trị và quan điểm văn học.[15]

Huỳnh Như Phương            Một nhận định văn học khá lạ, nhất là dưới cái nhìn của kẻ thắng cuộc nhìn về kẻ thua cuộc. Nếu không trích dẫn nguồn, có thể chúng ta sẽ cho đó là bài viết của một cây bút VNCH nào đó tự đánh giá văn học miền Nam. Còn lạ hơn nữa, mới đây, “Nhân Dân”, tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cho đi một bài của Hạnh Nguyên, Ứng xử với văn học miền nam trước 1975, trong đó có đoạn:

            “Từ chỗ bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, văn học miền Nam dần dần đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc. Nhiều tác giả (nhà văn, nhà phê bình) miền nam  xuất hiện trở lại trong đời sống văn học đương đại, nhiều tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, văn học sử) được in lại và được bạn đọc ghi nhận. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đều từng mở chuyên mục giới thiệu văn học miền nam trước 1975; nhiều tạp chí chuyên ngành ở trung ương và địa phương cũng đăng tải những nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học, phê bình văn học Sài Gòn trước 1975; không ít luận án, luận văn cao học và không ít đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước đã lấy văn học, học thuật miền nam 1954-1975 làm đối tượng khảo sát, phân tích, đánh giá; một số nhà xuất bản, công ty văn hóa truyền thông đã chọn lọc giới thiệu những “người lạ mặt quen thuộc”… Nói cách khác, sự thay đổi trong thái độ đối với văn học miền nam diễn ra ở cả khu vực nghiên cứu, xuất bản, lẫn giảng dạy, sưu tầm, giới thiệu, phổ biến đến công chúng. Hoạt động được khuyến khích là vượt qua định kiến, thiên kiến, tỉnh táo chọn lọc những tác phẩm có yếu tố dân tộc, tinh thần nhân đạo, dân chủ, yêu nước và tiến bộ, có giá trị cách tân.

Có thể nói, nếu không có không khí cởi mở, chắc chắn những sáng tác của Du Tử Lê, Trần Thị NgH, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…; những nghiên cứu của Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Thanh Lãng, Toan Ánh… không có điều kiện tái xuất hiện trong đời sống văn học. Nhờ sự thay đổi trong cách ứng xử, mới có những nghiên cứu về các trường hợp như Lê Tuyên, Thanh Tâm Tuyền… về tư tưởng triết học và các khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954 – 1975. Theo GS Huỳnh Như Phương: “Từ 1975 đến nay, khoảng 160 tác giả và dịch giả ở các đô thị miền nam có tác phẩm được tái bản chính thức trong nước, trong đó có người còn sống, người đã mất và một số ít đang định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy đủ. Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến việc tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng lúc và cần thiết, không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước.”[16]

Từ chỗ “ngăn chặn, chống, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước…” đến chỗ thừa nhận văn học miền Nam là “một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam”, “không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước” quả là một thay đổi 180 độ. Đâu là động lực của thái độ tích cực đó? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính theo tôi, đó là giá trị thuyết phục của tự bản thân Văn Học Miền Nam. Nhận định về ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật miền Nam đối với miền Bắc, nhà thơ Hoàng Hưng, một trong những thành viên nòng cốt của trang mạng Văn Việt ở trong nước, nhận xét:

Sự tiếp xúc với Văn học Miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học “chính thống” miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần “tẩy rửa” thói quen “tự kiểm duyệt” và “phục vụ chính trị”, giáo điều “hiện thực xã hội chủ nghĩa”… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút “chống Pháp chống Mỹ”. Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách “Đổi mới”cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy.[17]

 

4.

 

Trong lúc các tác phẩm văn học VNCH vẫn còn được xuất bản hạn chế, thì một hình thái nghệ thuật khác của VNCH, ca nhạc, hay nói theo cách nói phổ biến hiện nay là nhạc vàng, gần như “thống trị” sinh hoạt ca nhạc trong nước. Ca nhạc miền Nam đã có ảnh hưởng từ đầu, ngay sau ngày 30 tháng Tư. Sau khi Quân đội miền Bắc tiếp quản miền Nam, dường như nhạc miền Nam lại đổ bộ ra Bắc,” theo Jason Gibbs trong một bài nghiên cứu công phu về loại nhạc này, Nhạc vàng “hóa vàng”.[18] Gibbs viết: 

Sau năm 1975, với sự sụp đổ của Sài Gòn, trước sự ra đi của người Mỹ và sự tan rã của Việt Nam Cộng hoà, những quan toà văn hoá Việt Nam đối diện với tình huống khó xử mới. Họ tiếp quản một địa bàn có đến hàng triệu tờ, đĩa và băng – gần hết là nhạc vàng – đã được mua bán trao đổi phân phối. (…) Từng bị tiêm nhiễm một thứ văn hoá, không dễ dàng để một người từ bỏ nó chỉ một sớm một chiều. Mặc dù không có khả năng nghe một bài hát cũ nữa, một người có thể nhớ nó, hát hoặc nhảy với nó trong một thời gian dài trong tương lai. Một bài hát cũ chỉ có thể chắc chắn đã chết khi nó không thể còn được nhớ đến, nhảy múa hay hát hò gì nữa.  Tuy nhiên, ngoài vấn đề làm hồi tỉnh những ai đã nuốt phải thuốc độc của chủ nghĩa thực dân mới, họ phải đối phó với sự lan truyền của những người lính Quân đội miền Bắc khi họ mang theo loại nhạc này khi trở về nhà hay làng quê họ. Một nhà nghiên cứu giải thích rằng sự quảng bá của loại nhạc này đối với người miền Bắc thành ra một vấn đề cấp thiết hơn là cố ngăn dừng chúng lại ở miền Nam bởi vì người Bắc nghe nhạc ấy như một món mới lạ và chưa được “miễn dịch” chống lại trước đó.” (…) “Lần đầu đến Việt Nam năm 1993 tôi đã rất kinh ngạc là thứ nhạc phổ biến ở Việt Nam cộng sản lại giống với nhạc mà người Mỹ gốc Việt vẫn nghe, dĩ nhiên là chúng không được phát thanh, và trong mọi trường hợp là bất hợp pháp. Tuy là sản phẩm buôn lậu, những băng cassette và video vẫn được trao đổi tự do, và nhạc này có ở trong gần như mọi nhà tôi đến. Mặc dù nhạc vàng vẫn phải mang tội danh phản động, ít người nghe bình thường để ý đến điều đó.”  Rốt cuộc, nhạc vàng, thay vì hiểu là thứ nhạc vàng vọt, ủy mị thì lại trở thành thứ nhạc với ý nghĩa tích cực: vàng là kim loại quý, như được hiểu trước năm 1975 ở Sài Gòn, cũng theo Gibbs.

Nói về sự “thống trị” của ca nhạc VNCH trong sinh hoạt giải trí hiện nay ở trong nước, nhà thơ Hoàng Hưng, cho biết, “Nhu cầu ca hát, một trong những nhu cầu tự nhiên nhất của con người, sau nhiều năm bị “nhạc đỏ” độc quyền thống trị, đã bùng lên với “nhạc vàng” khắp phố phường ngõ xóm (…) Đến mức bây giờ, nhạc “bolero” một thời vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sài Gòn, nay đang “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát!”  Tại sao có sự chiếm lĩnh đó? Theo nhận xét của Hoàng Hưng, một trong những điểm đáng nói là phong cách hát. “Các ca sĩ miền Bắc nhìn chung được học bài bản hơn, nhưng sau khi nghe ca sĩ miền Nam, số đông người nghe bỗng nhận ra cái gì đó không thú lắm ở lối hát miền Bắc. Thì ra kỹ thuật thanh nhạc không thay thế được tình cảm tự nhiên, càng không lại được cái hồn gửi vào tiếng hát, và “bel canto” của  “opera”  không thể cuốn hút bằng cái sự tròn vành rõ chữ tiếng Việt![19]

Nói chung là như thế, nhưng nếu đi sâu hơn, ta sẽ nhận ra rằng chuyện nhạc vàng-nhạc đỏ không chỉ thuần túy là vấn đề ca nhạc, mà hàm chứa trong đó một cuộc “đấu tranh chính trị” dai dẳng và quyết liệt. Cứ theo dõi chuyện tranh cãi về việc “cho cho cấm cấm” rồi lại “cấm cấm cho cho” một số các bản nhạc miền Nam như “Con đường xưa em đi”, “Tôi đưa em sang sông, hay “Ly rượu mừng” chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy trước sau, nhà nước Cộng Sản đứng trước một sự chọn lựa “chẳng đặng đừng”, một chọn lựa đau đớn  khi cho phép dòng nhạc miền Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường giải trí cả nước. Phải nói là “không ngăn chặn được” chứ không phải là “cho phép”.  Dù trực tiếp hay gián tiếp, dù bóng gió xa xôi hay êm đềm gần gũi, nhạc miền Nam nói chung chứa đựng trong đó tất cả cái không khí đa dạng, thấm đẫm tình người, tình nước của Việt Nam Cộng Hòa. Nói như Đỗ Trung Quân, sự thắng thế của nhạc miền Nam là cuộc “phục thù ngọt ngào” của bên thua cuộc. “Khán giả chọn lựa nó, thứ âm nhạc chôn mà không chết. Muốn nó chết, dễ thôi! Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó …Dèm pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử! Chỉ vậy thôi!” [20]

Quả thật là phục thù ngọt ngào! Trong “Trận chiến nhạc vàng”, tác giả Kiva đánh thẳng vào mục tiêu, không ỡm ỡm ờ ờ gì cả khi cho rằng:

            “Sự hồi sinh mạnh mẽ của dòng nhạc vàng cho thấy âm nhạc VNCH lúc xưa chưa có thua. Sau 40 năm chiến đấu cam go, bằng một sức mạnh mềm, nhạc vàng đã lật ngược được thế cờ, giành chiến thắng trên cả nước. Đầu thế kỷ 21, tôi đã thấy được một cuộc chiến tranh nhân dân ôn hòa, lãng mạn, thú vị mà không do những người Cộng Sản điều khiển. Một cuộc chiến tranh không có bom đạn, sắt máu, mà chỉ có lời ca tiếng nhạc du dương, êm đềm, thơ mộng. Nhạc xưa đã trở lại, nhưng không phải là sự thụt lùi mà là sự đáp ứng nhu cầu, phản ảnh tâm thức của người dân muốn hướng đến một xã hội tràn đầy yêu thương, nhân bản, thấm đượm tình quê hương dân tộc.”[21]

            Ngay cả trên một trong những tờ báo mạng hàng đầu ở trong nước hiện nay (vnexpress.net), ta cũng tìm thấy những lời ca ngợi âm nhạc miền Nam và thẳng thắng phê phán chính sách cấm đoán của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với loại nhạc này:

Những thân phận lạc loài vì chiến tranh, kêu đòi hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh là điểm nhấn của cả một thời kỳ người đô thị miền Nam hát vì yêu nước, đến nay cũng vẫn không được phổ biến một cách oan uổng; như ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, dù nhạc sĩ sau ngày Thống nhất cho đến tận khi mất vẫn cống hiến rất nhiều cho âm nhạc nước nhà. Nếu nghe thật kỹ ca từ “Một mai giã từ vũ khí” của Trịnh Lâm Ngân, chỉ thấy khắc khoải mơ ước hòa bình để xây dựng lại một xã hội người người thương yêu nhau, vậy mà nó luôn nằm đầu bảng danh sách các ca khúc bị cấm biểu diễn. (…) Quan trọng hơn, một thực tế không thể chối cãi, đó là rất nhiều trong những bài hát bị cấm phổ biến vẫn được mọi người yêu mến. Dù được viết đã rất lâu, bằng cách nào đó, chúng đang và còn nói được tiếng lòng đại chúng ở hiện thời. Việc cấm sử dụng các ca khúc được nhiều người yêu mến là đi ngược quy luật xã hội, vô ích trong quản lý và tốn thêm các chi phí khác cho việc giám sát.”[22]

Nhạc miền Nam trở lại không chỉ bằng nhạc mà bằng cả chính các ca nhạc sĩ một thời xây dựng nên không khí VNCH. Dân miền Nam muốn sống lại những tháng năm xưa êm đềm với các thần tượng của mình,  còn dân miền Bắc thì lại muốn được trực tiếp chia xẻ cái không khí chứa chan tình người mà họ không có cơ hội được hưởng vì sự biến mất đau đớn của VNCH. Những chương trình ca nhạc như thế, nhất là ở Hà Nội, là những “biến cố” xưa nay hiếm, đánh động vào một thế giới hoài niệm rưng rưng, xa xót![23]

Văn học nghệ thuật quả đã mang VNCH lừng lững đi vào, đi sâu trong lòng đất nước. Đây không phải là một diễn biến hòa bình. Cũng không phải một vận động thay ngôi đổi chủ. Đơn thuần chỉ là một hiện tượng phục hồi. Sự phục hồi của một giá trị, một giá trị vô cùng lớn lao mà nếu biết vận dụng, nó có thể đưa đến sự thay đổi ngoạn mục dòng sinh mệnh dân tộc.

5.

Ngoài yếu tố tự thân, sự phục hồi này còn được hỗ trợ bởi những yếu tố khách quan khác.

Trước hết là sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Qua mạng xã hội, lần đầu tiên người dân cảm thấy mình được tự do, được thoát ra khỏi sự kềm chế của nhà nước, được nói, được viết, được trao đổi đủ thứ thông tin đa dạng, đa chiều mà không phải thông qua một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt của bộ máy công an. Cũng qua mạng xã hội, họ xây dựng được một xã hội khác với thứ xã hội bị kềm kẹp bên ngoài: xã hội dân sự. Tất cả tạo thành một sức mạnh, làm đối trọng với nhà cầm quyền. Các tư tưởng dân chủ, tự do được đề cao. Và đặc biệt, các trang mạng xã hội cũng là nơi chứa đựng hình ảnh và thông tin đáng quý và hữu ích về một VNCH ngày cũ, từ âm nhạc, văn chương, nghệ thuật cho đến quân đội, giáo dục, kinh tế…

Mặt khác, do sự biến mất các yếu tố hấp dẫn của các chiêu bài lý tưởng (độc lập, giai cấp, chủ nghĩa…) cũng như vì sự mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh do một đảng cầm quyền quá lâu, “Nền chính trị Việt Nam đã chính thức bước vào chế độ tài phiệt (plutocracy),” theo Đoan Trang và Nguyễn Hữu Long. Phân tích về điểm này, hai tác giả nhận định:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật trung tâm của chính trị Việt Nam thập kỷ qua, đã phơi bày một phần cuộc đấu đá quyền lực trong đảng ra trước mặt báo và pháp đình, thông qua chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đảng. Chiến dịch này đã làm thay đổi hẳn cách nhìn về quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước trong công chúng nước ta. Trước đây, người ta coi làm quan, làm nhà nước là một công việc ổn định, vừa màu mỡ vừa an toàn, “đến hẹn lại lên”. Nay, ấn tượng đó đã sụp đổ cùng với cùng với những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, v.v. (…) Hai cái chết bí ẩn của Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang, cùng với vụ mất tích kỳ lạ của Đinh Thế Huynh, tiếp tục phủ bóng chính trường với nhiều màu sắc ma quái, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng về những phương pháp thanh trừng nội bộ cổ xưa. Pháp luật, suy cho cùng, vẫn chỉ là công cụ thanh trừng chứ không phải là nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Không có thứ công lý nào đạt được với một thứ pháp luật như vậy.”[i]

[i] Đoan Trang & Nguyễn Hữu Long, Chính trị Việt Nam: một thập kỷ nhìn lại, Luật Khoa tạp chí. Xem ở:

Chính trị Việt Nam: Một thập kỷ nhìn lại

Trong tình huống này, phủ nhận cơ chế nhà nước Cộng Sản hiện nay tất yếu phải dẫn đến chỗ thừa nhận những giá trị mà VNCH đã từng thể hiện trong thời gian 20 năm trước đây. Nhìn chiến hạm Mỹ Theodore Roosevelt ghé thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2020 vừa qua, nhìn cách nhà nước Cộng Sản đang loay hoay đòi biển đòi đảo, loay hoay trườn ra khỏi ảnh hưởng của chế độ bá quyền xảo quyệt phương Bắc, tôi nhận ra một điều vừa khôi hài lại vừa chua chát: Chính quyền Cộng Sản đã mất công chiến đấu, phỉnh gạt và hy sinh bao nhiêu thế hệ để cũng đi đến cái mục tiêu mà VNCH đã từng theo đuổi: thân Mỹ, chống Tàu, biến Việt Nam thành một đất nước pháp trị với tam quyền phân lập, đa nguyên trong sinh hoạt chính trị, tự do trong kinh tế thị trường, cởi mở trong văn học nghệ thuật, đất đai thuộc sở hữu tư nhân, tự trị đại học…Bị giam giữ trong nhà tù ý thức hệ, bị nhốt kín trong nỗi đam mê thành tích quá khứ, đảng Cộng Sản tiếp tục dẫn dắt dân tộc đi vào một con đường “dead-end”, không lối thoát.

Bốn mươi lăm năm bát nháo, ỡm ờ! Bốn mươi lăm năm loay hoay. Bốn mươi lăm năm sinh sát. Rốt cuộc, chính quyền Cộng Sản hiện hình là một cơ chế nửa nạc nửa mỡ, tiến thối lưỡng nan. Hơn thế nữa, cái chính quyền đó tự biến thành một khối u ác tính của chính mình. Nó tự đối đầu với chính nó, tự bào mòn chính nó, tự cắt xé chính nó. Thế lực phản động không còn đến từ bên ngoài, mà mưng mủ từ bên trong. Biến cố Đồng Tâm chẳng hạn là biểu hiện sinh động, là đỉnh cao của cái ung nhọt tự phát trong lòng chế độ. Chính những người đã từng hy sinh xương máu của họ để phục vụ chế độ càng ngày càng đứng lên chống lại nó, rạch ròi, dứt khoát và đầy chính nghĩa.

Trong một bối cảnh như vậy, nếu người ta hướng về VNCH cũng là điều rất hiển nhiên. Và hợp lý. Một trong những nhà nghiên cứu văn học tiếng tăm trong nước, Vương Trí Nhàn, đã can đảm nhận định về Tô Thùy Yên và qua đó, về những con người VNCH như sau:

“Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ “Ta về” chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản, đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975” (Tôi nhấn mạnh).

            Đây là một nhận định chính xác, can đảm của một nhà phê bình văn học, người ở bên phe thắng cuộc.  Những người hiện đứng lên tranh đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, dân chủ ở trong nước đang đòi hỏi cái mà chúng tôi đã từng tranh đấu để có và đã từng có vào những năm tháng VNCH. Giá trị VNCH,  do đó, không có gì cao xa, cũng chẳng cần phải dựa trên một lý thuyết nào, trái lại, rất đơn giản. Đơn giản như lao Thừa Phủ ngày nào đã cho phép hai tù nhân học sinh Lê Hiếu Đằng và Lý Thiện Sanh được đi thi Tú Tài để khỏi đánh mất tương lai. Đơn giản như những bài hát bolero VNCH, dân dã, thắm tình. Không cần kinh qua những cuộc đấu tố cải cách long trời lở đất và những năm tháng chiến tranh hao người tốn của. Cũng không cần những bà mẹ anh hùng, những tượng đài, những địa đạo, những thi đua, những sùng bái cá nhân và lăng tẩm, vân vân.

Xin được nhắc lại, nhất định là không thừa: Rốt cuộc, đổi mới là gì, cải cách là gì nếu không muốn nói là con đường dẫn đến những giá trị VNCH. Chả thế mà, giáo sư Nguyễn Văn Trung nhận định, “Cái gọi là “đổi mới” thực chất là “ đổi mới chẳng qua là trở về những cái cũ đã bị phủ nhận”.[25] Hiểu như thế, VNCH không phải là quá khứ, mà chính là tương lai. Là mô hình của một Việt Nam đổi mới, dân chủ, tự do.

Khi thừa nhận tính cách hợp pháp của chế độ VNCH, nhà cầm quyền Cộng Sản chắc không muốn nghĩ tới điều đơn giản đó.

Không sao!

Lịch sử có những lối đi riêng bất ngờ của nó.

 

TDN

(4/2020)

 

_______________________

 

Tài liệu tham khảo:

 

  • FB Vương Trí Nhàn

            https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2333771996898058&id=100007958417043

  • Jason Gibbs, Nhạc vàng hóa vàng (Nguyễn Trương Quý dịch)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4775&rb=0206

  • FB Nguyễn Lương Hải Khôi: ĐH Vạn Hạnh được tiếp quản như thế nào?

https://baotiengdan.com/2018/12/21/the-nao-la-giai-phong-sau-1975-dh-van-hanh-duoc-tiep-quan-nhu-the-nao/

  • – FB Nhật ký yêu nước:Đỗ Trung Quân nói về âm nhạc và Nguyễn Long Ẩn

https://www.facebook.com/nhatkyyeunuoc1/posts/3248934198466638/

  • Dương Thu Hương
  • Nhân Dân online: Ứng xử với văn học miền Nam trước 1975 (Hạnh Nguyên)

https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/30680502-ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975.html

  • Phỏng vấn Hoàng Hưng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
  • Nguyễn Văn Trung, Tưởng niệm VNCH (Văn Học (Cali) số 174, 10/2000)
  • Đoan Trang & Nguyễn Hữu Long, Chính trị Việt Nam: một thập kỷ nhìn lại, Luật Khoa tạp chí.
  • Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số  4 – 2015, tr. 27-40.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/văn-học-việt-nam/5393-chin-tranh-xa-hi-tieu-th-va-th-trng-vn-hc-min-nam-1954-1975.html

  • Đoan Trang & Nguyễn Hữu Long, Chính trị Việt Nam: một thập kỷ nhìn lại, Luật Khoa tạp chí. Xem ở:

https://www.luatkhoa.org/2019/12/chinh-tri-viet-nam-mot-thap-ky-nhin-lai/

 

 

[1] Trong toàn bài, nhóm chữ “Việt Nam Cộng Hòa”, do phải lập đi lập lại nhiều lần, nên để tránh rườm rà, người viết sử dụng chữ tắt VNCH để thay thế.

[2]Michael Bùi, Lucky Ride luckyride9@yahoo.com [ThoVan] thovan@yahoogroups.com, April 25th, 2020.

[3]Dương Thu Hương, Chốn vắng, tiểu thuyết. Có thể xem ởĐinh Quang Anh Thái, Giọt nước mắt người phụ nữ “bên thắng cuộc”:http://www.buctranhvancau.com/new-blog/2018/11/25/git-nc-mt-ngi-ph-n-bn-thng-cuc-inh-quang-anh-thi-thng-hai-2018

[4] Để biết rõ hơn về hai Công Hàm này, vào xem ở: Phùng Anh Khương, Há miệng mắc quai: Nếu luật sư Trung Quốc dùng lý lẽ VNCH là “ngụy quyền”…(Luật Khoa tạp chí)

https://www.luatkhoa.org/2020/04/ha-mieng-mac-quai-neu-luat-su-trung-quoc-dung-ly-le-viet-nam-cong-hoa-la-nguy-quyen/

[5] Công Hàm A/72/692 được ký ngày 26/12/2017 và được đưa vào hồ sơ lưu trữ Liên Hiệp Quốc ngày 30/1/2018. Xem ở:

https://undocs.org/pdf?symbol=en/A/72/692

[6]https://baotiengdan.com/2020/04/23/cong-ham-257-hc-nam-2016-viet-nam-gui-lhq-da-khang-dinh-VNCH-la-mot-chinh-the-doc-lap/

[7]https://tvtsonline.com.au/vi/chuyen-nganh-vi/lich-su-chinh-tri-ton-giao-van-hoa/le-hieu-dang-suy-nghi-trong-nhung-ngay-nam-binh/

[8] Nguyễn Văn Trung, “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua”, chương 8: Tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa, Tạp chí Văn Học (Cali) số 174, 10/2000, từ trang 3 đến trang 32. Có thể tìm xem ở thư Viện Người Việt: https://issuu.com/nvthuvien/docs/tapchivanhoc_174?mode=window&viewMode=doublePage

[9] tức là tách biệt tôn giáo khỏi nhà nước.

[10]Hướng về Miền Nam Việt Nam, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004. Dẫn theo Thụy Khuê, Văn Học miền Nam 1954-1975. Xem ở: http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam/

[11] Trần Doãn Nho, “Tính văn học trong Văn Học Miền Nam”. Xem ở Da Màu: https://damau.org/34977/tinh-van-hoc-trong-van-hoc-mien-nam

[12]Đại Học Vạn Hạnh được tiếp quản như thế nào sau 1975?, FB Nguyễn Lương Hải Khôi. Xem ở Tiếng Dân: https://baotiengdan.com/2018/12/21/the-nao-la-giai-phong-sau-1975-dh-van-hanh-duoc-tiep-quan-nhu-the-nao/

[13] Các cuộc hội thảo hay “đêm không ngủ” của sinh viên học sinh chống chính quyền thường được tổ chức trong khuôn viên để tránh bị giải tán hay đàn áp. Lực Lượng Cảnh Sát bố trí bên ngoài, cho người giả dạng sinh viên vào bên trong chỉ để lấy tin tức. Cảnh Sát chỉ can thiệp khi sinh viên kéo nhau ra ngoài đường để đi biểu tình

[14]Xem Trả lời Tuý Vân của Nguyễn Đăng Thường, Talawas

  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9603&rb=0102

[15] Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số  4 – 2015, tr. 27-40.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/văn-học-việt-nam/5393-chin-tranh-xa-hi-tieu-th-va-th-trng-vn-hc-min-nam-1954-1975.html

[16]Hạnh Nguyên, Ứng xử với văn học miền nam trước 1975. Xem ở:

https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/30680502-ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975.html

[17] Phỏng vấn nhà thơ Hoàng Hưng (Diễn Đàn Thế Kỷ)

[18] Jason Gibbs, Nhạc vàng “hoá vàng” (Nguyễn Trương Quý dịch). Xem:

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4775&rb=0206

[19] Hoàng Hưng (trả lời Phỏng Vấn của Diễn Đàn Thế Kỷ). Muốn hiểu hết tính cách của sự chiếm lĩnh này, hãy thử vào hai trang mạng chuyên về nhạc đỏ và nhạc vàng. Trong lúc trang “Nhạc Vàng” (facebook.com/nhacvang/) có hàng trăm ngàn người “follow” và hàng trăm ngàn người “like”, thì trang  “Nhạc Đỏ Chọn Lọc” (facebook.com/nhacdochonloc/) chỉ có chừng vài trăm người “follow” và “like”.

[20] Xem ở FB “Nhật ký yêu nước”:

https://www.facebook.com/nhatkyyeunuoc1/posts/3248934198466638/

[21] Trận chiến nhạc vàng. Kiva, trang mạng amnhac.fm

   https://amnhac.fm/tan-nhac/6260-tran-chien-nhac-vang

[22]Phạm Hoài Nam/Những bài hát bị cấm/Chủ nhật, 6/10/2019, 21:40/VNExpress.

  https://vnexpress.net/nhung-bai-hat-bi-cam-3987828.html

[23] Các ca sĩ hải ngoại về nước trình diễn thường bị chê trách, thậm chí bị lên án và sỉ nhục. Điều này thực dễ hiểu, vì rõ ràng là nhà nước Cộng Sản, khi cho phép các ca sĩ hải ngoại về nước, là tìm cách chia rẽ cộng đồng hải ngoại và đánh bóng chế độ. Tuy nhiên, nếu xét ở một điểm khác, điều này góp phần làm phong phú thêm giá trị VNCH đối với người dân trong nước, nhất là đối với giới trẻ.

[24] Đoan Trang & Nguyễn Hữu Long, Chính trị Việt Nam: một thập kỷ nhìn lại, Luật Khoa tạp chí. Xem ở:

https://www.luatkhoa.org/2019/12/chinh-tri-viet-nam-mot-thap-ky-nhin-lai/

[25] Nguyễn Văn Trung, bài đã dẫn (Xem ghi chú số 8)

VNBoatPeople

NoiBuonXaXu1

NoiBuonXaXu2

PHÓNG SỰ CỘNG ĐỒNG:

 

Vợ chồng gốc Việt ở Massachusetts tặng 1 kho thiết bị y tế cho các bệnh viện 

 

 

Thiết bị y tế đặc biệt là các dung cụ bảo vệ an toàn cho bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện và bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng tại các bệnh viện trên toàn quốc, nhiều hội đoàn và cá nhân trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi sự đóng góp của đồng hương. Tại thành phố Worcester, MA, ông Tony Đức Nguyễn và bà Sarah Dung Võ đã mua lại một kho thiết bị y tế gồm khẩu trang N95, áo choàng ý tế, bao tay, và rất nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân để quyên tặng cho các bệnh viện trong tiểu bang. Đây là một nghĩa cử tuyệt vời của những người gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ trong giai đoạn cực kỳ khó khăn do dịch virus corona gây ra.